Thí sinh thi khối A lo thiệt thòi khi xét tuyển đại học 2025

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Việc xét chung các tổ hợp và các phương thức xét tuyển mà không chia chỉ tiêu khiến nhiều thí sinh thi khối A lo bị thiệt trong cuộc đua vào các đại học top đầu.

Gấp rút học IELTS để tránh "thất thế" khi xét tuyển khối A00

Từ học kỳ II, Nguyễn Hoàng Minh (học sinh lớp 12 tại Long Biên, Hà Nội) tập trung "cày" IELTS với mục tiêu đạt 6.5 để được quy đổi sang điểm 10 khi xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trước đó, Minh dự định sẽ dùng tổ hợp toán, lý, hóa. Tuy nhiên, quy chế mới cho phép quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sang điểm môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển khiến Minh thay đổi chiến thuật vào phút chót.

"Với đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng như đề khảo sát toàn thành phố vừa qua, để đạt được điểm 9, 10 môn lý, hóa là rất khó. Trong khi đó, quy định tuyển sinh mới xét chung từ cao xuống thấp với mọi tổ hợp xét tuyển.

Nếu em dùng tổ hợp toán, lý, hóa, em sẽ không cạnh tranh được với các bạn dùng tổ hợp toán, lý, tiếng Anh hoặc toán, hóa, tiếng Anh, nhất là các bạn có IELTS", Minh nêu quan điểm.

Phạm Văn Bách (Hoài Đức, Hà Nội) tham gia kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội với bài thi tự chọn là lý - hóa - sử và chỉ đạt 88/150 điểm. Mức điểm này của Bách thấp hơn nhiều bạn bè cùng lớp thi tự chọn tiếng Anh.

"Bạn bè em thi tự chọn là tiếng Anh đều đạt trên 90 điểm nhưng những bạn thi tự chọn khoa học như em chỉ đạt mức mức 80-90. Nếu như biết trước có sự chênh lệch này, em đã không chọn thi khoa học", Bách tiếc nuối.

Thí sinh thi khối A lo thiệt thòi khi xét tuyển đại học 2025 - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Nam Anh)

Bách đã thi IELTS vào cuối tháng 2, đạt 6.0. Nam sinh dự định sẽ thi lại vào cuối tháng 4 để đạt 6.5 - mức điểm mà em cho là "an toàn".

Bách và Minh đều lo lắng, nếu các trường chỉ quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức mà không quy đổi tương đương giữa các tổ hợp xét tuyển, sự chênh lệch giữa các khối thi sẽ không được xử lý. Từ đó, thí sinh khối A sẽ "thất thế" trong cuộc đua vào các trường top đầu.

Các trường có quy đổi điểm tương đương giữa các tổ hợp xét tuyển không?

Tính đến thời điểm hiện tại, có 2 trường khu vực phía Bắc đã công bố công thức quy đổi điểm tương đương dự kiến là Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Thương mại. Cả hai trường đều không quy đổi điểm tương đương giữa các tổ hợp xét tuyển.

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, duy nhất tổ hợp K01 (toán, văn, lý/hóa/sinh/tin) có cách tính điểm xét tuyển ưu tiên môn tự nhiên theo công thức:

Điểm xét tuyển = Điểm toán x 3 + điểm văn x 1 + điểm lý/hóa/sinh/tin x 2.

Các tổ hợp còn lại gồm A00, A01, A02, B00, D01, D04, D07, D26 và D29 được tính bình đẳng các môn.

Thí sinh có IELTS từ 6.5 được quy đổi sang điểm 10 trong tổ hợp có tiếng Anh như A01, D01, D07. Thí sinh có IELTS trong khoảng 5.0-6.0 được quy đổi lần lượt sang điểm 8,5, 9 và 9,5.

Ngoài ra, trường Bách khoa cộng điểm thưởng cho thí sinh có IELTS khi xét tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy hoặc xét tuyển tài năng.

Trường Thương mại cũng sẽ ưu tiên thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ. Đại diện truyền thông của trường cho biết, hệ số quy đổi cho phương thức xét tuyển kết hợp có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được tính cao hơn. Ngoài ra, trường tính điểm 10 cho thí sinh có IELTS từ 5.0 trở lên.

Qua hai đợt đầu của kỳ thi HSA 2025, tỷ lệ thí sinh lựa chọn bài thi tiếng Anh lên đến 47,1%. Trong khi đó, tỷ lệ thí sinh lựa chọn các tổ hợp môn tự nhiên không vượt qua được mức 17%.

Phổ điểm HSA năm nay cao hơn năm trước, được cho rằng do lần đầu cho phép thí sinh thi tự chọn môn tiếng Anh. Đại học Quốc gia Hà Nội không công bố phổ điểm theo từng tổ hợp môn tự chọn.

Dự kiến, từ năm 2025, điểm bài thi HSA sẽ được chuyển đổi về thang điểm 30 theo Quy chế tuyển sinh đại học để phục vụ xét tuyển.