Sửa đổi Thông tư 30: Giáo viên không thể tự sáng tạo ra A+, A-, B+, B-

(Dân trí) - Thông tư 30 sửa đổi quy định căn cứ vào những biểu hiện của học sinh qua đánh giá thường xuyên đến giữa kì, cuối kì, cuối năm tổng hợp lượng hóa kết quả học tập, rèn luyện theo ba nhóm A, B, C, vậy thì giáo viên không thể tự thêm ra nhóm D, cũng không tự sáng tạo ra A+, A-, B+, B-...

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Công Khanh (Trung tâm Khảo thí chất lượng giáo dục- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thành viên tổ sửa đổi Thông tư 30) khi trao đổi xung quanh lần điều chỉnh Thông tư 30 theo góp ý từ xã hội.

Thông tư 30 đã triển khai được hai năm, qua thời gian đó nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh cũng đã có những phản ứng nhiều chiều. Trên tinh thần đổi mới, không thể phủ nhận những điểm tốt của quy định không chấm điểm học sinh tiểu học. Tuy nhiên, trong khi triển khai tại các địa phương, có nhiều yếu tố dẫn đến quy định này chưa được thực hiện một cách khoa học.

Chính vì vậy, năm học này Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Khanh (Giám đốc Trung tâm Khảo thí chất lượng giáo dục- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thành viên tổ sửa đổi Thông tư 30).

Sửa đổi Thông tư 30: Giáo viên không thể tự sáng tạo ra A+, A-, B+, B- - 1

Giúp giáo viên tường minh trong việc đánh giá học sinh

Ông đánh giá như thế nào về những nội dung điều chỉnh trong Thông tư 30 lần này?

PGS. TS Nguyễn Công Khanh: Thông tư 30 ra đời ngày 28/8/2014, khi Thông tư này ra đời thực chất đó là bước chuyển đổi rất mạnh: đánh giá để phát triển học tập (đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh), đánh giá như là hoạt động học tập để đổi mới giáo dục tiểu học theo hướng toàn diện.

Trước đây giáo viên đánh giá thường xuyên, định kì đều bằng điểm số, coi nhẹ nhận xét… do chưa nhận thức được tầm quan trọng của đánh giá bằng nhận xét, không nghĩ tới hệ quả tiêu cực của điểm số, chưa nhận ra điểm kém dễ làm thương tổn học sinh, làm học sinh mất tự tin, làm thui chột hứng thú học đường như thế nào,… phụ huynh cũng chỉ coi trọng điểm số… mà ít hoặc không quan tâm đến việc tìm hiểu xem trẻ học thế nào, thiếu hụt, mắc lỗi ở đâu.

Thông tư 30 đưa ra yêu cầu đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không chấm điểm nhằm tạo sự cân bằng giữa đánh giá định tính bằng nhận xét với đánh giá định lượng bằng điểm số (bài kiểm tra cuối kì, cuối năm). Tuy nhiên giáo viên gặp khó khăn khi chưa quen với cách đánh giá bằng nhận xét mà không cho điểm, chưa biết cách lượng hóa kết quả đánh giá thường xuyên, lại chịu áp lực lớn khi phải ghi nhận xét hàng tháng với từng học sinh vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục…

Những nội dung điều chỉnh trong Thông tư 30 lần này có sự cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên những kết quả khảo sát đánh giá thực trạng triển khai Thông tư 30 trong 2 năm qua (những gì đã làm được, cho kết quả tích cực, những gì chưa làm được, tìm hiểu những khó khăn, nguyên nhân…), lắng nghe ý kiến của cán bộ quản lý giáo dục cấp sở, phòng giáo dục, cấp trường, lắng nghe ý kiến của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, ý kiến của các nhà khoa học, dư luận xã hội.

Và điều quan trọng nhất là việc chỉnh sửa Thông tư 30 nhất định phải dựa trên nền tảng của những cơ sở khoa học giáo dục, tâm lý học (tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học), khoa học đo lường đánh giá và phải tính đến các điều kiện thực tiễn (đội ngũ giáo viên tiểu học, sĩ số học sinh trong lớp học và các điều kiện về cơ sở vật chất…).

