Chuyển giao 18 đề tài nghiên cứu cho 14 tỉnh Tây Bắc

(Dân trí) - Ngày 1/12, Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức Hội nghị chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ thuộc chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Tại Hội nghị này, sản phẩm của 18 đề tài đã được nghiệm thu cấp nhà nước sẽ được chuyển giao cho 14 tỉnh trên toàn vùng Tây Bắc.

Tại Hội nghị này, sản phẩm của 18 đề tài đã được nghiệm thu cấp nhà nước sẽ được chuyển giao cho 14 tỉnh trên toàn vùng Tây Bắc.
Tại Hội nghị này, sản phẩm của 18 đề tài đã được nghiệm thu cấp nhà nước sẽ được chuyển giao cho 14 tỉnh trên toàn vùng Tây Bắc.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y đề xuất của ĐHQGHN và Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp nhà nước “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, giai đoạn 2013-2018” (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) nhằm thực hiện các nghiên cứu tổng hợp, liên ngành để cung cấp các luận cứ và giải pháp khoa học góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề đang đặt ra hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững vùng Tây Bắc.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc cho biết: Ở giai đoạn bắt đầu triển khai, Chương trình tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành; phân tích, đánh giá chính sách và xây dựng khung năng lực và phát triển nhân lực lãnh đạo. Tiếp đó, các đề tài có tính cấp thiết cao và khả năng ứng dụng trực tiếp vào sự phát triển kinh tế, sinh kế của địa phương đã được ưu tiên triển khai. Kết quả đến nay cho thấy các đề tài đã hoàn thành xây dựng khung phân tích, triển khai các mô hình thực tế tại địa phương, chuyển giao một số kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp và bước đầu tiến hành thương mại hóa sản phẩm.

Đến nay, Chương trình đã phê duyệt tổng kinh phí 173,612.5 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ giai đoạn 2013-2015. Kinh phí cấp cho năm 2016 và 2017 tương ứng là 52,347.5 tỷ đồng và 35,650 tỷ đồng.

Một số đề tài đã tích cực phối hợp với cán bộ địa phương và người dân trong quá trình triển khai (trồng dược liệu theo GACP; xây dựng mô hình du lịch sinh thái; nhân trồng cây mắc ca; công nghệ địa sinh thái xử lý môi trường; bảo vệ tuyến tuần tra biên giới; chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm đặc sản xuất khẩu; đánh giá tác động tổng thể về kinh tế - xã hội của các chương trình mục tiêu xóa đói và giảm nghèo,...

Các nhiệm vụ phê duyệt thực hiện từ năm 2015 đến nay đã tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dược, y tế, chế tạo, giáo dục và đào tạo, trong đó có các dự án sản xuất thử nghiệm (nhân trồng, phát triển cây Mắc-ca; thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ Táo mèo và Chùm ngây; nông nghiệp công nghệ cao – điện mặt trời phục vụ phát triển nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái;…

Kết quả nghiên cứu ban đầu đã bám sát mục tiêu

Theo báo cáo của ĐHQGHN, giai đoạn 203-2015, Chương trình Tây Bắc phê duyệt thực hiện 37 nhiệm vụ; Năm 2016, Chương trình phê duyệt triển khai 15 nhiệm vụ; Năm 2017, Chương trình triển khai 6 nhiệm vụ khoa học và công. Các nhiệm vụ trong Chương trình được phân bổ lần lượt theo bốn nhóm mục tiêu chính đã phân kỳ.

Tính đến tháng 9/2017, Chương trình Tây Bắc đã và đang triển khai 54 đề tài và 4 dự án cho bốn nhóm mục tiêu, hướng tới phát triển bền vững (PTBV) vùng Tây Bắc. Các nhiệm vụ đã và đang triển khai nghiên cứu vừa có tính vĩ mô gắn với bài toán chung của toàn vùng, liên vùng và tiểu vùng, vừa tập trung giải quyết vấn đề cụ thể của một số địa phương vùng Tây Bắc. Chẳng hạn như, các đề tài xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành, liên vùng; rà soát chính sách (chương trình mục tiêu xóa đói và giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo, Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,...); phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công vùng Tây Bắc giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; nghiên cứu, thu thập dữ liệu của toàn bộ 14 tỉnh vùng Tây Bắc, có tính vĩ mô cao.

Các đề tài phát triển dược liệu khoanh vùng nghiên cứu ở một và một số địa phương: cây thuốc Tam thất, Ô đầu, Đan sâm, Ý dĩ tại Hà Giang và Lào Cai; Nghiên cứu dược liệu táo mèo, hà thủ ô đỏ, cốt khí củ tại Lai Châu, Lào Cai; nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; Các đề tài ứng dụng công nghệ để xử lý ô nhiễm môi trường nước thí điểm mô hình tại khu mỏ chì kẽm Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn; xử lý giống ngô bằng công nghệ nano tại Sơn la; Triển khai mô hình thử nghiệm du lịch sinh thái tại Hòa Bình, Lào Cai, ...

