Vị Giáo sư Tim mạch nổi tiếng thế giới nặng lòng với sứ mệnh “trồng người”
Đó là sự tri ân mà PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, Tổng thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam dành cho GS.TS.BS Thạch Nguyễn. Người mà theo ông, đã có những đóng góp lớn lao cho tim mạch can thiệp nước ta từ những ngày đầu còn rất sơ khai.
Việc làm bền bỉ, nhiệt huyết của Giáo sư Thạch Nguyễn đã góp phần bắc thêm những nhịp cầu vững chãi, trên hành trình đầy thử thách, đưa đội ngũ thầy thuốc Việt Nam trong lĩnh vực tim mạch can thiệp có thể vươn tới tầm khu vực và thế giới…
“Muốn đảo ngược một hướng của lịch sử”
Giáo sư Thạch Nguyễn sinh ra tại Hà Nội song lại thành danh trên đất Mỹ. Tại một quốc gia có nền y học hàng đầu thế giới, GS. Thạch Nguyễn đã được nhìn nhận, đánh giá rất cao. Ông đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các bệnh viện, cơ sở nghiên cứu, các tạp chí y khoa danh tiếng tại Hoa Kỳ như: Giám đốc khoa tim mạch tại Bệnh viên St Mary; Giám đốc Nghiên cứu tim mạch tại Trung tâm Nghiên cứu y khoa St Mary; Phó tổng biên tập của Tạp chí Tim mạch lão khoa Hoa Kỳ…
Về các công trình nghiên cứu, GS. Thạch Nguyễn có hàng trăm bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí y học về tim mạch lão khoa và tim mạch can thiệp tại Mỹ và các nước khác. Ông đã viết 9 quyển sách về tim mạch. Trong đó có 1 quyển được dịch ra 3 thứ tiếng và 3 quyển nằm trong danh sách Top 3 sách về tim mạch bán chạy nhất Hoa Kỳ. Ông được phong chức danh Giáo sư danh dự tại Trường Đại học Y Hà Nội năm 2011 và trước đó là 8 trường Đại học tại nhiều quốc gia có nền y học phát triển như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore…
Theo chia sẻ của GS. Thạch Nguyễn, mặc dù "ngày ngày còn phải đi cày ruộng kiếm cơm ở Mỹ", song trong mấy chục năm qua, ông đã dành nhiều tâm sức và thời gian để đi nhiều nước truyền dạy những kiến thức, kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực tim mạch can thiệp. Trong các nước ở châu Á, nơi mà ông có mặt sớm nhất và đến nhiều nhất chính là Trung Quốc.
Ông kể: "Tôi đến Bắc Kinh và Vũ Hán vào mùa thu năm 1992 để dạy kỹ thuật nong động mạch vành tại Hội nghị Tim mạch Song Dương Tử lần thứ ba. Sau khi chứng kiến các bác sĩ Trung Quốc học kỹ thuật nong mạch vành do tôi biểu diễn bằng cách quan sát qua màn hình tivi, tôi đã đề nghị với GS. Dayi Hu áp dụng phương pháp “cầm tay chỉ việc” như tại các bệnh viện Mỹ. Trong phòng thông tim, các BS Trung Quốc là người thực hiện thủ thuật nong mạch vành, trong khi các chuyên gia Mỹ đứng ngay sau lưng họ, cầm tay và giúp họ thực hiện thủ thuật từng bước một. Đây là lần đầu tiên phương pháp giảng dạy này được áp dụng ở Trung Quốc. Phương pháp này đã rất thành công và được các nhà tim mạch học Trung Quốc tiên phong hoan nghênh nhiệt liệt…".
Về lý do của việc GS. Thạch Nguyễn đến Trung Quốc sớm nhất, thực hiện phương pháp “cầm tay chỉ việc” và được ghi nhận, đánh giá cao là bởi, ông muốn đảo ngược một hướng của lịch sử. Ông kể lại: "Từ năm 1992 mỗi năm tôi đều đi dạy học ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay Nam Kinh. Năm 1994, có một số bạn Việt Nam thấy tôi đi Trung Quốc nhiều mà không ghé Việt Nam, thì họ thắc mắc tại sao tôi hay đi làm việc ở Trung Quốc mà không hay đi Việt Nam hay những quốc gia khác. Tôi trả lời là có một thôi thúc mãnh liệt khiến tôi đi làm việc nhiều ở Trung Quốc là vì tôi muốn đảo ngược một hướng lịch sử đã đã kéo dài gần 2.000 năm. Trong suốt gần 2.000 năm qua, cho đến tận thế kỷ 20, các học giả Việt Nam, Hàn Quốc, và Nhật Bản đều phải đến Trung Quốc để học hỏi về Khổng giáo hay tham vấn một kỹ thuật và nghệ thuật trị quốc khác. Nay tôi muốn đến Bắc Kinh để dạy lại và đóng góp vào sự phát triển và lớn mạnh của ngành tim mạch Trung Quốc".
