1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nhẽ ra các “ông lớn” Nhà nước phải nộp về 200.000 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm

(Dân trí) - Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tính toán, nếu quản lý tốt 1,3 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, đạt tỷ suất lợi nhuận đạt 17% thì mỗi năm sẽ thu về được hơn 200.000 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, trong đó dự kiến thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN).

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội

Trao đổi với báo giới về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đây là một bước cụ thể nhằm tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng sở hữu vốn.

"Ủy ban chỉ là tên gọi thôi, còn vấn đề là nội hàm của ủy ban đó như thế nào, gọi tạm thời là cơ quan quản lý vốn Nhà nước tại DN. Là tập đoàn tài chính hay ủy ban thì cũng nên chỉ một thôi, để quản lý thống nhất", ông Quang nêu quan điểm.

Theo đó, mục tiêu quan trọng nhất khi thành lập cơ quan này là sử dụng và quản lý vốn nhà nước có hiệu quả tại DN. Hiện nay, vốn Nhà nước tại DN có khoảng 1,3 triệu tỷ đồng.

Đề cập đến chỉ số quan trọng là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, ông Quang cho rằng, thông thường nếu quản lý tốt thì chỉ số này ở mức 17% - 20%. Nếu có cơ quan quản lý hiệu quả 1,3 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước tại các DN, tương ứng tỷ suất lợi nhuận đạt 17% thì mỗi năm có thể thu về 200.000 tỷ đồng lợi nhuận từ các DN Nhà nước.

Hiện tại, Tổng công ty Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước (SCIC) mới chỉ quản lý khoảng 7%-10% vốn nhà nước tại DN. Thậm chí, đang xảy ra tình trạng có nhiều tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa nhưng chưa chịu chuyển giao phần vốn Nhà nước về cho SCIC.

"Tài sản Nhà nước tại DN do SCIC quản lý chỉ 7-10% tức khoảng 70.000 tỷ đồng nên SCIC chưa bao quát vốn Nhà nước tại DN", ông Quang nhận xét. Đồng thời cho rằng, ý tưởng nâng cấp SCIC và tách biệt độc lập với Bộ Tài chính như một số đại biểu Quốc hội đưa ra gần đây là "khả thi".

"Có thể chức năng của cơ quan này sẽ như SCIC, làm sao quản lý vốn Nhà nước tại DN hiệu quả. Có thể không gọi là SCIC nhưng quy mô rộng hơn và lớn hơn. Quy mô của SCIC là quá bé so với tổng tài sản Nhà nước tại DN", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nhận xét.

Hiện nhiều DN cổ phần hóa xong không chuyển giao về SCIC nên mục tiêu của SCIC là không đạt được. Do đó, vấn đề đặt ra là phải gom tất cả tài sản của Nhà nước về một cơ quan (là ủy ban hoặc tập đoàn tài chính) nhưng cơ quan này phải nhằm mục tiêu kinh doanh.

Ông Quang cho rằng, với việc thành lập cơ quan quản lý tập trung vốn Nhà nước tại DN thì không những cơ quan này có nhiệm vụ tối ưu hóa lợi nhuận thông qua đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao nhất, mà còn tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, đẩy mạnh tiến trình thoái vốn Nhà nước khỏi những những ngành nghề, lĩnh vực nào mà Nhà nước không cần nắm giữ.

"Cơ quan này không phải chỉ là quản lý cho tốt số 1,3 triệu tỷ đồng nói trên mà phải giảm con số đó xuống càng nhỏ càng tốt, DNNN phải nhỏ đi và càng nhỏ đi thì quy mô càng có hiệu quả", ông Quang khẳng định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đưa ra lập luận, tài sản Nhà nước, vốn Nhà nước là tài sản của dân. Mô hình ủy ban nói trên dù trực thuộc cơ quan nào thì cũng phải có cơ chế tốt để DN có quyền chủ động kinh doanh và mang lại hiệu quả cao nhất. Phải giao được nhiệm vụ kinh doanh cho DN, giống như các công ty đại chúng, hàng năm Đại hội đồng cổ đông giao cho lãnh đạo phải tăng lãi bao nhiêu phần trăm, trong khi các bộ chủ quản hiện nay chưa làm được điều đó.

"Không nên sợ bộ máy cồng kềnh. Giờ các bộ đều có vụ quản lý DN, nếu quản lý tốt thì có thể tập trung vốn Nhà nước về ủy ban này quản lý", ông Nguyễn Hữu Quang cho hay.

Trước đó, khi nêu quan điểm về việc thành lập ủy ban để quản lý vốn Nhà nước tại 30 DN, đại diện Bộ Tài chính đã tỏ ra lo ngại, việc thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN có thể khiến cho tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN bị chậm lại; bộ máy hành chính nhà nước bị phình to… nên phải cần được xem xét, cân nhắc kỹ.

Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) hoài nghi, siêu ủy ban này sẽ không thể quản nổi khối tài sản 130 tỷ USD. Thay vì lập một cơ quan hành chính thì nên lập các tập đoàn tài chính giữ chức năng đầu tư vốn.

Bích Diệp