Vụ sách dạy dẫm lên thủy tinh: Dạy trẻ đương đầu với khó khăn nhưng đừng mạo hiểm

(Dân trí) - “Việc dạy trẻ dám đương đầu với khó khăn, tăng lòng dũng cảm là nên dạy nhưng cần bằng những phương pháp phổ biến và an toàn cho trẻ, tránh việc để trẻ phải mạo hiểm”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhận định.

Gần đây, dư luận cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt quan tâm đến việc cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống cho học sinh lớp 1” (TS Phan Quốc Việt chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam phát hành) có bài dạy trẻ dẫm lên thủy tinh để tăng lòng dũng cảm.

Đa số ý kiến đều cho rằng có rất nhiều bài học giúp trẻ tăng lòng dũng cảm, không cần thiết phải đưa ra cách dẫm lên thuỷ tinh mang tính “mạo hiểm” và dễ gây tác dụng xấu như vậy.

Theo Tiến sĩ, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội: “Việc dạy trẻ dám đương đầu với khó khăn, tăng lòng dũng cảm là nên dạy nhưng cần bằng những phương pháp phổ biến và an toàn cho trẻ, tránh việc để trẻ phải mạo hiểm. Về bài học dạy trẻ dẫm lên thủy tinh cũng có người làm nhưng là cá biệt và không đảm bảo an toàn. Đặc biệt trường hợp các cháu học theo dẫm bừa lên thủy tinh dễ dẫn đến tổn thương, rất nguy hiểm”.

ky-nang-mem-rkiw-4f251
Nên thay bài học trẻ dẫm lên thuỷ tinh bằng các bài học phù hợp và không gây mạo hiểm cho trẻ

 

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cũng để rèn luyện dũng cảm có thể cho trẻ đi lên một chiếc cầu nhỏ và phải giữ thăng bằng, nếu không may mất thăng bằng trẻ có thể bước xuống không sao cả.

Với những người luyện võ, việc rèn luyện bằng cách dẫm lên thủy tinh là bình thường nhưng với học sinh không nên sử dụng bài học này. Hơn nữa khi dạy học sinh theo cách này phải có những thầy cô và người hướng dẫn chuyên nghiệp.

Còn ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Việt Nam cho biết: “Tôi rất nghi ngờ về phương pháp này. Thiếu gì cách giáo dục lòng dũng cảm và cách vượt qua sự sợ hãi cho trẻ mà phải dùng cách cho trẻ đi trên thủy tinh".

Cũng theo ông Phú, nếu nói thủy tinh mà mài đi để chứng tỏ có ngã lên đó không làm sao, không gây tổn thương cho trẻ, thì khi trẻ biết được lại thấy mình bị lừa và làm như vậy là giáo dục giả dối. “Nói chung, tôi phản đối cách dạy trên”, ông Phú nhấn mạnh.

Các chuyên gia tâm lý cũng cho hay, lòng dũng cảm là một phẩm chất nhân cách của con người, chứ không phải là một kỹ năng xã hội. Lòng dũng cảm không phải chỉ hình thành khi chúng ta đối diện với sợ hãi. Rất nhiều nhà giáo dục nổi tiếng trên thế giới đều có lời khuyên với các nhà giáo rằng khi thiết kế các tình huống thực hành cho học sinh, nhà giáo dục cần phải tính đến tính vừa sức và tính phù hợp với độ tuổi của học sinh.

Trong giáo dục, việc có các tình huống trải nghiệm là hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng nhà giáo dục hãy biết lựa chọn giáo cụ và tình huống sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý độ tuổi và tính vừa sức để học sinh có trải nghiệm và hình thành được kỹ năng tích cực.

Nhiều phụ huynh cũng lo ngại với những bài học tương tự như dạy trẻ dẫm lên thủy tinh sẽ dẫn đến các hệ lụy như trẻ có thể thực hiện một số hành vi bất chấp nguy hiểm. Rõ ràng khi trẻ thấy ai cũng có thể dẫm lên thủy tinh để đi được, thì với những việc nguy hiểm khác trẻ có thể thực hiện theo nguyên lý này. Không những thế, trẻ sẽ cổ vũ khuyến khích bạn bè mình thực hiện những hành vi theo xu hướng nguy hiểm để tôn vinh lòng dũng cảm. Trong các trường hợp trên, nếu người lớn không kiểm soát được thì dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Lê Tú

(Email: lengoctu@dantri.com.vn)