GS. Thạch Nguyễn với quê hương thì lại là câu chuyện khác. Như nhiều người con xa xứ của đất Việt, từ nửa vòng trái đất, giáo sư luôn da diết nhớ về quê hương. Tấm lòng và trái tim ông hướng về mảnh đất sinh thành. Hơn nữa, vốn là một nhà khoa học về lĩnh vực tim mạch, giáo sư luôn mong muốn có những đóng góp cho đất nước qua những việc làm thiết thực và hữu ích.
Ông về Việt Nam lần đầu vào năm 1997 để cập nhật các kiến thức tim mạch mới nói chung và dạy các bác sĩ Việt Nam kỹ thuật can thiệp động mạch vành qua da theo phương pháp cầm tay chỉ việc, như tại các bệnh viện của Mỹ. Theo GS. Nguyễn Quang Tuấn, đây là lần đầu tiên phương pháp giảng dạy này được áp dụng ở Việt Nam và đã rất thành công. Nhờ đó, nền y học nước nhà có thêm nhiều thế hệ những bác sĩ tim mạch của miền Bắc, miền Trung và miền Nam, họ đã làm rất giỏi các kỹ thuật thông tim, đặt giá đỡ stent, đốt điện trong buồng tim, đóng các lỗ thông bẩm sinh trong buồng tim. Đội ngũ tinh thông nghề nghiệp này đã, đang và sẽ có những đóng góp vượt bậc cho nền y học Việt Nam trên lĩnh vực tim mạch.
Ngoài ra, GS, Thạch Nguyễn còn giúp nhiều bác sĩ nước ta sang Mỹ tu nghiệp tại các bệnh viện và trường đại học danh tiếng. Việc này giúp các bác sĩ của Việt Nam tiếp cận được những khía cạnh mới mẻ, đột phá trong cách làm việc, cách tổ chức và hơn hết là "để học cách tư duy của người Mỹ”. Đây chính là một trong những chìa khóa thành công của chính GS và ông đã tận tình giúp nhiều học trò nắm chắc chìa khóa ấy.
Tâm huyết đào tạo các bác sĩ tài - đức cho nước nhà
Với kinh nghiệm phong phú trong công tác đào tạo tại nhiều trường y danh tiếng trên thế giới, GS. Thạch Nguyễn cho rằng, để nước ta có được đội ngũ bác sĩ tài đức cho tương lai thì cần có chiến lược bài bản, nghiêm túc và đầu tư chiều sâu. Theo đó, có ba chiến lược để đào tạo ra một bác sĩ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải là người có đạo đức. Chiến lược đầu tiên trong giảng dạy là áp dụng các phương pháp giảng dạy mới nhất, tiên tiến nhất. Chiến lược thứ hai là xây dựng lên một môi trường văn hóa khuyến khích chất vấn, tìm tòi, triển khai các kỹ thuật mới... để mang cộng đồng y khoa và toàn xã hội đi vào cách nghĩ và làm việc của thế kỷ 21. Chiến luợc thứ ba là nhấn mạnh vào khía cạnh đạo đức của giáo dục và huấn luyện.
Theo GS, sinh viên y khoa là những bác sĩ tương lai cần phải có đam mê nghề nghiệp với một quả tim lớn lao trong việc phục vụ, chăm sóc đồng bào và người bệnh. Họ cần được đào tạo theo qui chuẩn và bằng cấp để những sinh viên tốt nghiệp có thể hãnh diện hành nghề y ở Việt Nam. Nếu có sinh viên nào muốn hành nghề hay tiếp tục học ở những nơi có trình độ y khoa phát triển như là Hoa Kỳ, họ có thể đạt được giấc mơ của mình và hướng đến một tương lai tốt đẹp.
Hiện thực hóa mong muốn có thể đào tạo ra các thế hệ bác sĩ tương lai của Việt Nam theo định hướng “Y đức Hải Thượng, y học Hoa Kỳ”, gần đây, GS. Thạch Nguyễn đã nhận lời mời chính thức trở thành Trưởng khoa y của Đại học Tân Tạo. Chia sẻ về việc này, ông cho biết: "Khi tôi đến Đại học Tân Tạo, tôi thông báo với ban lãnh đạo Nhà trường là tôi sẽ quản lý khoa Y theo kiểu Mỹ: Cởi Mở và Minh Bạch. Tôi mời các giáo sư giảng viên, ban lãnh đạo, nhân viên, phụ huynh và sinh viên cùng tham gia đóng góp vào việc định hướng và phát triển khoa Y". Từ khi đảm nhiệm công việc này, GS gặp mỗi lớp 3 lần, theo từng khoá sinh viên hoặc theo từng nhóm sinh viên, để có cơ hội được lắng nghe ý kiến đóng góp từ các em sinh viên và quý phụ huynh.