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc

“Các kết quả nghiên cứu đạt được đến nay về cơ bản đã bám sát mục tiêu, đã được tách chiết để chuyển giao cho các tỉnh thông qua việc góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc; báo cáo trong các hội nghị, hội thảo khoa học và trong các buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương. Việc coi trọng và lựa chọn ứng dụng khoa học - công nghệ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai tại các địa phương.” – PGS.TS Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, bên cạnh các nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xác định chiến lược, kế hoạch phát triển và các khâu đột phá của vùng và các địa phương vùng Tây Bắc, Chương trình cũng đã nhận được một số kết quả cụ thể, thực tiễn về Ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng; Phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ĐHQGHN cũng thẳng thắn nhìn nhận: Chất lượng thẩm định của một số nhiệm vụ còn hạn chế; trong quá trình triển khai đề tài, một số chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì chưa chú trọng công tác tổ chức, quản lý và giám sát thực hiện, dẫn tới có một số đề tài triển khai chậm tiến độ, chưa bám sát chỉ đạo của Chương trình, chất lượng chuyên môn và tính hiệu quả, tính thiết thực chưa cao; Một số đề tài giải ngân chậm, thanh quyết toán chưa dứt điểm theo tiến độ kiểm tra dự án. Dự toán của một số hoạt động của đề tài (đi nước ngoài, địa điểm nghiên cứu...) chưa sát với thực tiễn nên phải xin điều chỉnh trong quá trình triển khai...

Kiến nghị tiếp tục triển khai giai đoạn sau 2018

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, các đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đã và sẽ hoàn thành vào các năm 2017-2018 hứa hẹn mang lại nhiều kết quả khoa học giá trị, làm cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô nghiên cứu trong giai đoạn từ nay về sau.

“Để có được những kết quả bước đầu như nêu trên, việc triển khai các đề tài, dự án đã thu hút được sự quan tâm, tham gia và phát huy được đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp đến từ nhiều tổ chức KHCN trong và ngoài ĐHQGHN” – PGS Sơn nói.

Cũng theo PGS Sơn, trong quá trình thực hiện, việc phối hợp giữa ĐHQGHN, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các sở, ngành địa phương khá hiệu quả. Vừa qua, Thủ tướng chính phủ cũng đã giao Ban Chỉ đạo Tây Bắc thực hiện để đánh giá độc lập tính hiệu quả và tác động của các đề tài, dự án đã triển khai giai đoạn 2013-2018. Để phổi hợp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, mặt khác cũng làm cơ sở tổng kết Chương trình Tây Bắc giai đoạn 2013-2018 và xây dựng khung chương trình cho giai đoạn sau 2018, ĐHQGHN đang cho triển khai đề tài: “Luận cứ khoa học và thực tiễn, đề xuất định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Bắc giai đoạn 2019- 2025”.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các đề tài

Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, vùng Tây Bắc hiện nay chậm phát triển nhất. Đồng bào dân tộc hiện nay trong canh tác, phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ nghèo của vùng Tây Bắc là 25% nhưng 95% dân số là các dân tộc thiểu số. Do đó, cần đưa khoa học công nghệ vào để biến đổi năng suất, thay đổi giá trị chính sách phát triển kinh tế.

Tại hội nghị, khẳng định với các nhà khoa học, ông Cừ cho rằng, với trách nhiệm nhà quản lý nếu không đưa khoa học công nghệ vào thì khó phát triển kinh tế vùng Tây Bắc. Ít có chương trình khoa học nào được đông đảo nhà khoa học hăng hái tham gia như chương trình phát triển bền vững Tây Bắc này.

Đánh giá về 18 đề tài, đề án chuyển giao ngày hôm nay, ông Cừ nhận định, đây là một kết quả nghiên cứu, lựa chọn một cách nghiêm túc, khoa học, sát với thực tế của từng địa phương.

Để tiếp tục triển khai chương trình một cách hiệu quả, ông Cừ đề nghị: ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các đề tài (hôm nay nghiệm thu 18 đề tài vẫn còn hơn 40 đề tài đang triển khai), chỉ đạo các đề tài khảo sát sâu hơn, thực tế hơn bởi làm đề tài khoa học ở Tây Bắc khó hơn tất cả vì điều kiện tự nhiên khó khăn.

Với các địa phương ông Cừ cho rằng, cần làm tốt liên kết các địa phương, phát huy nguồn lực để làm các đề tài thiết thực, lan tỏa. Tìm hướng tiếp cận các đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực nhất, huy động các doanh nghiệp, nhà khoa học đưa mô hình phát triển vào từng địa phương, từng hộ dân.

Đối với các nhà khoa học chủ nhiệm đề tài, theo ông Cừ cần có phương pháp nghiên cứu khác hơn, tập trung đi sâu nghiên cứu thực tiễn hơn với những vấn đề nổi lên trong vùng như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

Ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Tiếp thu và triển khai kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia thuộc Chương trình

Theo ông Đỗ Đức Duy, để khai thác những tiềm năng, lợi thế, tỉnh Yên Bái luôn xác định khoa học và công nghệ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư, tốc độ phát triển, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong những năm qua ngành khoa học và công nghệ của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên một số lĩnh vực như: Nông nghiệp, giáo dục, y tế, xã hội nhân văn, đổi mới cơ chế quản lý…., nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được triển khai và áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra những sản phẩm chủ lực như măng tre Bát độ, quế, chè Shan tuyết, cây ăn quả có múi, cá hồ Thác Bà…

Tuy nhiên, việc nghiên cứu, ứng dụng còn trong phạm vi hẹp, chưa mang tính chiến lược, liên vùng nên hiệu quả còn hạn chế. Hội nghị hôm nay là cơ hội thuận lợi để Yên Bái cùng các tỉnh thảo luận, phối hợp, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động khoa học công nghệ; đặc biệt là tiếp thu và triển khai kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia thuộc Chương trình đã được nghiệm thu nhằm sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững; đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nguyễn Hùng - Hồng Hạnh