Lứa tuổi học sinh tiểu học khác với học sinh trung học cơ sở. Mỗi học sinh ở lứa tuổi này là một chủ thể có tính duy nhất, đang phát triển, chưa định hình về nhân cách… Mỗi đánh giá kết quả học tập, rèn luyện ở lứa tuổi này phải vì sự tiến bộ/ để phát triển học tập… tức là đánh giá phải giúp nuôi dưỡng hứng thú học đường, giúp học sinh nhận ra mình đang ở đâu trên con đường đạt đến mục tiêu bài học/chuẩn kiến thức, kỹ năng… Đánh giá không làm học sinh lo sợ, bị thương tổn, mất tự tin.

Suy nghĩ và cảm nhận của học sinh tiểu học chịu ảnh hưởng rất lớn từ những lời nhận xét trực tiếp của giáo viên; các em xây dựng niềm tin, hứng thú học đường trên cở sở những lời nhận xét trực tiếp của giáo viên trong những tình huống/ bối cảnh có ý nghĩa; giáo viên luôn hãy tin rằng mỗi học sinh tiểu học đều có thể thành công học đường và gieo ý nghĩ, niềm tin ấy mỗi ngày bằng những lời nhận xét chứa đầy cảm xúc tích cực trong các bối cảnh tình huống học tập đa dạng… giúp kích hoạt nhiều nhất sự phát triển toàn diện.

Vậy những điều chỉnh lần này sẽ giúp ích cho giáo viên hiểu rõ bản chất, mục đích, cách thức đánh giá của hai phương thức đánh giá thường xuyên bằng nhận xét và đánh giá định kì bằng điểm số như thế nào, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Công Khanh: Điều chỉnh lần này giúp cho giáo viên tường minh hơn trong việc hiểu rõ bản chất, mục đích, yêu cầu, cách thức của hai phương thức đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Đồng thời giải thích rõ tại sao cần hay không cần cho điểm và giúp giáo viên biết cách phối hợp, tạo sự cân bằng khi sử dụng hai phương thức đánh giá này thế nào để đem lại hiệu quả tốt nhất cho sự phát triển của học sinh tiểu học.

Đánh giá thường xuyên mang bản chất của đánh giá quá trình chủ yếu qua quan sát nhận xét, nhằm mục tiêu chính là phản hồi (giúp học sinh liên tục được phản hồi), phát hiện những điểm mạnh, những sai sót, thiếu hụt, phát hiện học sinh mắc lỗi gì, ở đâu, để kịp thời điều chỉnh, sửa lỗi thế nào nhằm giúp học sinh tiến bộ và để phát triển hoạt động học tập.

Đặc trưng của đánh giá thường xuyên là giáo viên thường sử dụng những công cụ đánh giá có tính phi chuẩn (có thể là lời nói, có thể là ký hiệu, có thể là câu hỏi, trò chơi…), phù hợp với tình huống, ngữ cảnh… tất cả chỉ nhằm thu thập thông tin để hiểu rõ hơn về người học, học thế nào gặp khó khăn ở đâu để kịp thời điều chỉnh, giúp đỡ (luôn đòi hỏi sự “cắt may” cho phù hợp với từng học sinh trong mỗi ngữ cảnh, tình huống học tập), do vậy không cho điểm.

Đánh giá định kỳ, bản chất là đánh giá tổng kết giúp giáo viên xác định mức độ hoàn thành hay chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập so với chuẩn và hoàn thành hay chưa hoàn thành các nhiệm vụ rèn luyện khác. Đánh giá định kì có mục tiêu chính là giải trình, phân loại, xếp hạng… Đánh giá định kì đòi hỏi công cụ đánh giá phải thiết kế đáp ứng tính chuẩn. Ví dụ, các bài kiểm tra định kì phải bám chuẩn kiến thức, kỹ năng và phải đánh giá được các mức độ nhận thức của học sinh. Chẳng hạn như mức biết, mức hiểu, mức vận dụng, vận dụng nâng cao.

Khi đã tường minh hai phương thức đánh giá trên thì giáo viên thực hiện sẽ không còn lo lắng nhiều.

Chuẩn kỹ năng là học sinh biết làm, làm tốt, thái độ học sinh hứng thú, sẵn sàng, có sự tự tin. Trong mức đánh giá như thế thì Thông tư 30 trước đây chưa tường minh, chính vì chưa tường minh nên dẫn đến hiểu lầm của nhiều giáo viên. Chúng ta đã đề cao đánh giá bằng nhận xét nhưng lại chưa nói rõ nhận xét như thế nào để làm cho học sinh vui, nhận xét thế nào để không làm cho học sinh bị thương tổn, để cho học sinh có niềm tin… đánh giá bằng nhận xét “chạm tới trái tim” giúp tạo dựng niềm tin nuôi dưỡng hứng thú học đường… điều này qua trọng hơn nhiều so với điểm số.

