1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:"Tập trung giải quyết những tồn tại về công tác cán bộ"

(Dân trí) - Trong bài trước, Dân trí đã đưa nội dung phỏng vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về một số vấn đề mà dư luận quan tâm về công tác nhân sự ở Bộ này. Trong buổi trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng, ông Trần Tuấn Anh cũng đã nêu rõ một số quan điểm về định hướng chỉ đạo, điều hành ngành Công Thương trong thời gian tới.


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:Điều làm tôi quan tâm lo lắng, và tập trung sức lực nhiều nhất là cơ cấu lại Bộ, xây dựng thể chế để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:"Điều làm tôi quan tâm lo lắng, và tập trung sức lực nhiều nhất là cơ cấu lại Bộ, xây dựng thể chế để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước"

Ưu tiên cơ cấu lại Bộ

Thưa Bộ trưởng, ngoài vấn đề về nhân sự, những việc ông sẽ ưu tiên chỉ đạo, giải quyết trong thời gian tới ở ngành Công Thương là gì?

- Chúng tôi tập trung quyết liệt xây dựng bộ máy tổ chức, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và của hội nhập, đáp ứng được chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng gần đây về thể chế, về con người. Trước mắt, chúng tôi phải tập trung vào giải quyết những tồn tại công tác cán bộ.

Chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được đẩy nhanh hơn theo hướng giảm thiểu vai trò của khối doanh nghiệp này trong tất cả lĩnh vực, trừ an ninh, quốc phòng. Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.

Bên cạnh đó, có những vấn đề phải xử lý ngay như một một số dự án không phát huy hiệu quả, có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, xã hội do triển khai chậm, kéo dài. Rồi phải hoàn thiện quản lý nhà nước về kinh doanh đa cấp, quản lý hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nếu quan tâm, chú ý đến ngành Công Thương, có thể thấy ở cả 2 lĩnh vực lớn: Thương mại và Công nghiệp đều đang có những yếu kém. Lĩnh vực thương mại có thị trường bán lẻ, hệ thống phân phối đang rơi vào tay các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Còn các ngành công nghiệp như công nghiệp nặng: Cơ khí, chế tạo máy, ô tô...Hay công nghiệp nhẹ: Dệt may, da giày...vẫn chủ yếu là làm gia công, xuất khẩu. Bộ trưởng có định hướng thay đổi thế nào?

- Đặt vấn đề như vậy, thấy vừa đúng vừa chưa đúng. Đúng là về hiện tượng, về khía cạnh; nhưng chưa đúng khi xem xét lĩnh vực thương mại, công nghiệp, và nền kinh tế về tổng thể.

Khi hội nhập sâu rộng với thế giới như hiện nay, chúng ta phải cạnh tranh bình đẳng với tất cả các nền kinh tế lớn và nhỏ, toàn bộ doanh nghiệp phải theo cơ chế thị trường. Chúng ta không thể giữ mãi vai trò hỗ trợ của Nhà nước như cách cũ trong bối cảnh toàn cầu hóa như vậy.

Tôi cho rằng công nghiệp đã có bước phát triển rõ nét. Các ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, dù cạnh tranh chưa cao, đã đảm bảo đời sống của gần 100 triệu dân. Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, những ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, công nghiệp điện tử còn xuất khẩu hàng chục tỉ đô la mỗi năm. Các ngành điện, năng lượng đã đảm bảo phục vụ cho nền kinh tế. Chúng ta đã có ngành công nghiệp khai khoáng, hóa dầu; còn công nghiệp cơ khí, điện tử, dù chưa có doanh nghiệp nội địa nhà nước, nhưng đã vươn ra nước ngoài. Đó là những bước đi tương đối vững chắc.

Về phân phối, tôi đồng tình là có vấn đề lớn trong hệ thông phân phối khi các doanh nghiệp FDI đã mở chuỗi siêu thị bán lẻ. Song, chúng ta phải chấp nhận điều này khi đã mở cửa hội nhập. Nói một cách thẳng thắn, các doanh nghiệp FDI đã khai thác cơ hội mở cửa của Việt Nam tốt hơn. Chính sách của ta chưa đủ, chưa kịp thời để phát triển bền vững hệ thống doanh nghiệp nội trước sự cạnh tranh và thâm nhập của FDI.

Ở đây có yếu kém trong quản lý nhà nước, trong xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện. Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng chiến lược, tổ chức hệ thống thương mại nội địa sao cho phát triển bền vững.

Tôi phải khẳng định, hội nhập là tất yếu, mở cửa là không tránh khỏi. Chúng ta cần nhìn nhận tính tích cực của doanh nghiệp FDI, không nên chỉ nhìn tác động tiêu cưc. Vấn đề là chúng ta phải có chính sách để tạo ra liên kết doanh nghiệp trong nước để tạo chuỗi. Đây là bài toán không chỉ của ngành công thương, mà còn của bộ ngành khác trong xây dựng thể chế, trong điều hành. Đảng, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương xây dựng chiến lược cho hệ thống phân phối, và chúng tôi phải tập trung hoàn thiện và quyết liệt triển khai.

