Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Hợp tác kinh tế - tài chính Việt Nam- Hoa Kỳ sẽ bền chặt hơn”

(Dân trí) - Một trong những vấn đề quan tâm đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khi tới Việt Nam là hợp tác về kinh tế, tài chính giữa 2 nước. Dân Trí đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về vấn đề này.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng:  “Hợp tác kinh tế - tài chính Việt Nam- Hoa Kỳ sẽ bền chặt hơn” - 1

Thưa Bộ trưởng, hôm qua (23/5), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cùng Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama chứng kiến lễ ký hợp đồng, hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước với nhiều bản hợp đồng có giá trị kỷ lục. Nhưng việc thực hiện các dự án trên cũng cần sự hỗ trợ của các định chế tài chính 2 bên. Theo ông, sau đây, Chính phủ 2 nước sẽ củng cố hợp tác về tài chính thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp ?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Sau thời điểm Việt Nam-Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ ngoại giao năm 1995, quan hệ hợp tác về kinh tế - đầu tư - tài chính - thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không ngừng được xây dựng và phát triển. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama lần này, tiếp nối chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015 là minh chứng cho điều đó và nó đã thể hiện mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển lên tầm cao mới. Mối quan hệ này đã thúc đẩy quan hệ kinh tế - tài chính giữa hai quốc gia bước vào giai đoạn hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn. Hàng loạt hợp đồng, hợp tác chiến lược trị giá lớn giữa các doanh nghiệp 2 bên hôm qua càng minh chứng cho xu hướng đó.

Tôi tin là sau đây, hợp tác kinh tế - tài chính giữa hai quốc gia sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cơ hội hợp tác kinh tế - tài chính sẽ mở ra cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ mà trước mắt là Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ sớm được thực thi nhằm mang lại lợi ích cho hai quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Hoa Kỳ có nhiều tập đoàn đầu tư tài chính lớn, thời gian qua và hiện nay, thì họ có những mối quan tâm thế nào đến thị trường tài chính Việt Nam, thưa Bộ trưởng ?

-Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ. tại đó, nhiều tập đoàn tài chính lớn của Hoa Kỳ như JPMorgan Chase, CitiGroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Metlife và nhiều quỹ đầu tư khác tỏ ra rất quan tâm, họ đánh giá Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Ngay sau Hội nghị, rất nhiều Tập đoàn tài chính Hoa Kỳ đã tới làm việc với Bộ Tài chính với mong muốn tìm hiểu về thị trường tài chính và cơ hội đầu tư tại Việt Nam đã minh chứng Việt Nam đang là tiềm năng vô cùng lớn cho các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ.

Điều họ quan tâm nữa là vừa qua, Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn theo hướng công khai, minh bạch; giảm mạnh tỷ lệ sở hữu Nhà nước và cho phép dành tỷ lệ lớn để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài. Trong thời gian tới, ước tính tổng giá trị các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được cổ phần hóa đạt khoảng 25 tỷ USD, số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài khoảng 3,75 tỷ USD. Cho nên các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ rất chú ý về những cơ hội này.

Tuy nhiên, hiện nay, cũng có nhiều nhà đầu tư từ Hoa Kỳ vẫn tỏ ý lo ngại về cơ chế bảo hộ đầu tư, đảm bảo sự an toàn cho vốn đầu tư, tài sản của họ ở Việt Nam. Theo ông các chính sách tài chính hiện nay có sự đảm bảo gì ?

-Việt Nam vừa cùng với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác kết thúc đàm phán để đi đến ký kết, thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường dịch vụ và những cam kết về doanh nghiệp Nhà nước...những cam kết trong lĩnh vực tài chính về thuế, dịch vụ tài chính, hải quan này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh sự phát triển và hội nhập của thị trường tài chính đi kèm với cơ chế minh bạch, tạo sức ép cho tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo cơ hội tiếp cận tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, ở ta, cơ chế bảo hộ đầu tư cũng được thiết lập và quy định một cách cụ thể, bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Các cam kết trong TPP là các cam kết rất cao và có phạm vi toàn diện.

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng tỏ ý lo ngại khi các cơ quan thuế, hải quan dường như bị áp lực về thu ngân sách nên khit ính thuế xuất, nhập khẩu, đôi khi có xu hướng áp đặt. Một số doanh nghiệp của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) họ cũng đã nêu điều này tại một số hội nghị gần đây ?

-Quả thực, nếu nhìn thẳng vào thực tế là khi tham gia sân chơi chung với các đối tác đã rất phát triển về thị trường dịch vụ tài chính, Việt Nam có nhiều khó khăn, thách thức buộc phải vượt qua. Đáng nói nhất là tác động và sức ép của việc thực hiện các cam kết hội nhập đối với vấn đề thu ngân sách nhà nước từ thuế xuất nhập khẩu. Theo đó, hàng loạt sắc thuế phải cắt, giảm theo thỏa thuận khiến ngân sách hụt thu lớn.

Một thách thức lớn khác là sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước khi thực thi các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, mở cửa thị trường dịch vụ, mở cửa thị trường mua sắm công. Việc thực thi cam kết về dịch vụ tài chính và các dịch vụ kinh doanh xuyên biên giới đặt ra các yêu cầu về xây dựng biện pháp quản lý trong đó có biện pháp quản lý thận trọng phù hợp thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, tôi nghĩ là các cơ quan Chính phủ Việt Nam đều đã hiểu điều này. Bộ chúng tôi cũng đã xây dựng lộ trình thực thi nghiêm túc các cam kết trong lĩnh vực tài chính như về thuế xuất khẩu, bảo hiểm, chứng khoán kế toán và kiểm toán, hải quan, tài chính doanh nghiệp. Tôi luôn chỉ đạo các cơ quan của Bộ Tài chính tăng cường theo dõi và đánh giá tác động hội nhập để kịp thời đề xuất cơ chế chính sách phù hợp, thông thoáng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Hà Nguyễn (thực hiện)