Đau đáu với sứ mệnh làm sao giáo dục, đào tạo, huấn luyện được những bác sĩ trẻ vừa có tài, vừa có tâm cho đất nước, GS Thạch Nguyễn đã cùng với cộng sự không ngừng bàn bạc, trao đổi, tìm kiếm các phương pháp giảng dạy tiến bộ, hiện đại theo chuẩn giáo dục Hoa Kỳ,. Cho đến nay, mô hình mà ông và nhà trường áp dụng giảng dạy cho sinh viên khoa Y chính là: sự tương quan và phối hợp giữa các kiến thức về giải phẫu, sinh lý, bệnh lý với các bệnh án hay tình huống cụ thể. Bằng cách đó, sinh viên không chỉ học thuần tuý về lý thuyết, mà còn học ứng dụng các lý thuyết (information) vào thực tế. Sĩ số sinh viên trong một lớp tại khoa y, Đại học Tân Tạo không nhiều (chưa đến 100 sinh viên, giống như các trường tại Hoa Kỳ). Do đó sinh viên sẽ có nhiều cơ hội được thảo luận với các giáo sư hướng dẫn.
Bên cạnh những nỗ lực giảng dạy của các giáo sư, giúp cho sinh viên tiếp thu kiến thức ở mức tốt nhất và theo kịp các bài giảng, thì các sinh viên được khuyến khích năng động trong các giờ học, tham gia thảo luận đóng góp ý kiến về những chủ đề vừa học. GS Thạch Nguyễn tâm niệm: một bác sĩ giỏi phải vừa có tay nghề cao, vừa có lương tâm nghề nghiệp. Thế nên, phương pháp giảng dạy hữu hiệu nhất chính là giảng dạy bằng thuyết phục và làm gương. Khi sinh viên và giảng viên có ý tưởng, quan điểm riêng khác nhau, giảng viên cần cho sinh viên thấy toàn bộ vấn đề với nhiều cách giai quyết khác nhau. Giảng viên sẽ thuyết phục sinh viên về cách lựa chọn tốt nhất cho từng tình huống cụ thể. Đó là một cuộc trao đổi sôi nổi, lành mạnh và hứng thú. Điều đó giải thích tại sao khoa y, Đại học Tân Tạo cũng giống như bất kỳ trường đại học nào của Hoa Kỳ đều phải có một tinh thần cởi mở, dung nạp cái mới vì luôn luôn có nhiều lựa chọn và giải pháp cho một vấn đề khó khăn.
Một khái niệm quan trọng nữa của giáo dục, đặc biệt là trong y khoa là giảng dạy bằng làm gương mẫu (role model). Sinh viên sẽ quan sát cách các thầy khám và điều trị bệnh nhân. Họ sẽ học cách giải quyết trong những tình huống tương tự. Người sinh viên quan sát xem giáo sư, giảng viên điều trị bệnh nhân như thế nào, người bệnh nặng người bệnh nhẹ, giải thich những triệu chứng hay nguyên nhân bệnh và trả lời những câu hỏi của người nhà hay của bệnh nhân.
Với tinh thần “không có giới hạn cho sự hiểu biết”, thầy Thạch Nguyễn luôn tìm mọi cơ hội cho sinh viên Y Tân Tạo được thử thách để các em có thể bay cao, bay xa hơn là chỉ ngồi học và nghe một cách thụ động trong lớp. Những cơ hội này có thể là việc được thảo luận với các giáo sư Việt Nam hay Hoa Kỳ theo từng nhóm nhỏ, được tham gia vào làm nghiên cứu, viết các báo cáo khoa học để đăng trên các tạp chí quốc tế, hay thuyết trình báo cáo kết quả nghiên cứu tại những hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế.
Trong năm 2016, sinh viên Y Tân Tạo vinh dự 2 lần đưọc trình bày báo cáo khoa học tại Hội nghị tim mạch thế giới tổ chức thường niên. Theo lịch, ngày 15/5/2017, 3 sinh viên y năm thứ ba của trường sẽ đưọc tham dự Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Can thiệp Tim mạch Hoa Kỳ và được đọc báo cáo khoa học trước những giáo sư, bác sĩ, nhà khoa học hàng đầu Hoa Kỳ và thế giới. Vinh dự này là thành quả xây dựng từ tên tuổi, uy tín của GS Thạch Nguyễn bao nhiêu năm qua. Giờ, Thầy biến nó thành cơ hội cho những nhân tài đất Việt được bước ra thế giới, để học hỏi và trưởng thành. Thật vinh dự và may mắn cho những ai được gọi GS Thạch Nguyễn là Thầy, bởi cùng với điều đó, các bạn đã đưọc hưởng thụ nền giáo dục theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ trên đất nước Việt Nam.