1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Năng lực cạnh tranh yếu, doanh nghiệp "chăm chăm" chạy theo quan hệ

(Dân trí) - "Doanh nghiệp làm được 10 đồng lợi nhuận mà phải nộp thuế tới 4 đồng, chưa kể phần dành cho chi phí "bôi trơn", tham nhũng. Điều kiện môi trường kinh doanh không bình đẳng đã khiến các doanh nghiệp chỉ chạy theo quan hệ thay vì nâng cao năng lực cạnh tranh" - bà Phạm Chi Lan bình luận.

70% là doanh nghiệp siêu nhỏ

Đánh giá về những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trước ngưỡng cửa Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, có thể tóm gọn lại ở năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp và đi cùng với đó là nhưng trở ngại trong môi trường kinh doanh.

Bà Lan tỏ ra lo lắng khi Việt Nam bị đánh giá là nước có năng lực cạnh tranh thấp nhất trong các nước tham gia TPP với cơ sở hạ tầng thấp thứ 2, trình độ khoa học công nghệ "bét bảng" và trình độ phát triển doanh nghiệp tụt hậu xa các đối tác khác.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt khi TPP có hiệu lực
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt khi TPP có hiệu lực

Mặc dù hàng năm, con số thống kê vẫn cho thấy, số lượng doanh nghiệp tăng trưởng, nhưng trên thực tế, số doanh nghiệp bị đào thải vẫn còn cao và chưa hề dừng lại. Bà Lan cho biết, thực tế, có những người lao vào kinh doanh nhưng đã phải "đầu hàng" bằng cách ngừng hoạt động hoặc "tự bán mình" cho đối tác bên ngoài.

Ngoài ra, với trình độ quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, công nghệ lạc hậu, trình độ lao động tay nghề thấp, quy mô công ty nhỏ...đã dẫn đến khả năng tham gia vào chuỗi toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam rất yếu. Năng lực hội nhập quốc tế bị giới hạn, tư duy hội nhập hạn chế, biết một cách "lơ mơ, chung chung, hời hợt".

Hiện tại, 96% doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó, số doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đến 70% tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. "Đó mới chỉ là tính theo tiêu chí của Việt Nam cả về quy mô lao động và vốn. Với tỉ lệ này thì tưởng tượng chúng ta cạnh tranh sẽ như thế nào?" - bà Lan trăn trở.

Nguyên phó Chủ tịch VCCI cũng nhận xét, "chúng ta hội nhập hăng hái nhưng chưa kết nối tốt, trong khi hội nhập phải kết nối tốt mới đem lại hiệu quả. Chúng ta vận động cho tự do thương mại (free trade) nhưng không có bình đẳng thương mại (fair trade) đâu! Cái công bằng, bình đẳng trong thương mại quốc tế là không có nên các nước nhỏ thì phải lên tiếng để tự bảo vệ mình, đòi quyền lợi cho mình" - bà Lan nói.

Bà dẫn chứng, cuộc đua tranh trong lĩnh vực xuất khẩu gạo giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN đang rất gắt gao. Mặc dù đứng thứ hai về xuất khẩu gạo, nhưng chất lượng gạo Việt Nam lại đang thua xa Campuchia. Tới đây khi Lào và Myamar cùng “nhảy vào” lĩnh vực xuất khẩu gạo thì thị phần dành cho Việt Nam sẽ càng nhỏ.

"Vào TPP, tôi lo nhất năng lực Nhà nước.."

Tuy nhiên, theo bà Lan, năng lực cạnh tranh yếu kém của doanh nghiệp không hoàn toàn do lỗi của doanh nghiệp mà còn do những yếu tố bên ngoài chi phối. Theo đó, doanh nghiệp làm được 10 đồng lợi nhuận mà phải nộp thuế tới 4 đồng, chưa kể phần dành cho chi phí "bôi trơn" thì lợi nhuận thực mà doanh nghiệp có được chẳng còn lại là bao nhiêu, tạo thành gánh nặng lớn.

Vị chuyên gia cũng đề cập đến chi phí thời gian khi làm thủ tục với cơ quan nhà nước. Mà trong kinh doanh, "thời gian là vàng bạc", thế nên không ít doanh nghiệp đã bị vuột cơ hội kinh doanh do thủ tục với cơ quan nhà nước rườm rà, gây khó dễ.

Điều kiện kinh doanh không bình đẳng, chỉ hướng đến ưu đãi cho một nhóm đối tượng nhất định nên dẫn đến một thực tế đáng buồn ở Việt Nam là doanh nghiệp chỉ "chăm chăm" chạy quan hệ để được việc, hơn là làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm nay, Việt Nam phát động nâng cao tinh thần khởi nghiệp nhưng bà Lan cũng tỏ ra lo ngại, phong trào này sẽ chỉ chớp nhoáng, bùng lên rồi tắt. Nếu không cải thiện và tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp thì những "ngôi sao sáng" về khởi nghiệp cũng sẽ sớm rơi rụng, không tồn tại được.

Do vậy, khi nói đến gia nhập TPP, nguyên lãnh đạo VCCI chia sẻ thẳng thắng: "Tôi đã nói rất nhiều lần là tôi lo lắng nhất về năng lực của Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp. Bộ máy Nhà nước cồng kềnh không những không hỗ trợ mà còn là điểm cản trở khi TPP có hiệu lực".

Do vậy, khi đã nói đến hội nhập, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thực chất chứ không phải chỉ là chính sách hỗ trợ trên giấy!.

Bích Diệp

Năng lực cạnh tranh yếu, doanh nghiệp "chăm chăm" chạy theo quan hệ - 2