Còn tâm lý dựa dẫm Nhà nước, nợ công sẽ vượt trần
(Dân trí) - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cảnh báo, nếu giữ mức đầu tư như giai đoạn 2011 - 2015 song vẫn tập trung đẩy mạnh đầu tư từ phía Nhà nước, vẫn còn tâm lý dựa vào Nhà nước thì việc nợ công vượt trần là có thể xảy ra, dẫn đến các rủi ro an toàn nợ công.
Hai nguyên nhân khiến nợ Chính phủ vượt trần
Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 của Bộ Tài chính vừa đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/3/2016 cho hay, số dư nợ Chính phủ hiện đang chiếm 50,3% GDP. Như vậy, so với trần nợ cho phép giai đoạn 2011-2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua thì dư nợ Chính phủ hiện đã vượt trần cho phép 0,3% GDP.
Lý giải cho tình trạng này, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn đến nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép trong năm vừa qua.
Cụ thể, GDP thực tế thực hiện năm 2015 chỉ đạt 4.484 nghìn tỉ đồng, giảm mạnh 291,1 nghìn tỷ đồng so với con số dự báo tháng 10/2015. Trong khi đó, năm 2015, Chính phủ đã bổ sung 30 nghìn tỉ đồng kế hoạch giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.
Ông Long cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của quản lý nợ công là kiểm soát độ an toàn của nợ công và việc giữ các chỉ tiêu nợ công trong mức trần cho phép là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất trong an toàn nợ công phụ thuộc vào 2 yếu tố, đó là tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn vốn từ các khoản nợ công; khả năng trả nợ từ chủ thể đi vay và khả năng đáp ứng nguồn vốn vay từ phía thị trường.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng cho biết, khả năng chỉ tiêu nợ công trên GDP sẽ vượt trần trong các năm 2016 - 2017. Đề cập đến vấn đề này, ông Trương Hùng Long nhận định: "Nếu giữ mức đầu tư như giai đoạn 2011 - 2015, vẫn tập trung đẩy mạnh đầu tư từ phía Nhà nước, vẫn còn tâm lý dựa vào Nhà nước mà không cần nhắc đến bối cảnh hiện tại và với tình hình cân đối ngân sách như giai đoạn vừa qua, áp lực huy động vốn cho đầu tư là rất lớn, việc nợ công vượt trần là có thể xảy ra, dẫn đến các rủi ro an toàn nợ công".
Siết quản lý nợ, thắt chặt chi tiêu công
Để nợ công không vượt trần cho phép, ông Long cho biết, điều trước hết là toàn bộ vốn vay công phải được sử dụng trực tiếp cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính đánh giá, việc phân bổ và sử dụng vốn vay công cho các dự án giao thông, cầu cảng, nông thôn, giảm nghèo, giáo dục, y tế... thời gian qua còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Tình trạng mở rộng diện, quy mô, điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu vẫn khá phổ biến, dẫn đến tăng mức vay công.
Tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả chưa cao dẫn đến tăng nợ công (ảnh minh họa)
Trong những năm tới, Bộ Tài chính phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn việc thắt chặt điều kiện về cho vay lại. Siết chặt phạm vi, đối tượng và điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tăng trách nhiệm của người vay, người được bảo lãnh Chính phủ...
Cũng theo ông Trương Hùng Long, giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam đã tập trung tăng huy động vốn vay rất lớn từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong nước cho đầu tư phát triển.
Huy động vốn vay của Chính phủ năm 2015 đã tăng gấp đôi với năm 2011. Trong đó huy động thông qua phát hành TPCP trong nước năm 2015 tăng gần 3,5 lần. Đây là nguyên nhân dẫn đến nợ Chính phủ, nợ công tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua.
Điều này dẫn đến hai khó khăn, một là mức bố trí trả nợ so với tổng thu NSNN đã tăng từ mức khoảng 13% đầu giai đoạn lên hơn 16%, phát sinh nhu cầu vay mới để thanh toán một phần nợ gốc đến hạn. Hai là, trong khi thị trường vốn trong nước chưa thực sự phát triển, trước áp lực huy động vốn lớn đã dẫn đến phải huy động vốn ngắn hạn (3 năm) trong những năm 2011 - 2013 và tạo áp lực trả nợ vào các năm 2015 - 2017.
Để giữ các chỉ tiêu nợ trong giới hạn trần cho phép, theo ông Long, vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay cũng như 5 năm tới đó là phải đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia phải được đặt lên hàng đầu. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được xây dựng trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa. Không thực hiện đầu tư vượt quá khả năng bố trí của NSNN.
Đại diện Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, phải kiên quyết cắt giảm bội chi NSNN theo lộ trình đề ra, ưu tiên bố trí nguồn NSNN để trả nợ đến hạn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung - dài cho đầu tư phát triển nền kinh tế.
Bích Diệp