1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Báo cáo Bộ Công an vụ ông Vũ Đình Duy “đi nước ngoài chữa bệnh"

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định "ông Vũ Đình Duy tự ý đi nước ngoài chữa bệnh là trái quy định". Đồng thời, Thứ trưởng cho biết, Vinachem đã báo cáo lên Bộ Công Thương và Bộ Công an về vụ việc này.

Ông Vũ Đình Duy (bên trái, cầm quyết định) tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm - hiện đang không biết ở đâu.
Ông Vũ Đình Duy (bên trái, cầm quyết định) tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm - hiện đang không biết ở đâu.

Sáng nay (5/11), trao đổi bên lề một hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng xác nhận: “Hiện nay ông Vũ Đình Duy không ở Việt Nam, nhưng chưa biết cụ thể đang ở đâu và khi nào quay về nước”.

Thứ trưởng Vượng cho biết, vụ việc ông Vũ Đình Duy, hiện đang là thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), nguyên tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), tự ý đi ra nước ngoài với lý do để chữa bệnh là "trái với quy định của cơ quan".

Thứ trưởng Vượng khẳng định "ông Vũ Đình Duy phải chịu trách nhiệm về vi phạm đó". Đồng thời, cho biết, Vinachem đã báo cáo lên Bộ Công Thương và Bộ Công an về vụ việc này.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, trong vụ việc này trách nhiệm đầu tiên là thuộc ông Vũ Đình Duy bởi là một thành viên của HĐTV, khi ra nước ngoài, dù là chữa bệnh hay mục đích gì thì phải được sự cho phép của cơ quan. Bên cạnh đó, Vinachem cũng sẽ bị liên đới khi quản lý cán bộ để xảy ra sự việc như vậy.

Hôm qua (4/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập tổ công tác rà soát chức năng, nhiệm vụ, quản lý cán bộ của Hội đồng thành viên Vinachem.

Tổ công tác đã yêu cầu hội đồng thành viên Tập đoàn làm rõ các thông tin liên quan đến ông Vũ Đình Duy - Thành viên trong Hội đồng thành viên của Vinachem. Đồng thời, yêu cầu kiểm tra công tác quản lý việc đi nước ngoài, hộ chiếu của các nhân sự trong Hội đồng thành viên Vinachem cũng như công tác quản lý cán bộ tại đây.

Như tin đã đưa trước đó, hôm 3/11, trao đổi với Dân Trí, ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương xác nhận, ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất (Vinachem), nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí đã vắng mặt tại cơ quan nhiều ngày qua mà không có sự cho phép của lãnh đạo Tập đoàn.

Trước đó, có nguồn tin cho biết, ông Duy có giấy xin phép nghỉ phép, trong đó có nói “có thể phải đi chữa bệnh nước ngoài”. Bộ Công Thương đã giao cho một lãnh đạo liên lạc với Vinachem để làm rõ thông tin thế theo lãnh đạo của bộ này thì Bộ mới chỉ nhận được báo cáo của Vinachem vào ngày 2/11 và mới biết sự việc này, "hiện chưa biết ông Duy đang ở nước nào".

Trong thông cáo phát đi sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công Thương cho biết: "Ngày 2/11, tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) có công văn gửi Bộ Công Thương thông báo việc nguyên Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy có đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh".

"Liên quan đến việc này, Bộ Công Thương có quan điểm như sau: Bộ không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy. Bộ đã chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Vinachem có trách nhiệm xem xét chấp hành pháp luật của cán bộ tập đoàn và xử lý theo thẩm quyền và thủ tục đúng quy định của Nhà nước", Bộ Công Thương cho biết.

Ông Vũ Đình Duy sinh năm 1975, có học vị Thạc sỹ Công nghệ hóa học. Trước khi về Vinachem, ông Duy từng có nhiều năm giữ chức Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex) từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014.

Liên quan tới PVtex, đầu tháng 10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ do PVTex làm chủ đầu tư. Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật với những sai phạm tại đây.

PVTex chính thức hoạt động từ năm 2008 và cũng trong năm đó, Hội đồng quản trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD, tương đương 5.437 tỷ đồng tính theo tỷ giá tại thời điểm đó. Tuy nhiên sau khi bàn giao và đi vào sản xuất từ tháng 8/2013, dự án này liên tục thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Phương Dung