Khi người lớn “gieo” tổn thương kinh hoàng cho con trẻ

(Dân trí) - “Nó vội che mặt con em và ngoảnh mặt đi không dám nhìn, khi cha một lần nữa rống lên rồi lao vào đánh mẹ nó. Có lần nó đã kéo con em chạy trốn vào cầu tiêu để khóc nhưng cha lại lôi ra đánh….”.

Ký ức kinh hoàng, đau đớn của một người đàn ông gần 80 tuổi được ông Lê Nguyên Phương - Tiến sĩ lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý tại University of Southern California (Hoa Kỳ); người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam kể lại trong buổi ra mắt cuốn sách “Dạy con trong hoang mang 2” tại TPHCM.

Cụ ông ấy, khi kể lại câu chuyện quá khứ của mình với ông Phương, giọng vẫn nghẹn đắng, ánh mắt chất chứa. Thân hình vẫn như co rút lại để tránh những đòn roi...


TS Lê Nguyên Phương chia sẻ về những câu chuyện, hậu quả của đứa trẻ bị bạo hành, hoặc sống trong bạo hành.

TS Lê Nguyên Phương chia sẻ về những câu chuyện, hậu quả của đứa trẻ bị bạo hành, hoặc sống trong bạo hành.

Nhiều người trong hội trường nghèn nghẹn, chảy nước mắt, có người bật khóc… Hình như câu chuyện bạo hành trẻ ngay trong gia đình không phải là cá biệt, không phải là chuyện của riêng ai… Mà nó đang hiện hữu khắp nơi, ở những người cha vũ phu, người mẹ cam chịu, hay ở những trường hợp mâu thuẫn, đổ vỡ…

Đó không chỉ là đòn roi lên da thịt đứa trẻ. Đó có thể là chuyện về bà mẹ chở con đi học về, dừng xe đánh ghen, xung quanh người lớn con trẻ đứng nhìn. Đó không chỉ là lời chửi bới, mắng mỏ mà có thể tiếng thở dài, ánh mắt thất vọng buồn não từ bố mẹ. Đứa trẻ có thể không bị đòn roi, không tận mắt chứng kiến nhưng chúng sống trong nỗi hoảng loạn, vùi đầu vào chăn gối, bịt tai để khỏi nghe những lời chửi bới, hăm dọa của cha mẹ ở phòng bên cạnh. Hay giật mình khi đến giờ người cha trở về nhà…

Cùng với nỗi bất an trong con trẻ là sự oán hận…

TS Lê Nguyên Phương cho hay, sống trong bạo hành, chứng kiến bạo hành, sức học của đứa trẻ sẽ đi xuống; ảnh hưởng đến não bộ khi sức chú tâm kém dần vì những chứng bệnh tâm thể, chúng có thể bị chậm nói, chậm đi hay chậm trí. Chúng già trước tuổi cả 7 - 10 năm, không chỉ trong tâm lý mà cả AND. Tỷ lệ trẻ tự tử trong gia đình bạo hành cao gấp 6 lần, phạm vào tội ác nhiều hơn 74%, nghiện ngập nhiều hơn 50%.

Về tác động tâm lý rất lớn và chính cuộc đời chúng là minh chứng rõ nét nhất với những hậu quả khủng khiếp.

Cha vũ phu, bạo lực, sau này lớn lên đứa trẻ có thể xem người đàn ông nhẹ nhàng là yếu đuối. Các cô gái quen với hình ảnh người chồng thô lỗ, cộc cằn; các chàng trai, tự cho mình là đàn ông lớn lên lại chứng tỏ mình theo cách nạt nộ, trợn mắt, đấm đá… Cả hai giới trở nên bạc nhược, không dám khẳng định chính mình.

Ông Phương cũng đề cập đến những hậu quả với những đứa trẻ mà bố mẹ ly hôn trong tổn thương, mất niềm tin. Người cha, người mẹ nuôi con sau ly hôn có xu hướng dồn hết vào đứa con, họ tự đặt cho mình trách nhiệm vừa làm mẹ, vừa làm cha… đã biến đứa con thành tù nhân. Đứa con vốn đã bị tổn thương, xáo trộn tâm lý khi chia mẹ chia tay lại phải “chống đỡ” với môi trường mới.


Một bé trai ở Hà Nội bị bố và mẹ ghẻ bạo hành gây chấn động dư luận. Trong ảnh: Cháu bé khi trở về nhà ngoại.

Một bé trai ở Hà Nội bị bố và mẹ ghẻ bạo hành gây chấn động dư luận. Trong ảnh: Cháu bé khi trở về nhà ngoại.

TS Lê Nguyên Phương phân tích, chính cha mẹ không hiểu hết hoặc đo lường được hết những tổn thương do chính họ gây ra trong xung đột với nhau. Trong nuôi dạy con, trước hết chính cha mẹ cũng cần được điều trị, chữa lành những chấn thương trong mình. Những người cha bạo hành có thể là thế hệ kế tiếp tái diễn việc bạo hành. Những người mẹ bị tổn thương rất cần được ổn định về tinh thần để chăm sóc con.

Trong khi các bố mẹ hoang mang về dạy con, tìm tòi, áp dụng các phương án dạy con theo nước này, nước nọ thì TS Lê Nguyên Phương nhấn mạnh, một trong những điều quan trọng nhất trong nuôi dạy trẻ là xây dựng sự tự tin cho con trẻ.

Và điều này thì vô cùng khó khi mà đứa trẻ sống trong gia đình bạo hành, khi mà cha mẹ chưa bình tâm để làm lành những đau khổ, vết lương trong lòng mình.

Trong cuốn sách của mình, TS Lê Nguyên Phương kể, trong những ngày về Việt Nam, ông mang nỗi ám ảnh thường trực về những ánh mắt buồn thảm cùng với dáng vẻ rụt rè hoảng sợ của những em nhỏ và những cô gái bị cha và chồng bạo hành. Theo ông, mỗi người đàn ông cần phải đặt câu hỏi mình có thể làm gì để vợ mình, chị em mình và mẹ mình không còn khóc trong sợ hãi.

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con