Đại biểu Quốc hội kể chuyện địa phương "thường xuyên thăm hỏi" doanh nghiệp

(Dân trí) - "Việc gì không biết chứ có bao nhiêu DN sản xuất gì trên địa bàn họ biết hết! Thăm hỏi thường xuyên, không phải để kiểm tra hay chấn chỉnh vấn đề gì, mà để xin kinh phí hỗ trợ. Trước kia chỉ 'xin' vào dịp Tết nguyên đán, nay dịp gì cũng xin, lễ cũng xin, nghỉ hè cũng xin, hội nghị cũng xin. Nếu không cho thì chuốc lấy phiền toái", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phản ánh.

Đại biểu tỉnh Ninh Thuận - Nguyễn Sỹ Cương (ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu tỉnh Ninh Thuận - Nguyễn Sỹ Cương (ảnh: Quochoi.vn)

Phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều nay (2/11), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã, đang quan tâm hết mức, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp (DN), nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng nhũng nhiều DN một cách thường xuyên và lộ liễu.

"Nhiều doanh nghiệp nhỏ có nói với tôi: Chính quyền địa phương, kể cả các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn việc gì không biết chứ có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất gì trên địa bàn họ biết hết! Thăm hỏi thường xuyên! Thăm hỏi không phải để kiểm tra hay chấn chỉnh vấn đề gì, mà để xin kinh phí hỗ trợ. Trước kia chỉ 'xin' vào dịp Tết nguyên đán, nay dịp gì cũng xin, lễ cũng xin. Nghỉ hè cũng xin, tổ chức hội nghị cũng xin. Nếu không cho thì chuốc lấy phiền toái. DN nói họ không làm gì sai cả nhưng vẫn phải chịu", vị đại biểu kể lại.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương còn cho rằng, dù cho bộ máy Nhà nước tự thân không tạo ra bức xúc cho xã hội, nhưng bộ máy đó lại được tạo bởi các công chức và viên chức. Tất cả những vấn đề tiêu cực xảy ra, ngay cả như cơ sở Karaoke bị cháy khiến nhiều người thiệt mạng vừa mới hôm qua cũng đều có thể giải thích là do "buông lỏng quản lý".

"Cứ xảy ra rồi chính quyền mới lập cập đến tuyên bố sẽ rà soát xử lý các cơ sở vi phạm. Lẽ ra điều đó phải làm lâu rồi chứ không phải chờ đến lúc xảy ra rồi mới đến. Trong lúc công chức đông, tinh giảm biên chế dẫm chân tại chỗ, số lượng công việc nhiều. Việc công không được giải quyết thì cán bộ công chức làm gì?", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề.

Trước đó, nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, mặc dù lãnh đạo cấp trên từ lãnh đạo tỉnh đến các thành viên của Chính phủ đã chuyển động rất mạnh mẽ, rất quyết liệt, thế nhưng bộ máy thực thi công vụ, kể cả Trung ương và địa phương chuyển động chậm chạp. Kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương bộ máy hành chính Nhà nước, ông Cầu đề nghị, cần ban hành quy trình xử lý kỷ luật ngắn gọn, thông thoáng, nghiêm minh. Chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được.

Thậm chí, vị đại biểu cho rằng, cần mạnh tay, kể cả đuổi việc một số trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục làm gương cho mọi người. Làm như vậy sẽ nâng cao được chỉ số lòng tin, làm yên lòng người dân và doanh nghiệp.

Bích Diệp