1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chịu lắm phiền hà, nhũng nhiễu, doanh nghiệp Việt đang "ngại lớn"

(Dân trí) - Chiếm tới 97,6% tổng số doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chịu nhiều khó khăn, thách thức song điều đáng ngạc nhiên là những doanh nghiệp này lại đang "ngại lớn" mà nguyên nhân được cho biết là do chi phí thực hiện thủ tục hành chính cũng như rủi ro tăng lên theo quy mô.

Chi phí không chính thức "ngốn" 10% doanh thu?

Báo cáo PCI 2015 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay (31/3/2016) mặc dù ghi nhận những nỗ lực đáng kể của chính quyền các địa phương trong việc tạo điều kiện hoạt động, kinh doanh cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng chỉ ra một loạt những xu hướng đáng quan ngại.

Theo đó, chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với năm 2014 (10%).

Bên cạnh đó, vẫn có 65% doanh nghiệp cho biết "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến".

Mặc dù chính sách hướng đến việc tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách xa với mục tiêu đó
Mặc dù chính sách hướng đến việc tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách xa với mục tiêu đó

Trong con mắt của các doanh nghiệp dân doanh, môi trường kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố chưa có sự cạnh tranh bình đẳng. Trong PCI, chỉ số thành phần cạnh tranh bình đẳng phản ánh nỗ lực của chính quyền các địa phương trong việc tạo ra một “sân chơi” công bằng và bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, năm vừa qua, những nỗ lực này chưa đem lại những kết quả rõ nét. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, đa số doanh nghiệp cũng phản ánh, địa phương đang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước.

Ngoài ra, không ít địa phương được cho là đang ưu đãi với các công ty lớn (cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân) - và đây là trở ngại cho hoạt động kinh doanh cho những doanh nghiệp còn lại.

Báo cáo PCI năm nay cũng dành nhiều không gian cho những phân tích sâu về các thách thức và khó khăn mà nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang phải đối mặt trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhóm nghiên cứu cho biết, khi đánh giá về môi trường kinh doanh tại các địa phương, các DNNVV có cảm nhận tiêu cực hơn các doanh nghiệp lớn trên một số lĩnh vực: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp.

Lấy ví dụ trong vấn đề tiếp cận thông tin, tài liệu về chính sách, những doanh nghiệp có mối quan hệ với cơ quan nhà nước sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, bất kể là quy mô nhỏ hay lớn. Có đến 75% DNNVV phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, thậm chí với các doanh nghiệp quy mô lớn, tỷ lệ này lên tới 79%.

Bên cạnh đó, có 56% doanh nghiệp siêu nhỏ, 52% doanh nghiệp nhỏ và 45% doanh nghiệp quy mô vừa cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, con số này ở các doanh nghiệp quy mô lớn là 44%.

Doanh nghiệp Việt "ngại lớn"

Đáng chú ý, bản báo cáo PCI 2015 đưa ra đánh giá, các DNNVV của Việt Nam (vốn chiếm 97,6% tổng số doanh nghiệp) đang "ngại lớn".

Đi tìm câu trả lời cho điều này, VCCI cho biết, theo kết quả điều tra PCI 2015, có tới 74% doanh nghiệp từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Có một hiện tượng đáng lo ngại: Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng có thể là một nguyên nhân khiến các DNNVV Việt Nam “ngại lớn”.

Cụ thể, thông thường các DNNVV phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra trong năm. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Tính toán chung, có 18% doanh nghiệp siêu nhỏ, 24% doanh nghiệp nhỏ và 43% doanh nghiệp quy mô vừa đón tiếp ít nhất 3 đoàn thanh kiểm tra doanh nghiệp trong năm gần nhất, trong khi con số này là 50% đối với doanh nghiệp quy mô lớn.

Đáng lưu ý, thanh tra, kiểm tra chưa có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành. Điều này thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh về tình trạng trùng lặp về nội dung thanh tra, kiểm tra giữa các đoàn đến doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy 25% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và 30% doanh nghiệp vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này lên tới 32%.

Ngoài ra, chi phí thời gian trong các cuộc thanh kiểm tra thuế cũng gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp siêu nhỏ, trung bình mỗi lần thanh kiểm tra thuế mất khoảng 3 giờ; đối với các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp quy mô vừa, con số này lần lượt là 7 và 8 giờ. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp quy mô lớn, thông thường mỗi cuộc thanh kiểm tra thuế thường làm mất khoảng 40 giờ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, gánh nặng thực hiện thủ tục hành chính cũng gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp. Gây phiền hà nhất là các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường và thanh toán qua kho bạc.

Bích Diệp

Chịu lắm phiền hà, nhũng nhiễu, doanh nghiệp Việt đang "ngại lớn" - 2