Ăn chia "tàn bạo" ở dự án KĐT Thanh Hà, ông Trịnh Xuân Thanh có liên quan?
(Dân trí) - Sở dĩ nói ăn chia "tàn bạo" bởi, lẽ ra bán với giá 52 triệu đồng/ m2, nhưng các vị có chức quyền ở Cienco5 Land chỉ ký bán với giá 34 triệu đồng. Giá chênh tổng cộng lên tới 87 tỉ đồng dự kiến đem chia nhau theo phẩm hàm.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị tố chỉ đạo “ăn chia”
Tại vụ án mà Dân trí đã nêu trong bài báo trước, bị can Lê Hòa Bình khai: trước khi ký hợp đồng số 66 (hợp đồng mua bán cổ phần giữa Lê Hòa Bình- Chủ tịch HĐQT Cty 1.5 và Cty PVP Land), các ông Nguyễn Ngọc Sinh và Đặng Sĩ Hùng – Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch Cty PVP Land, người được Sinh ký ủy quyền ký hợp đồng đặt cọc với Cty 1.5 – đã gặp và thống nhất với ông Bình giá bán chỉ có 34 triệu đồng/m2, còn phần chênh lệch 18 triệu đồng/ m2 (52 triệu đồng là giá đặt cọc – 34 triệu đồng = 18 triệu đồng) sẽ đưa riêng cho một số cá nhân, ông Lê Hòa Bình đã đồng ý. Việc thỏa thuận này có mặt Huỳnh Nguyễn Quốc Duy – người môi giới.
Lê Hòa Bình khai tiếp: Việc chia tiền được Huỳnh Nguyễn Quốc Duy cho biết, phần chênh từ 34 triệu đến 40 triệu đồng/ m2 (6 triệu đồng/m2) đưa cho ông Đào Duy Phong – Chủ tịch HĐQT Cty PVP Land; phần chênh từ 40 triệu đến 52 triệu đồng/m2 (12 triệu đồng/m2) để đưa cho ông Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT PVC và ông T.
Sau khi ký hợp đồng số 66, Cty PVP Land đã làm thủ tục để Cty Minh Ngân (do Lê Hòa Bình làm Chủ tịch HĐQT) đứng tên sở hữu toàn bộ 12.120.000 cổ phần của PVP Land tại Cty Xuyên Thái Bình Dương. Lê Hòa Bình cũng duyệt chi để chuyển 100 tỉ đồng trong tổng số trị giá của hợp đồng là 191, 972 tỉ đồng. Như vậy, dù Bình mới chuyển nửa số tiền cần phải thanh toán, nhưng đã được PVP Land nhanh nhảu làm thủ tục trao cho đối tác toàn bộ số cổ phần của mình.
Vậy tại sao lãnh đạo PVP Land nhanh nhảu chuyển giao nhanh như vậy dù tiền mới nhận một nửa? Bởi, Lê Hòa Bình cũng thực hiện rất nhanh những gì đã thỏa thuận “ngoài lề” với Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Sinh. Cụ thể, Lê Hòa Bình đã chỉ đạo cấp dưới chuyển một lượng tiền lớn đến các cá nhân. Trong đó, các ngày 29.3 và 6.4.2010, Cty Minh Ngân đã chuyển 2 đợt cho Cty cổ phần Vietsan 5 tỉ đồng và 14 tỉ đồng (tổng cộng 19 tỉ đồng). Theo lời khai của Lê Hòa Bình tại cơ quan điều tra, khoản tiền này để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh 14 tỉ đồng và một người khác 5 tỉ đồng.
Hồ sơ cáo trạng nêu một bị can khai ông Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo "ăn chia"
Phù hợp với lời khai của Lê Hòa Bình, tại cơ quan điều tra, Thái Kiều Hương (Phó Tổng giám đốc Cty Vietsan) khai: Được Đặng Sĩ Hùng đề nghị nhận hộ 14 tỷ đồng do Lê Hòa Bình chuyển vào Cty Vietsan để đưa cho ông Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, khi Kiều Hương chưa gặp được ông Thanh thì ngày 21.4.2010, Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến dự án này (15 ngày sau khi khoản 14 tỉ đồng này được trích ra để “lại quả”). Và thật “ngoạn mục”, hơn 2 tháng sau, ngày 29.6.2010, khoản 19 đồng này lại được Lê Hòa Bình ký thỏa thuận với Cty Vietsan đưa vào thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và và Cty Vietsan đã chuyển trả nằm trong số tiền thoái thu tiền mua cổ phần?!
