Căng thẳng Chính phủ Mỹ - ĐH Harvard
  1. Dòng sự kiện:
  2. Căng thẳng Chính phủ Mỹ - ĐH Harvard

Mỹ: Toàn bộ hội đồng Fulbright đồng loạt xin từ chức vì bị can thiệp nội bộ

Bích Ngọc

(Dân trí) - Ngày 11/6 (theo giờ Mỹ), toàn bộ thành viên cấp cao của Hội đồng Học bổng Fulbright - cơ quan giám sát chương trình trao đổi học thuật quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ - đã đồng loạt đệ đơn từ chức.

Theo truyền thông Mỹ, động thái này được thực hiện để thể hiện thái độ phản đối những can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của hội đồng. Các can thiệp này được cho là đến từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong tuyên bố vừa được đưa ra, Hội đồng Học bổng nước ngoài Fulbright cho biết chính quyền đã can thiệp sâu vào thẩm quyền của hội đồng, đã bác bỏ kết quả xét duyệt của một số lượng đáng kể những ứng viên vốn đã trúng tuyển chương trình Fulbright năm học 2025-2026.

Các ứng viên trúng tuyển vốn được hội đồng lựa chọn sau một quy trình tuyển chọn kéo dài một năm, chủ yếu dựa trên tiêu chí thành tích và năng lực.

Mỹ: Toàn bộ hội đồng Fulbright đồng loạt xin từ chức vì bị can thiệp nội bộ - 1

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục quyết liệt tiến hành cải tổ sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục (Ảnh minh họa: Straits Times).

Cũng theo tuyên bố của hội đồng, Bộ Ngoại giao Mỹ còn đang thực hiện một quy trình rà soát đối với khoảng 1.200 ứng viên Fulbright khác. Việc này có thể dẫn đến khả năng hủy bỏ thêm nhiều suất học bổng khác.

“Hội đồng chúng tôi lựa chọn từ chức thay vì ủng hộ những động thái chưa từng có tiền lệ. Những động thái này, theo chúng tôi, là trái luật, gây tổn hại đến tính liêm chính và lợi ích quốc gia của nước Mỹ, làm suy yếu sứ mệnh và nguyên tắc hoạt động mà Quốc hội Mỹ đã đặt ra cho chương trình Fulbright suốt gần 80 năm qua”, tuyên bố của hội đồng nêu rõ.

Chương trình Fulbright do Bộ Ngoại giao Mỹ khởi xướng từ năm 1946, có sứ mệnh cử sinh viên sau đại học, học giả, nghệ sĩ, giáo viên và chuyên gia người Mỹ ra nước ngoài để học tập, nghiên cứu hoặc giảng dạy tiếng Anh tại khoảng 160 quốc gia.

Theo trang web chính thức, chương trình này cấp khoảng 8.000 suất học bổng hàng năm dựa trên thành tích của ứng viên, trải rộng ở hầu hết các lĩnh vực học thuật.

Theo tờ tin tức New York Times (Mỹ), hội đồng Fulbright đã phê duyệt hồ sơ của khoảng 200 giáo sư và nhà nghiên cứu người Mỹ, dự kiến sẽ tới làm việc tại các trường đại học và viện nghiên cứu ở nước ngoài trong mùa hè năm nay.

Tuy nhiên, thay vì gửi thư thông báo trúng tuyển chương trình trao đổi học thuật như kế hoạch ban đầu, Văn phòng Ngoại giao Công chúng của Bộ Ngoại giao Mỹ lại gửi đi nhiều thư thông báo “trượt”, với lý do liên quan tới chủ đề nghiên cứu của ứng viên.

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ - bà Jeanne Shaheen - đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, bà Shaheen bày tỏ lo ngại: “Hội đồng Fulbright vốn được Quốc hội giao trọng trách đảm bảo cho sinh viên và các nhà nghiên cứu không bị ảnh hưởng bởi các xu hướng chính trị trong hoạt động học thuật. Nhưng hiện tại, vấn đề này lại đang hiện diện.

Dù tôi hiểu và tôn trọng quyết định từ chức của hội đồng Fulbright để không chính trị hóa hoạt động của hội đồng, nhưng tôi vẫn rất lo ngại rằng, hành động này của hội đồng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của chương trình, cũng như các hoạt động nghiên cứu độc lập. Hoạt động của hội đồng vốn góp phần giúp nước Mỹ duy trì vị thế hàng đầu trong nhiều lĩnh vực”.

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai hồi tháng 1 năm nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành cải tổ sâu rộng ở nhiều bộ ngành và lĩnh vực.

Trong lĩnh vực giáo dục, Tổng thống Mỹ cắt giảm mạnh về số lượng nhân sự và ngân sách chi cho nghiên cứu học thuật, đồng thời, siết chặt việc cấp visa cho sinh viên quốc tế.

Theo Straits Times