Phân tầng đại học: “Tránh để các trường… tự phong, tự nhận”

(Dân trí) - Đó là ý kiến đóng góp của TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) về phân hạng cơ sở giáo dục đại học. Theo ông, để cho các trường tự nhận mình thuộc đại học nghiên cứu hay giảng dạy thì… loạn.


Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu.

Tại “Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học” chiều ngày 15/12 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT tổ chức, nhiều đại biểu quan tâm thảo luận nội dung phân hạng cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

GS. Đào Trọng Thi (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhấn mạnh: Việc phân tầng là yếu tố rất quan trọng đối với quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH. Theo ông, “đối với cơ sở GDĐH công lập sau khi Hội đường trường quyết nghị vẫn cần trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.

Việc xếp hạng quy định trong Luật hiện hành được hiểu theo nghĩa phân hạng cơ sở GDĐH theo tinh thần phân loại xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ. Việc phân hạng các cơ sở GDĐH cần cho công tác quản lý nhà nước và nên được quy định trong Luật GDĐH.

Còn việc xếp hạng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lại được hiểu theo nghĩa xếp thứ hạng các cơ sở GDĐH. Việc này cũng rất cần, thường do các tổ chức độc lập thực hiện và không nhất thiết phải quy định trong Luật.

GS.VS Đào Trọng Thi.
GS.VS Đào Trọng Thi.

“Nếu trường nào cũng tự xếp, trường nào cũng nhận là trường ĐH nghiên cứu cả thì quy hoạch trường sẽ hỏng ngay…”, GS. Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng: Phân tầng cơ sở GDĐH thì Nhà nước phải “cầm chịch” vì để cho các trường tự nhận… thì loạn.

Thêm nữa, ông Tiến đề xuất phải có khái niệm phân tầng là gì vì dự Luật hiện nay vẫn còn trống khái niệm này.

Định nghĩa giáo dục đại học Việt Nam trái với quốc tế?

TSKH. Đỗ Nhật Tiến cũng có những góp ý thẳng thắn về định nghĩa GDĐH được đưa ra trong Điều 4 Dự luật GDĐH.

Theo đó, Dự thảo đưa vào điều 4 định nghĩa về GDĐH là giáo dục các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Ông Tiến nhận định: “Nếu coi đây là định nghĩa về GDĐH thì không ổn vì nó trái với cách hiểu quốc tế về GDĐH. Theo phân loại quốc tế ISCED 1997 cũng như ISCED 2011 thì GDĐH gồm 4 bậc là ISCED 5,6,7 và 8; trong đó ISCED 5 ứng với các chương trình đào tạo ngắn hạn, tức là trình độ cao đẳng. Vì vậy, không thể định nghĩa GDĐH như Dự thảo”.

Định nghãi này nhằm cứu vãn một sai lầm của Luật Giáo dục nhgề nghiệp khi tách trình độ cao đẳng khỏi GDĐH để đưa sang giáo dục nghề nghiệp, khiến GDĐH nước ta rơi vào tình trạng phân mảnh, ảnh hưởng tiêu cực tới việc xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao với cơ cấu phù hợp và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, theo TSKH. Đỗ Nhật Tiến, cách làm tốt nhất là khôi phục lại Điều 6, Điều 7 và các Điều có liên quan đến trình độ cao đẳng, trường cao đẳng như trong Luật GDĐH ban hành ngày 18/6/2-12. Nếu vì những lý do nào đó việc khôi phục này là khoogn thể thì không nên đưa vào định nghĩa như trên mà xác định lại phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐH là giới hạn ở các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Ông Tiến cũng nhất trí với quy định cơ sở GDĐH gồm đại học, trường đại học, học viện. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra trong tổ chức thực hiện là cơ sở nào sẽ là đại học, cơ sở nào sẽ là trường đại học. “Theo tôi cần bổ sung một khoản với quy định “Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục chính thức cá đại học, học viện, trường đại học”. Đó là quy định cơ sở để tiến hành phân tầng đại học.

Tránh để quyền thì thuộc Hội đồng trường mà trách nhiệm thì Hiệu trưởng chịu hết

Về hội đồng trường, nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng.

Ông Bùi Thanh Hùng - Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng đặt vấn đề: “Khi chúng tôi tiến hành khảo sát tại trường ĐH Hàng hải Việt Nam thì trường cũng chia sẻ, nhiều khi chủ tịch hội đồng trường gần như không có quyền gì?”.

PGS. Trần Văn Tớp (Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa HN) kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số nội dung để làm rõ trách nhiệm của Hội đồng trường trong Luật, gắn với quyền lực; tránh để quyền thì thuộc Hội đồng trường mà trách nhiệm thì Hiệu trưởng chịu hết.

“Việc phân trách nhiệm cụ thể nếu có giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng phải đưa vào Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, chứ không thể đưa vào quy chế tổ chức và hoạt động của riêng Hội đồng trường. Đồng thời, nên tăng thẩm quyền quyết định của Hội đồng trường, trong đó có bầu Hiệu trưởng và Ban giám hiệu, trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn.

Phương án Hội đồng trường tổ chức quy trình bầu Hiệu trưởng, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận là hợp lý. Tuy nhiên, cần xác định rõ cơ quan có thẩm quyền cụ thể là gì, vì hiện tại Bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản”, ông Tớp nêu quan điểm.

Về vấn đề này, ở phần tổng kết hội nghị, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần tránh đưa vào những khái niệm “nói thì dễ” nhưng khi vào vận hành rất khó.

Theo ông Bình, việc xem xét tính còn cơ quan chủ quản hay không, chúng ta phải nhìn rõ. Nếu còn hay không thì thể hiện bằng quy định gì?

Ông Bình cho rằng, ban soạn thảo Dự Luật GDĐH cần nghiên cứu kỹ, nếu không dễ dẫn đến việc cả chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng đều không thể hiện vai trò của mình được hiệu quả.

“Hội đồng trường chỉ quyết định chiến lược, tài chính, nhân sự, nhưng quan hệ giữa nhân sự với nhau ở cơ sở GDĐH đó thì sao? Hiệu trưởng mà chèn ép, thể hiện sự mất dân chủ đối với giáo viên thì không phải việc của hội đồng trường. Để giải quyết cái này có cả hội đồng nội trị... Chúng ta cũng xem xét việc cần có bộ máy để thực hiện việc giám sát hiệu trưởng và nhân sự từ trên xuống”, ông Bình lưu ý.

Lệ Thu