Tại sao giáo viên “quay lưng” với Thông tư 30?

(Dân trí) - Đã hai năm đi vào trường học nhưng đến nay Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học vẫn bị phần lớn giáo viên “quay lưng” cho dù hơn ai hết họ hiểu rõ tính nhân văn cùng tư tưởng giáo dục hiện đại của thông tư.

Một thời gian dài giáo dục chúng ta quay cuồng vì điểm số, so đo từng con số sau dấu chấm phẩy của những đứa trẻ mới bập bẹ đến trường. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Thông tư 30 về bỏ chấm điểm ở học sinh tiểu học càng thể hiện được giá trị nhân văn, vì học trò. Các em đến lớp không còn phải ám ảnh bởi những con số bằng bút đỏ tươi rói trong vở bài tập, ở những bài kiểm tra. Các em không soi nhau được mấy điểm để rồi có học sinh kiêu hãnh tự hào nhưng cũng có em e dè giấu vở đi.

Thông tư 30 áp dụng trong trường học nhưng giá trị lớn nhất lại dành cho phụ huynh. Bố mẹ không còn cơ hội để tra khảo, hỏi han về điểm số có thể làm tổn thương con trẻ. Niềm vui, nỗi buồn của con trẻ khi đến trường không còn bị phụ thuộc và quyết định ở những con số. Việc đến trường của học trò tiểu học có nhiều điều cần được bố mẹ chia sẻ hơn như tiết học có vui không, cô giáo hôm nay dạy thế nào, trẻ có cãi nhau với bạn không…

Thông tư 30 về đánh giá học sinh bằng nhận xét vẫn bị giáo viên quay lưng sau hai năm thực hiện
Thông tư 30 về đánh giá học sinh bằng nhận xét vẫn bị giáo viên quay lưng sau hai năm thực hiện

Có bà mẹ ở TPHCM kể, con gái chị học lớp 3 từng muốn chết đi vì xấu hổ chỉ vì bài kiểm tra chỉ được 7 điểm. Bố mẹ phải động viên mãi cháu mới lấy lại tinh thần với điều kiện, bố mẹ phải cho tiền mua quà đến lớp tặng các bạn để các bạn khỏi nhắc đến… điểm 7 của mình.

Điểm số hành hạ tinh thần, tâm hồn con trẻ đến méo mó, lệch lạc. Điểm số không có tội và là một thước đo định lượng cụ thể nhưng điểm số của chúng ta lâu nay mang quá nhiều áp lực và kỳ vọng từ người lớn. Và cũng chính người lớn dễ “nhúng tay” để làm méo điểm số của trẻ nhỏ.

Việc bỏ chấm điểm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, đó là một xu thế giáo dục hiện đại không thể phủ nhận. Ban đầu, khi Thông tư 30 vừa đưa vào nhà trường, nhiều giáo viên còn ngờ ngợ nhưng rồi hơn ai hết họ hiểu rõ tính nhân văn của việc đánh giá học sinh bằng nhận xét. Tinh thần, giá trị của thông tư đòi hỏi người thầy sát sao, quan tâm, theo dõi học sinh theo lộ trình chứ không chỉ cho điểm là xong.

Áp lực về sĩ số học sinh...
Áp lực về sĩ số học sinh...
Và về hồ sơ sổ sách không được tháo gỡ triệt để là những rào cản trong việc thực hiện Thông tư
Và về hồ sơ sổ sách không được tháo gỡ triệt để là những rào cản trong việc thực hiện Thông tư

Nhưng rồi chính đội ngũ giáo viên lại quay lưng lại với Thông tư. Họ rối bời, hoảng loạn rồi chán chường với hàng núi công việc để hoàn thành cái gọi là… đánh giá theo thông tư. Thay vì dành thời gian để tìm tòi, học hỏi những kiến thức, phương pháp mới, nhiều giáo viên cặm cụi ghi ghi chép chép lời đánh giá học trò; thay vì soạn những bài giảng hay nhiều nhà giáo tranh thủ ghi em này thế nào, em kia ra sao. Thậm chí lên lớp thay vì tập trung vào bài giảng, có giáo viên phải mặc kệ học sinh… để đánh giá cho xong. Giờ ra chơi thay vì giao lưu, trò chuyện, hỏi han đồng nghiệp, con trẻ các cô lại… ôm tập hồ sơ, sổ sách ghi ghi chép chép.

Thời gian để “xử lý” Thông tư chiếm hết thời gian của họ dành cho chuyên môn, cho học trò.

Sự rối bời này đã xuất hiện và được nhắc đi nhắc lại ngay từ ngày đầu khi Thông tư vào trường học chứ không phải phát sinh trong quá trình thực hiện. Vậy nhưng không được giải quyết thấu đáo. Sĩ số lớp 40 - 50 học sinh, có có giáo viên dạy đến trên ngàn em, có người thừa nhận mình nhận xét, đánh giá mà chẳng biết học sinh đó thế nào. Những mỹ từ vô thưởng vô hại được giáo viên tận dụng triệt để để đánh giá học sinh.

Không cho điểm, giảm áp lực bằng con số cho học sinh nhưng đổi lại, các em đón nhận từ giáo viên điều đáng sợ hơn: những lời nhận xét vô hồn, vô cảm.

Thông tư được khen hay, tốt nhưng không ai chỉ rõ cho giáo viên cần thực hiện việc đánh giá, nhận xét, quan tâm hàng trăm, hàng ngàn học sinh bằng cách nào với lô lốc hồ sơ sổ sách đi kèm. Nghề giáo có thể tư duy, sáng tạo, có trăm phương ngàn kế cho một vấn đề nhưng… họ đã phải đầu hàng với thực hiện đánh giá bằng nhận xét trong điều kiện thực tế không cho phép. Sĩ số học sinh đông, áp lực hồ sơ sổ sách, giáo viên đang phải gánh đủ việc ngoài chuyên môn là… điều nhà giáo không tự thay đổi được.

Cải cách, đổi mới chỉ có thể thực hiện khi tháo gỡ dần các khó khăn, tồn tại, đi từng bước từ dưới lên chứ không phải cứ phải “đánh úp” lên đầu giáo viên là xong. Những đề án giáo dục, những cải cách, đối mới có hay đến mấy, có tiên tiến đến mấy cũng không thể đạt hiệu quả khi thiếu tính khả thi.

Như một chiếc áo đẹp, bó sát, không có độ co giãn chắc chắn sẽ bung chỉ, sứt tà khi người mặc phình ra. Chiếc áo đẹp nhưng không vừa, không phù hợp và cũng không tìm cách chỉnh sửa liệu có nên cố mặc?

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)