Có một chi tiết trong nội dung điều chỉnh khiến nhiều nhà giáo băn khoăn, đó là hiệu trưởng phải tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong đánh giá học sinh. Nhưng câu hỏi đặt ra là, nếu giáo viên chủ động đánh giá học sinh theo cách của họ, không theo A, B, C thì theo ông có phù hợp không?

PGS. TS Nguyễn Công Khanh: Khi chúng ta đánh giá học sinh theo Thông tư 30 sửa đổi, thì tính pháp lệnh của Thông tư buộc hiệu trưởng và giáo viên phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu, cách thức đánh giá đã được quy định trong Thông tư 30 sửa đổi.

Cụ thể, để giúp giáo viên có thể dễ lượng hóa kết quả đánh giá thường xuyên, Thông tư 30 sửa đổi quy định căn cứ vào những biểu hiện của học sinh qua đánh giá thường xuyên đến giữa kì, cuối kì, cuối năm tổng hợp lượng hóa kết quả học tập, rèn luyện theo ba nhóm A, B, C, vậy thì giáo viên không thể tự thêm ra nhóm D, cũng không tự sáng tạo ra A+, A-, B+, B-...

Việc lượng hóa kết quả đánh giá thường xuyên không dựa trên điểm số các bài kiểm tra để phân loại A, B, C mà căn cứ trên những biểu hiện hành vi qua quan sát, qua các trao đổi, nhận xét kết quả thực hiện các bài tập, tình huống/nhiệm vụ học tập, rèn luyện… qua trả lời câu hỏi, qua tự đánh giá của học sinh… để phân nhóm.

Nếu kết quả đánh giá thường xuyên được tổng hợp vào giữa kì, cuối kì, cho thấy các em có những điểm mạnh vượt trội rõ ràng so với chuẩn hay yêu cầu của môn học ví dụ như tiếp thu nhanh hơn, hoàn thành các bài tập hay nhiệm vụ học tập tốt hơn, có sự sáng tạo hơn thì xếp vào nhóm A.

Tương tự kết quả đánh giá thường xuyên cho đến giữa kì, cuối kì, cho thấy có những học sinh so với các bạn trong lớp, các em tiếp thu chậm hơn, có những điểm thiếu hụt đáng kể so với chuẩn hay yêu cầu của môn học sẽ xếp vào nhóm C, những học sinh này cần được giáo viên chú ý phối hợp cùng cha mẹ tìm cách giúp đỡ nhiều hơn, hướng dẫn cụ thể hơn. Những học sinh còn lại hoàn thành nhiệm vụ học tập đáp ứng chuẩn hay yêu cầu của môn học xếp vào nhóm B.

Như vậy căn cứ trên những kết quả đánh giá thường xuyên, lượng hóa một cách tương đối học sinh theo các nhóm A, B, C sẽ giúp cho việc dạy học phân hóa… điều giáo dục phổ thông đang dần hướng tới vì mỗi học sinh thông minh theo những cách khác nhau, mỗi kiểu thông minh đều có giá trị cho sự thành công học đường.

Cần phải giải thích để giáo viên thống nhất cách hiểu các khái niệm

Trong nội dung điều chỉnh TT 30 có quy định không được chấm điểm đối với học sinh, tuy nhiên giáo viên và phụ huynh, thậm chí là học sinh có thể ngầm hiểu các mức A, B, C sẽ là các mức điểm tương ứng?

PGS. TS Nguyễn Công Khanh: Mỗi người có thể hiểu khác nhau về sự vật hiện tượng, chúng ta muốn họ hiểu một sự vật, hiện tượng thống nhất cùng một quan niệm là điều không dễ. Tuy nhiên đối với một văn bản như thông tư 30 điều chỉnh, thì nhóm chuyên gia cũng như những nhà quản lí giáo dục cần phải giải thích để giáo viên thống nhất cách hiểu các khái niệm, cũng như các yêu cầu, cách thức đánh giá quy định trong Thông tư 30 sửa đổi để triển khai thực hiện Thông tư 30 sửa đổi một cách khoa học, hiệu quả.