Tôi muốn nói thêm là các doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực phân phối mà trong hàng loạt lĩnh vực công nghiệp khác không ý thức được nguy cơ của hội nhập, thì chúng ta sẽ thua toàn diện, không chỉ trong mảng phân phối.


Bộ trưởng Công Thương:Một số lĩnh vực công nghiệp còn rất nhiều tồn tại

Bộ trưởng Công Thương:"Một số lĩnh vực công nghiệp còn rất nhiều tồn tại"

Hiện nay có khá nhiều dự án công nghiệp có qui mô đầu tư rất lớn như Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Đạm Ninh Bình, các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol)...Nhưng nhiều nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, có nhà máy dùng vốn vay của Trung Quốc và đều lâm vào tình trạng thua lỗ, đã phá sản hoặc có nguy cơ phá sản. Bộ trưởng có định hướng chỉ đạo xử lý vấn đề này thế nào, định hướng về tiếp cận vay vốn, sử dụng công nghệ cho các chương trình, dự án phát triển công nghiệp của Việt Nam thế nào trong thời gian tới?

-Ngay buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Công Thương thì Thủ tướng đã có những yêu cầu, chỉ đạo cụ thể về xử lý với dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và một số dự án lớn khác. Dự án này qua 10 năm triển khai, đến nay, tổng chi phí đầu tư đã tăng bất thường với mức tăng lên tới 283% so với dự toán ban đầu. Nó đặt ra những vấn đề rất lớn về hiệu quả đầu tư của dự án, cả về khía cạnh công nghệ, sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh. Chúng tôi đang tính đến tất cả các giải pháp nhưng sẽ không theo những con đường mòn cũ. Sẽ không có sự hỗ trợ cả về nguồn lực, cơ chế nào của Nhà nước để tiếp tục các dự án như vậy. Chúng tôi hoan nghênh và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cùng tham gia trao đổi và tìm hướng giải quyết cho dự án này.

Còn về các dự án đã và đang triển khai, tiếp cận vốn, công nghệ của Trung Quốc thì tôi cho rằng, chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Việc tiếp cận nguồn lực cho đầu tư phát triển mở ra cho tất cả. Đối với Trung Quốc, chúng ta không có sự phân biệt đối xử. Vấn đề ở đây không phải là nguồn vốn mà là ở cách khai thác, tiếp cận, sử dụng nguồn vốn, công nghệ đó như thế nào bảo đảm hiệu quả. Ví dụ như nguồn vốn Trung Quốc mà có tính cạnh tranh hơn, mang lại hiệu quả cao hơn so với nguồn lực khác thì không có một yếu tố nào khiến ta phải ngăn cản, loại trừ nguồn lực đó.

Nhưng nếu nguồn lực đó đồng nghĩa với việc can thiệp quá sâu vào thẩm quyền của chủ đầu tư và cơ quan quản lý, ví như đặt ra các điều kiện áp đặt, bắt buộc sử dụng công nghệ, mà công nghệ đó không thực sự phù hợp, tiềm ẩn nguy cơ môi trường, hiệu quả sản phẩm kém… thì các cơ quan quản lý, bộ máy nhân sự của chúng ta phải tham mưu cho Chính phủ để có giải pháp phù hợp.

Thực tế trong thời gian vừa qua, có những dự án có thể có vấn đề về công nghệ, thậm chí có dự án có nguồn vốn vay từ Trung Quốc có sự buông lỏng, đánh giá chưa hết, chưa tới đến tính khả thi của các nguồn lực đó và công nghệ đó. Cái chính là phải có cách quản lý tốt. Ngược lại, nếu công nghệ cao mà chúng ta không có cách tiếp cận, khai thác hiệu quả thì lại gây lãng phí nguồn lực.

Ngày càng có nhiều nhận xét rằng, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 là không thể đạt được. Vậy trách nhiệm của ngành công thương là như thế nào, và ông có giải pháp gì?

- Tôi mới nhận nhiệm vụ 3-4 tháng nay, và để đánh giá toàn bộ quá trình công nghiệp hóa của đất nước là việc rất lớn. Cá nhân tôi thấy, bên cạnh thành tựu tích cực trong một số lĩnh vực, chúng ta còn rất nhiều tồn tại. Một số lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn không đạt mục tiêu cả quy mô, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, chưa có sản phẩm theo chuỗi toàn cầu. Chúng ta có hạn chế, chưa thành công.

Là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, chắc chắn chúng tôi có trách nhiệm. Tuy nhiên, chưa có đánh giá cuối cùng xem đến năm 2020 mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa đạt được đến đâu.

Theo tôi, chúng tôi không thể tách rời khỏi thế giới đang phát triển rất nhanh. Chúng ta không thể lấy chiến lược cách đây 20 năm để cho rằng bất biến trong bối cảnh thế giới thay đổi từng năm. Chúng ta nên nhìn với tinh thần mở, thích ứng để khai thác được cơ hội phát triển của thế giới.

Mạnh Quân (ghi)