"Còn khai thác được hàng chục ngàn MW từ điện gió, điện mặt trời..."

(Dân trí) - Khẳng định Việt Nam còn có thể khai thác được hàng chục ngàn MW từ điện gió, điện mặt trời, và nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi đã trao đổi sâu với Dân trí về vấn đề này.


Ông Trần Viết Ngãi: Vẫn còn có thể khai thác thuỷ điện, nếu không sẽ rất lãng phí

Ông Trần Viết Ngãi: Vẫn còn có thể khai thác thuỷ điện, nếu không sẽ rất lãng phí

Có thể làm thêm 300-400 nhà máy thủy điện nhỏ

Theo ông, nguy cơ thiếu điện trong các năm tới đang được đặt ra. Việc phát triển các nhà máy nhiệt điện đang trở lên khó khăn. Theo ông, thuỷ điện còn khai thác được không?

-Hiện nay, các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt ngày càng cạn kiệt. Từ nay tới năm 2020, trong vòng hơn 3 năm nữa phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng điện thiếu hụt khoảng 100 tỷ kWh và tới năm 2030 thiếu khoảng 300 tỷ kWh.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải tính toán để khai thác các tiềm năng các nguồn năng lượng trong nước còn có thể khai thác, đồng thời tìm các nguồn điện từ các nước trong khu vực cung cấp thêm điện cho Việt Nam, như từ Lào, Thái Lan, Trung Quốc… Do đó, theo tôi, nguồn tiềm năng tài nguyên ở trong nước cần được đầu tư khai thác, đó là các nguồn thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối một cách mạnh mẽ.

Nhưng các nguồn thuỷ điện nhỏ liệu khai thác được bao nhiêu khi các nguồn cho các dự án lớn coi như đã hết?

-Đúng vậy, các nguồn thủy điện lớn đã đầu tư từ nhiều thập kỷ qua đến nay coi như kết thúc, cộng với các nguồn thủy điện vừa và nhỏ trong khoảng 3.000 MW đã được xây dựng và đưa vào vận hành. Tổng công suất nguồn thủy điện hiện tại đạt được khoảng 17.000 MW, tạo ra sản lượng điện khoảng 80 tỷ kWh.

Do phong trào xây dựng thủy điện ồ ạt của những năm từ 2010-2014, có tình trạng lợi dụng mặt bằng đường sá của các dự án thủy điện để khai thác gỗ một cách bừa bãi, gây tác hại tới môi trường rừng. Ngoài ra do các dự án thủy điện vừa và nhỏ này chủ đầu tư hầu hết là tư nhân, ít hiểu biết về thủy điện nhưng thấy có lợi xin đầu tư, do đó công tác từ khảo sát, địa chất, thủy văn không tốt, lập hồ sơ đầu tư qua loa, không chặt chẽ, lập dự án thiết kế, bản vẽ thi công không chuẩn mực, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, do đó đã có một số dự án bị vỡ đập…

Trong công tác quản lý, vận hành hồ chứa không tuân thủ qui trình của Nhà nước, ở đây là các Sở Công thương, Sở Nông nghiệp, của các địa phương dẫn đến tình trạng xả lũ bừa bãi, gây ngập lụt, đặc biệt là một số dự án thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên, do đó báo chí đã đề cập, đồng thời, nhiều địa phương phản đối, do đó Quốc hội đã loại trên 400 dự án thủy điện loại này ra khỏi quy hoạch.


Thủy điện nhỏ nếu khai thác tốt vẫn đem lại hiệu quả

Thủy điện nhỏ nếu khai thác tốt vẫn đem lại hiệu quả

Với những hệ luỵ như vậy, việc tiếp tục khai thác, phát triển các nguồn thuỷ điện có phải là rủi ro lớn không, thưa ông?

