3 phương án cứu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
(Dân trí) - Theo nguồn tin riêng của Dân trí, do khách hàng trong nước đang giảm mạnh mua xăng, dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (LDDQ), Nhà máy này tiếp tục đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn. Đang có tới 3 giải pháp đặt ra nhằm cứu" LDDQ khỏi nguy cơ phá sản.
"Việc khách hàng trong nước giảm khối lượng cam kết tiêu thụ mà chỉ cam kết tiêu thụ sản phẩm trong ngắn hạn gây nhiều rủi ro tiềm ẩn cho LDDQ", nguồn tin trên cho biết.
Cụ thể hơn, thông tin từ các Bộ, ngành: Tài chính, Công Thương cho biết, mặc dù hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty TNHH Một thành viên Lọc hoá dầu (LHD) Bình Sơn (gọi tắt là Công ty Bình Sơn)-đơn vị quản lý Nhà máy LDDQ đã phải chấp nhận giảm giá bán xăng, dầu từ Nhà máy LDDQ hơn 1,3 USD/thùng so với 6 tháng cuối năm 2015 nhưng giá bán sản phẩm của Nhà máy này vẫn không làm sao cạnh tranh được với nguồn hàng nhập khẩu C/O Form D (nhập khẩu từ ASEAN) và C/O Form AK (nhập khẩu từ Hàn Quốc), do chênh lệch thuế.
"Vì sự chênh lệch này, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trong nước chỉ ý hợp đồng ngắn hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng đăng ký mua. Như Petrolimex, khách mua lớn nhất của LDDQ chỉ mới ký hợp đồng trong 2 tháng đầu năm nay và giảm khối lượng mua dầu ma dút tới hàng chục ngàn m3/tháng", nguồn tin của Dân trí cho biết.
Để "giải cứu" Nhà máy LDDQ, hiện một số Bộ, ngành đang xem xét, trao đổi ý kiến để xử lý về chính sách cho nhà máy này. Mới đây nhất, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đã gửi các cơ quan liên quan về 3 phương án xử lý về chính sách cho Công ty Bình Sơn.
Cụ thể, theo phương án 1, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức thuế nhập khẩu Tối huệ quốc-MFN (áp dụng chính sách thuế như nhau với các quốc gia) đối với mặt hàng xăng dầu như quy định hiện nay trong Thông tư số 182/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo phương án này thì Công ty Bình Sơn vẫn khó bán sản phẩm hơn so với năm 2015. Nếu Công ty này phải giảm số lượng sản phẩm tiêu thụ thì số thu điều tiết cũng phải giảm tương ứng.
Với phương án 2, nếu giữ nguyên mức thuế nhập khẩu MFN với xăng là 20% (bằng với mức thuế Atiga (Biểu thuế theo Hiệp định Thương mại với ASEAN), cao hơn mức Việt Nam-Hàn Quốc là 10%) để tiếp tục theo dõi lượng xăng dầu nhập từ Hàn Quốc; điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN với mặt hàng xăng dầu về mức thống nhất 7%, bằng mức cam kết của Chính phủ với sản phẩm LHD Bình Sơn. Theo phương án này, Công ty Bình Sơn sẽ dễ tiêu thụ các sản phẩm dầu hơn phương án 1 (trừ xăng vẫn như phương án trước) nhưng vẫn không xử lý được cơ bản khó khăn của Công ty này trong việc cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu khi thuế Atiga với các mặt hàng dầu giảm về 0% từ năm 2016.
Phương án 3 là tiếp tục giữ nguyên mức thuế nhập khẩu MFN với mặt hàng xăng dầu như phương án 1, đồng thời trình Chính phủ sửa đổi quy chế thu điều tiết cho phù hợp lộ trình giảm thuế của các biểu thuế theo các Hiệp định đã ký với ASEAN và Hàn Quốc. Phương án này được cho là khá khả thi do vừa giúp Công ty Bình Sơn tiêu thụ được sản phẩm, cạnh tranh được mà các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nếu nhập khẩu từ ASEAN hay Hàn Quốc, vẫn được hưởng lợi do mức thuế nhập khẩu tính trong giá bán lẻ là mức thuế nhập khẩu MFN. Nhưng việc thực hiện phương án này sẽ mất nhiều thời gian.
Do đó, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính hiện nay nghiêng về hướng trước mắt thực hiện theo phương án 2 để tháo gỡ khó khăn cho Công ty LHD Bình Sơn, còn về lâu dài, Vụ này dự tính sẽ cùng các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo, trình lãnh đạo Bộ Tài chính thực hiện theo phương án 3-là phương án cả Công ty Bình Sơn và các Công ty nhập khẩu xăng dầu đầu mối đều có lợi.
Được biết, năm 2015, số thu điều tiết vào ngân sách từ Công ty LHD Bình Sơn khoảng trên 9.100 tỉ đồng. Năm 2016, theo dự kiến của Công ty này, số thu điều tiết sẽ chỉ còn khoảng 5.200 tỉ đồng do giá dầu giảm và kế hoạch sản xuất giảm khoảng 14% so với năm 2015.
Mạnh Quân