Bạn đọc viết:
Thông tư 30 sửa đổi: Nhen lên hi vọng về sự đổi mới tích cực
(Dân trí) - Sau hai năm triển khai việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 (TT30), nhiều ý kiến phản ứng đã nảy sinh trong giáo viên và phụ huynh. Mới đây, động thái lắng nghe góp ý của Bộ GD&ĐT đã thật sự nhen lên hi vọng về một sự đổi thay tích cực. Dự thảo TT30 sửa đổi vừa được công bố chưa kịp làm nức lòng mọi người thì câu hỏi “TT30 sửa đổi vẫn là bình mới rượu cũ?” đã đặt ra.
Theo đó, thay vì đánh giá học sinh theo chuẩn “Đạt” và “Không đạt” như trước thì giờ đây lượng hóa kết quả học tập của học sinh theo mức A, B, C. Đánh giá theo A, B, C không phải lần đầu tiên chúng ta thực hiện. Nó vốn đã được triển khai với Thông tư 32 trước đó bị đánh giá là không phù hợp. Hóa ra chúng ta đang mải loay hoay cải cách trong cái vòng luẩn quẩn sao?
Những quy định về chuẩn kiến thức, năng lực, phẩm chất theo mức A, B, C vẫn chỉ là những khái niệm cùng nội hàm trừu tượng. Giáo viên phải đánh giá kết quả học tập của học sinh một cách định tính, mơ hồ, rối rắm. Trong khi đó, các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm vẫn giữ nguyên cách đánh giá bằng nhận xét kèm điểm số như cũ. Và học sinh khối 4, 5 có thêm hai bài kiểm tra giữa kỳ lấy điểm. Đã sử dụng điểm số, sao chúng ta còn “đèo bồng” thêm mức A, B, C?
Mục tiêu nhân văn ban đầu của TT30 là giảm áp lực điểm số, áp lực thi cử cho học sinh. Giờ thì vẫn tồn tại song song điểm số và điểm A, B, C. Một sự quy đổi máy móc sẽ diễn ra ngay chính trong đội ngũ giáo viên đứng lớp. Điểm A sẽ tương đương điểm giỏi? Điểm B…? Điểm C…? Và rồi A-, A+, B-, B+… tiếp tục được khai sinh. Rồi vòng quay quy đổi máy móc thành điểm số tiếp tục và có vẻ như chúng ta đang đi đường vòng trong đánh giá học sinh.
Đánh giá bằng các mức A, B, C sẽ giúp phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập của con em mình ư? Theo tôi nghĩ chỉ là một phần. Sự nhập nhằng giữa ranh giới các mức A, B, C chính là điểm khiến ta đánh giá chưa đúng thực chất lực học của trẻ. Nếu đặt quá nặng tư tưởng “vừa học vừa chơi” và đánh giá nhằm động viên, khuyến khích thì điểm A sẽ tiếp tục được châm chước, ngập tràn trang vở. Phải chăng sẽ có rất nhiều phụ huynh tiếp tục bị “ru ngủ” bởi thành tích học tập của con cái?
Điểm số là áp lực. Điều ấy chỉ đúng một phần. Điểm 9, 10 sẽ là bông hoa rực rỡ tô thắm trang vở. Còn điểm 3, 4 dù xấu xí nhưng lại có sức thức tỉnh con trẻ và phụ huynh về việc học của con em. Không thể phủ nhận một thực tế vẫn đang ngấm ngầm diễn ra: Việc bỏ cho điểm bằng điểm số đã tác động không nhỏ đến ý chí, nỗ lực học tập và làm giảm sức cạnh tranh trong học tập của học sinh. Nên chăng chúng ta quay về cách đánh giá bằng điểm số như trước?
Mặt khác, sở dĩ TT30 bị “kêu ca” là bởi áp lực lớn của giáo viên trong việc nhận xét, đánh giá học sinh. Đặc biệt là hàng loạt hồ sơ sổ sách phải hoàn thành đã choáng ngợp hết thời gian, tâm trí của nhà giáo. Thay vì đầu tư soạn giảng, trau dồi chuyên môn, quan tâm học sinh, gần gũi chuyện trò thì giáo viên phải “đánh vật” với những nhận xét trong mỗi trang vở cho mỗi em vào mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng và cuối kỳ, cuối năm.
Giờ đây, điểm mới của Thông tư sửa đổi rất đáng ghi nhận khi giáo viên có thể nhận xét bằng lời và viết nhận xét khi cần thiết. Hồ sơ đánh giá học sinh nay chỉ còn học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục. Còn quyển sổ theo dõi chất lượng giáo dục khiến giáo viên phải vất vả mỗi tháng đã bị dẹp bỏ. Tuy nhiên, điều mà các thầy cô quan tâm lúc này là mỗi giáo viên phải có quyển sổ cá nhân để ghi chép, theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh. Và đã là sổ theo quy định thì chắc chắn sẽ có sự kiểm tra!
Tư tưởng tiến bộ, nhân văn của TT30 là hiển nhiên. Nhưng mong rằng Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu chuyên sâu hơn để khắc phục được những khó khăn, lực cản tạm thời. Lời phàn nàn “bình mới rượu cũ” sẽ chấm dứt và TT30 sẽ thật sự đưa nền giáo dục nước nhà khởi sắc.
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!