-Chúng ta vẫn cần phải xem xét lại trong số các dự án còn có khả năng đầu tư tiếp, đó là những dự án có hiệu quả kinh tế, có công suất điện khá để tiếp tục được đầu tư xây dựng, cung cấp điện cho các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia. Nhưng với điều kiện đảm bảo quy trình lập đề án… tổ chức xây dựng, hạn chế tối đa phá hoại rừng, cần phải có quy trình chặt chẽ xây dựng các dự án này, trong đó có công tác vận hành hồ chứa…

Theo tính toán của chúng tôi, nếu cho khai thác thêm khoảng 300 - 400 dự án thủy điện nhỏ và vừa nữa, thì tổng công suất của nguồn thủy điện mới khai thác này sẽ đạt được từ 3.000MW đến 4.000MW bổ sung vào hệ thống điện quốc gia, hằng năm cung cấp được khoảng 20 tỷ kWh điện, góp phần bổ sung điện năng thiếu hụt.

Vấn đề cân nói là chúng ta phải khai thác các tiềm năng sẵn có, tạo ra sản lượng điện mới thì không thể loại ra, đây là nguồn tài nguyên quý còn sót lại của đất nước, nếu bỏ qua thì vô cùng lãng phí.

Còn có thể khai thác hàng chục ngàn MW điện mặt trời, điện gió...

Còn các nguồn năng lượng tái tạo thì sao, thưa ông, Việt Nam có thể khai thác đến đâu?

-Ở Việt Nam, năng lượng tái tạo nên tập trung vào ba dạng đó là: năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối, đây là ba dạng có tiềm năng to lớn.

Việt Nam có bờ biển dài trên 3.360 km, có thể nói bờ biển dài nhất khu vực Đông Nam Á, gió biển thổi vào đất liền quanh năm. Việt Nam có nhiều khu vực đồng bằng, trung du và đặc biệt là miền núi, chúng ta có thể tận dụng thế mạnh về diện tích của các khu vực này để xây dựng năng lượng gió, mặt trời vô cùng quý giá…

Nước ta nằm ở khu vực nhiệt đới, do đó, nguồn năng lượng gió, mặt trời, có quanh năm, với công nghệ hiện đại như bây giờ, việc sản xuất, chế tạo tuabin gió không quá đắt đỏ như trước. Với tốc độ 5m/s trở lên, tua bin gió đã tạo ra điện, vì vậy hàng năm có thể tận dụng từ 2.000 h - 3.000 h để khai thác nguồn điện gió, điện mặt trời quý giá này.

Bức xạ mặt trời là tiềm năng vô tận. Ở các tỉnh ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam hằng năm đều có bức xạ mặt trời vào loại tốt. Mức độ năng lượng mặt trời trong khoảng 3-5 kWh/m2/ ngày, số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 2.500 h - 3.000 h, sử dụng năng lượng mặt trời vào mùa hè là tốt nhất, ta có thể lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời ở nhiều vùng khác nhau: trên bờ biển, trên các hồ chứa nước, đồng bằng, rừng núi, trên mái nhà, kể cả cửa sổ và các tấm che của nhà; lấy trung bình cứ khoảng một héc ta thì cho ta có được khoảng 1 MW điện, từ đó ta có thể hiểu rằng với hàng tỷ ha đất của cả nước thì có thể sản xuất ra nhiều chục ngàn MW điện từ bức xạ năng lượng mặt trời.

Nguồn tài nguyên gió của Việt Nam cũng dồi dào vô tận, ở Nhật Bản và một số nước đa phần xây dựng các cột tua bin gió trên mặt biển….. Việt Nam có lợi thế bờ biển dài, việc đầu tư các dự án này là hết sức thuận lợi. Dự tính suốt chiều dài bờ biển của đất nước có thể lắp đặt các tua bin gió tạo ra được hàng chục nghìn MW điện, kể cả đồng bằng, trung du miền núi đều phát ra điện gió, tùy mức độ gió khác nhau và chiều cao tua bin khác nhau.

Với công nghệ hiện đại như hiện nay chỉ cần tốc độ gió 5m/s trở lên, tua bin có thể phát ra điện, điện năng tạo ra từ dạng năng lượng này có thể đạt hàng chục ngàn MW. Vấn đề ở đây là phải áp dụng công nghệ Invester để kết nối điện từ gió, mặt trời vào hệ thống điện quốc gia, trong đó cần có công nghệ về hệ thống thiết bị để kết nối điện gió, điện mặt trời với lưới điện quốc gia, vấn đề cốt lõi là giải quyết vấn đề điều chỉnh điện áp, điều chỉnh tần số, điều chỉnh phụ tải, đảm bảo vận hành hệ thống ổn định.