Vậy đâu là lý do Bình rút tiền khỏi Cty của mình chuyển cho Cty Vietsan, rồi Cty Vietsan chuyển trả lại đúng khoản tiền 19 tỉ đồng này cho ông Bình? Câu hỏi đặt ra: Nếu không có việc khởi tố vụ án, liệu đồng tiền này lại có quay về như đã diễn ra? Liệu có không việc “làm xiếc” việc chuyển ngược tiền để trốn tội trước mắt cơ quan điều tra?
Để hiểu rõ hơn nội dung này, chúng tôi xin dẫn lại lời khai của Đào Duy Phong về chỉ đạo “ăn chia” của Trịnh Xuân Thanh: Trước khi có ý kiến phê duyệt việc bán cổ phần, Phong được Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới) và Thái Kiều Hương (Phó tổng Giám đốc Vietsan), thông báo ý kiến của ông Trịnh Xuân Thanh có khách mua với giá 40 triệu đồng/ m2 nhưng chỉ ký hợp đồng với giá 35 triệu đồng/m2. Số chênh lệch (tạm tính 25 tỉ đồng) thì Phong được hưởng 10 tỉ đồng, còn 15 tỉ đồng thì ông Trịnh Xuân Thanh được hưởng. Như vậy, lời khai này rất phù hợp với lời khai của Lê Hòa Bình về việc ông Trịnh Xuân Thanh được khoản 14 tỉ đồng.
Mặt khác, rất đáng chú ý là, ông Phong không chỉ khai mà thực tế đã nhận khoản 10 tỉ đồng này và đã tự nguyện nộp lại cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.
Mặc dù đã về tay chủ mới nhưng tiến độ triển khai dự án Khu đô thị Thanh Hà hiện nay vẫn khá trì trệ
Nguyễn Ngọc Sinh thoát tội ở phút 90?
Tại cơ quan điều tra, Đào Duy Phong khai: Sau khi có ý kiến của ông Trịnh Xuân Thanh, Phong đã thông báo lại với ông Nguyễn Ngọc Sinh. Khi trình bày phương án bán cổ phần chỉ với giá 34 triệu đồng/m2, Sinh nói với Phong là khoản chênh 1 triệu đồng/ m2 dùng để chi phí và Phong đã đồng ý. Phong cũng khai, trong số 10 tỉ đồng nhận nêu trên, Phong đưa cho Sinh 2 tỉ đồng.
Đặng Sĩ Hùng khai tại cơ quan điều tra: Hùng đã báo cáo chi tiết với Sinh về việc đàm phán và cùng các cổ đông ký hợp đồng đặt cọc bán cổ phần với giá 52 triệu đồng/ m2.
Tuy nhiên, Nguyễn Ngọc Sinh khai tại cơ quan điều tra: Không được Đặng Sĩ Hùng báo cáo và hoàn toàn không biết việc các cổ đông của Cty Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng đặt cọc bán cổ phần với giá thống nhất 52 triệu đồng/m2 !?
Vậy liệu Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Sinh có biết hay không việc Cty của mình đã ký hợp đồng đặt cọc 52 triệu đồng/m2?
Điều lưu ý đầu tiên là, 4/ 5 cổ đông đều biết hợp đồng đặt cọc và bán đúng với giá đó, thì chỉ riêng ông Nguyễn Ngọc Sinh – đại diện cho cổ đông lớn nhất - lại không biết !? Liệu ai có thể tin được lời ông Sinh ?
Thứ hai, Đặng Sĩ Hùng không được ủy quyền của ông Sinh thì ai cho phép một trưởng phòng ngồi vào bàn đàm phán bán cổ phần. Vậy mà, ông Sinh vẫn chối phắt việc ủy quyền, dù ông Hùng đã khai.
Thứ ba, để rõ hơn, chúng tôi xin dẫn lại các lời khai của những bị can, những người có liên quan.