Giải pháp cho vấn đề này là nhóm chuyên gia kết hợp với Vụ tiểu học, các khoa tiểu học của các trường sư phạm sẽ chịu trách tập huấn cho cán bộ quản lý cấp sở, phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường tiểu học, giáo viên. Cách hiểu thống nhất cần được giải thích rõ đến giáo viên, học sinh là: Các mức A, B, C không quy đổi từ điểm số sang mà đại diện cho các nhóm học sinh căn cứ vào những biểu hiện hành vi qua đánh giá thường xuyên được tổng hợp vào giữa kì, cuối kì, của mỗi học sinh với từng môn học, từng năng lực, phẩm chất.

Các biểu hiện hành vi này phải được giáo viên theo dõi trên sổ cá nhân hằng ngày, hàng tuần/tháng. Chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia công nghệ thông tin (IT) sẽ tạo ra các công cụ (phiếu đánh giá/thang đánh giá…) mô tả sẵn các dấu hiệu, biểu hiện hành vi đặc trưng của từng năng lực, phẩm chất, để giúp giáo viên có thể nhìn vào đó và tích, làm cho việc lượng hóa tương đối từng năng lực, phẩm chất trở nên dễ dàng hơn, chính xác hơn.

Giáo viên cũng dễ dàng nhận ra đâu là điểm mạnh, đâu là những hạn chế cần cải thiện, những học sinh nào vượt trội, vượt trội điểm gì để xếp vào nhóm A, những học sinh nào chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện, có sự thiếu hụt đáng kể, thiếu hụt chỗ nào để xếp vào nhóm C và giáo viên phải có biện pháp hỗ trợ cụ thể, kịp thời thế nào. Như vậy chắc chắn sẽ giúp giáo viên đỡ được việc nhận xét bằng ghi chép hàng tháng vừa hình thức vừa tốn công sức mà không giúp ích gì nhiều cho sự thúc đẩy, phát triển học tập, phát triển nhân cách học sinh.

Năm 2014, khi ban hành Thông tư 30 thì có thực trạng ở khâu tập huấn giáo viên chưa thu nhận được bao nhiêu do quá trình tập huấn bị “tam sao thất bản” dẫn đến tinh thần của Thông tư 30 chưa được hiểu cận kẽ. Lần này sẽ có các giải pháp như thế nào, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Công Khanh: Một văn bản như Thông tư 30 hay Thông tư sửa đổi khi đưa ra dư luận thì phải có định hướng, có giải thích rõ để dư luận hiểu rõ khái niệm, hiểu quan điểm chung. Sau đó phải có một lộ trình để triển khai nó, trước đây cách làm là chọn một nhóm người đi giải thích, và lúc đó chỉ tập trung giải thích được văn bản, chứ chưa làm cho người nghe hiểu được cơ sở khoa học, tâm lý học, giáo dục học và đo lường đánh giá nằm ở đâu, đặc biệt là đối với lứa tuổi tiểu học.

Vì chưa giải thích được nên chưa có cơ sở và dư luận chưa tin, chưa tin thì dẫn đến nghi ngờ, nghi ngờ thì thường không thực hiện hoặc thực hiện hình thức, thậm chí chống đối.

Lần điều chỉnh này chúng tôi sẽ làm cho người ta tin bằng cách: tập hợp đội ngũ chuyên gia giao cho các trường sư phạm và các khoa tiểu học thảo luận, thống nhất khái niệm, quan điểm, có những tài liệu hướng dẫn, có các công cụ hỗ trợ. Và chính bộ phận này sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp tập huấn cho cán bộ quản lí ở cấp phòng, cấp sở, cấp trường.

Nhóm này thì các trường đại học sẽ đứng ra làm đầu mối, sau nữa các trường đại học cũng làm đầu mối để tập huấn cho giáo viên ở một số trường, có thể không tập huấn hết nhưng phải được số lượng lớn để tạo ra sự lan tỏa. Ngoài ra cũng có những nhóm chuyên gia đến những vùng xa, tỉnh lẻ để tập huấn cho cán bộ quản lí, cho giáo viên, không chỉ một lần mà nhiều lần.

Trân trọng cảm ơn ông.

Nhật Tân

Dòng sự kiện: Sửa đổi Thông tư 30