Chúng ta còn năng lượng sinh khối, là dạng tài nguyên vô tận. Việt Nam là nước nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp phát triển mạnh mẽ, phụ phẩm thải ra từ rừng, biển, nông nghiệp hàng năm vô cùng to lớn, ngoài ra kết hợp với việc khai thác các nguồn rác thải công nghiệp, sinh hoạt từ các thành phố…

Tất cả các loại này cộng lại hàng năm có hàng tỷ tấn; năng lượng này, trước đây ta dùng vào việc đun nấu, nay có thể dùng để đốt vào các lò hơi công nghiệp, có thể ép thành viên xuất khẩu, đặc biệt sản xuất ra điện năng. Việc sản xuất ra điện từ sinh khối có các công nghệ khác nhau: đốt 100% nhiên liệu sinh khối qua lò hơi phát ra điện; đồng đốt (sinh khối + than). Vấn đề ở đây là vấn đề nhiệt trị, nhiệt trị cao thì hiệu suất lò hơi càng cao và lượng điện tạo ra càng nhiều, do vậy trước khi đem đốt, thì rác thải và phụ phẩm cần được qua một giai đoạn, ép sấy thành viên, thanh là tốt nhất….

Nhưng có vẻ như ở ta, chưa có chính sách tốt để huy động, phát triển các nguồn điện này. Hiệp hội Năng lượng có kiến nghị gì không, thưa ông?

-Theo chúng tôi, trước hết, Chính phủ cần sớm tổ chức lập quy hoạch về phát triển năng lượng tái tạo. Trong việc lập quy hoạch này, cần phải quy tụ được các nhà tư vấn trong nước, các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu có trình độ cao, dồi dào kinh nghiệm về lĩnh vực năng lượng tái tạo; cần lựa chọn tư vấn nước ngoài để hỗ trợ. Cơ quan này giúp chính phủ về việc lập quy hoạch, đo gió, đo bức xạ mặt trời, tính toán năng lượng sinh khối. Cơ quan này là nơi thiết kế bản vẽ thi công để chế tạo ra các thiết bị phục vụ cho năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, sinh khối, sinh học; mặt khác nghiên cứu được công nghệ về lưu điện (bằng pin Litiun) và thiết kế các thiết bị điều chỉnh điện áp, điều chỉnh tần số, điều chỉnh phụ tải khi nối lưới điện mặt trời, điện gió...vào hệ thống điện quốc gia.

Riêng đối với bức xạ năng lượng mặt trời, cần đánh giá được cường độ bức xạ mặt trời của từng tỉnh, từng miền và hai mùa đặc trưng là mùa nắng và mùa mưa. Tìm ra được con số xác thực, tính theo kwh/m2/ ngày (WP) cho từng nơi… để xác định được cường độ mặt trời ở mức trung bình là bao nhiêu, thấp là bao nhiêu, cao là bao nhiêu, tính cả số giờ có cường độ bức xạ mặt trời có trong ngày, tháng, quý, năm từ đó xác định từng vùng nào, tỉnh nào thì nên khai thác mức cao, trung bình hay ở mức thấp.

Đối với năng lượng sinh khối, cần phải điều tra khảo sát các phụ phẩm từ nông nghiệp, lâm nghiệp, biển, chất thải ở nông thôn, thành thị, vùng miền mỗi năm là bao tấn các loại chất thải này, trên cơ sở đó lựa chọn các công nghệ để dùng nhiên liệu này cho việc phát điện, hoặc dùng vào các ngành công nghiệp khác.

Thứ hai, Chính phủ cần có chủ trương xây dựng một đến hai khu công nghệ cao đối với thiết bị công nghiệp nói chung, thiết bị năng lượng và đặc biệt là thiết bị về năng lượng tái tạo.

Theo tôi, Chính phủ cần phải ban hành một số cơ chế chính sách bao gồm: hỗ trợ quỹ đất cho các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ về thuế có thể giảm hoặc miễn thuế cho những năm đầu, chính phủ nên quyết định giá của điện gió, điện sinh khối để tạo thêm điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào hai lĩnh vực này nữa.

Mạnh Quân (thực hiện)