Bị can Thái Kiều Hương và ông Han Gi Cheol (Tổng giám đốc Cty Vietsan – bên bán cổ phần) khai: trước khi ký hợp đồng đặt cọc bán với giá 52 triệu đồng /m2, cả ông Han và Kiều Hương đã đến Cty PVP land gặp Nguyễn Ngọc Sinh tại phòng làm việc của Sinh thắc mắc việc bán với giá như vậy đã hợp lý chưa, vì với Vietsan, giá này vẫn còn lỗ. Lời khai như vậy ông Sinh vẫn chối được sao?
Bị can Thái Kiều Hương cũng đã khai đưa 14 tỷ đồng cho ông Trịnh Xuân Thanh nhưng cơ quan điều tra cho rằng hành vi này chưa được thực hiện. (Ảnh chụp từ hồ sơ vụ án)
Sau đó, ông Nguyễn Minh Quý (một cổ đông trong Cty Xuyên Thái Bình Dương cũng bán cổ phần cho Cty 1.5) khai: Ông Nguyễn Ngọc Sinh gọi điện mời đến Cty PVP land để trao đổi về thắc mắc của ông Han Gi Cheol và Kiều Hương về việc bán cổ phần. Tại đây, ông Sinh đề nghị ông Quý bù giá để hỗ trợ cho Cty Vietsan. Với đề nghị này, ông Quý đã chấp thuận. Tài liệu cơ quan điều tra thu thập được cho thấy, những thỏa thuận giữa ông Quý và ông Sinh đã được thực hiện. Chứng cứ thuyết phục này liệu ông Sinh có chối nổi?
Thậm chí, Sinh còn cho rằng khi ký hợp đồng số 66 thấy chữ ký nháy của Đặng Sĩ Hùng nên chỉ đọc phần nội dung mà không đọc các căn cứ (phần này có nêu giá của hợp đồng đặt cọc - pv) nên không biết ?!
Nhưng, những lời khai trên cho thấy, ông Sinh không chỉ biết, mà còn biết rất rõ việc các bên bán cổ phần cùng ký hợp đồng đặt cọc với ông Bình giá 52 triệu đồng/m2.
Chính vì vậy, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố Nguyễn Ngọc Sinh cùng một số đối tượng khác về “tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
Tuy nhiên, thụ lý hồ sơ này, cho rằng chưa đủ chứng cứ để truy tố Sinh nên “VKSNDTC đã ra quyết định đình chỉ vụ án số 05/VKSNDTC –V1 ngày 6.6.2012 đối với bị can Nguyễn Ngọc Sinh.”
Nhưng, tại bản án phiên tòa phúc thẩm TAND TC (ngày 15, 16 tháng 9.2014), sau khi dẫn lại các lời khai của một số đối tượng, trong phần nhận xét ghi rõ: “Đây là lời khai của các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng trong vụ án là chứng cứ đáng tin. Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố ông Nguyễn Văn Sinh là có căn cứ. VKSND TC không truy tố ông Nguyễn Ngọc Sinh là bỏ lọt người phạm tội ”.
Mặt khác, bản án phúc thẩm đã quyết định: “Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 473/2013/HS- ST ngày 9.12.2013 của TAND TP Hà Nội.”
Nhưng, dù bản án phúc thẩm đã nêu rõ “không truy tố ông Nguyễn Ngọc Sinh là bỏ lọt người phạm tội”, nhưng bản án sơ thẩm lần hai tuyên không khác gì bản án lần đầu, hầu hết các bị cáo đã kháng án.
Đáng chú ý, trong phiên tòa phúc thẩm, cả ông Trịnh Xuân Thanh và ông Nguyễn Ngọc Sinh đều được tòa triệu tập với tư cách làm chứng nhưng đều có đơn xin xét xử vắng mặt.
Vụ án này hiện vẫn chưa kết thúc. Nhưng lần dở lại nội dung vụ việc, có thể thấy, trong vụ án này, còn có điểm cơ quan bảo vệ pháp luật chưa làm rõ về những nghi vấn ông Trịnh Xuân Thanh có dính líu hay không đến việc chỉ đạo "ăn chia" ở dự án nói trên. Và việc kết luận chưa đủ cơ sở nói ôngTrịnh Xuân Thanh chỉ đạo, dính líu đến vụ ăn chia này cho đến nay, vẫn gây nhiều ý kiến thắc mắc khi một số lời khai của các đối tượng trong vụ án trên rất khớp nhau.
Vương Hà