Cần chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm trong việc phân tầng xếp hạng đại học

(Dân trí) - Góp ý sửa đổi Luật Giáo dục đại học về phân tầng đại học, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam cho rằng, Luật cần chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm trong việc phân tầng xếp hạng đại học.

Theo dự thảo Luật GD Đại học, phần sửa đổi, bổ sung khoản Điều 9 về phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học đã ghi rõ:

Cơ sở giáo dục đại học tự xác định sứ mạng, mục tiêu phát triển theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục đại học và nhu cầu của xã hội.

Cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo những tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan.

Việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện bởi các tổ chức có tư cách pháp nhân, có chức năng nhiệm vụ phù hợp, đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng; quy định chi tiết về xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.”

Bộ GD&ĐT giải thích, quy định về phân tầng, xếp hạng chưa phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới. Theo Khoản 5 Điều 9 Luật GDĐH, tiêu chuẩn phân tầng cơ sở GDĐH do Chính phủ quy định. Trên cơ sở đó, ngày 08/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2015/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở GDĐH.

Tuy nhiên, việc quy định cứng các tiêu chí phân tầng và xếp hạng cơ sở GDĐH theo pháp luật hiện hành chưa thực sự phù hợp, phần nào làm hạn chế quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH trong việc tự xác định hướng phát triển.

Trên thực tế, xếp hạng là một công cụ để tạo thêm động lực cạnh tranh giữa các trường, cung cấp cho người học tham khảo trường phù hợp, cũng như giúp các nhà tuyển dụng lựa chọn nhân lực.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu cách làm của một số quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Australia… cách thức thực hiện xếp hạng các trường ĐH theo Luật GDĐH của Việt Nam có sự khác biệt.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc xếp hạng các cơ sở GDĐH là do các tổ chức xã hội độc lập công bố để các bên liên quan tham khảo, việc xếp hạng các cơ sở GDĐH này thực hiện sẽ đảm bảo tính khách quan hơn là do cơ quan nhà nước thực hiện.

Đồng tình với việc sửa đổi này của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên,Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam cho rằng, dường như có sự nhầm lẫn giữa khái niệm phân tầng giáo dục đại học với khái niệm xếp hạng chất lượng. Một nền GDĐH phân tầng hoàn toàn không hề chấp nhận những cơ sở GDĐH chất lượng thấp.

Phân tầng ở đây chỉ có nghĩa là thừa nhận sự đa dạng về sứ mệnh của các cơ sở GDĐH. Ở Khoản 5 của Điều 9 có nói đến Nhà nước (Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) là người công nhận xếp hạng cơ sở GDĐH, nhưng không chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm xếp hạng.

"Nếu vẫn lại là Bộ Giáo dục và Đào tạo thì rõ ràng khó có sự khách quan và cuối cùng lại quay trở về với cơ chế xin - cho" - Hiệp hội nhấn mạnh.


Việt Nam chưa thực hiện được phân tầng, xếp hạng đại học vì nhiều lý do

Việt Nam chưa thực hiện được phân tầng, xếp hạng đại học vì nhiều lý do

Về việc phân tầng, xếp hạng trường ĐH, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - ĐH QGHN cho rằng, theo Nghị định 73 về phân tầng xếp hạng, vấn đề quan trọng nhất phân tầng chính là mục tiêu của nhà trường. Trường định hướng như thế nào thì phân tầng trường vào nhóm đó.

Trong xếp hạng khi đã phân tầng vào các nhóm nào rồi thì nó là đồng hạng, mọi tiêu chí sẽ ngang hàng với nhau để tránh gây tranh cãi.

Do đó, các trường nên chú trọng hơn đến việc tuyên bố sứ mạng và đầu tiên phải rà soát để xem cái sứ mạng của trường. Trường có thực sự tổ chức phân bố nguồn lực, xây dựng kế hoạch để hoàn thành sứ mạng đó hay không. Nếu như không hoàn thành được sứ mạng đó thì có thể trường đó sẽ không đạt chuẩn.

Nói về Nghị định 73 về phân tầng, xếp hạng đại học vẫn chưa triển khai được, GS Thanh cho hay, trong Nghị định có một điều kiện cần là các trường đại học muốn được xếp hạng thì phải được kiểm định vì kiểm định để xem trường đó có đáp ứng chuẩn chất lượng tối thiểu hay không.

Trên thế giới, kiểm định và xếp hạng là 2 cái hoàn toàn khác nhau nhưng ở Việt Nam là sử dụng kết quả kiểm định để làm một căn cứ để xếp hạng. Việt Nam đang tiếp cận theo hướng là trường phải qua một cái sàn tối thiểu thì mới được xếp hạng.

Chính vì quy định các trường đại học phải qua kiểm định mới được xếp hạng - Đây là cái vướng hiện nay đang gặp phải. Vướng thứ 2 là hiện nay là chưa xác định được đi theo kiểu xếp hạng hay đi theo kiểu định chuẩn.

Nếu như xếp hạng mà không qua kiểm định thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Trên thực tế hiện nay đang rơi vào tình trạng như vậy, trong quá trình mà bộ kiểm định thì cũng có những trường không đạt chuẩn. Cho nên việc thực hiện xếp hạng chưa được triển khai.

Tâm An