Làm việc và cống hiến là điều quá đỗi xa vời?

(Dân trí) - Tấm bằng đại học hiện đang bị nhiều cử nhân “xếp xó”. Áp lực công việc, nề nếp tập thể, ảo tưởng về bản thân cùng nhiều ràng buộc vô hình với công việc chẳng có sức hấp dẫn gì với các cử nhân quen được nuông chiều, quen được cung phụng và quen ăn chơi.

Thực trạng cử nhân ra trường thất nghiệp không còn xa lạ gì trong những năm gần đây. Thất nghiệp đồng nghĩa với tấm bằng đại học phải treo lên. Nhưng thất nghiệp không đồng nghĩa với nhàn rỗi rong chơi bởi nhu cầu cuộc sống đang đòi hỏi từng ngày. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng làm trái nghề ở các khu công nghiệp, bôn ba với đủ nghề phụ hồ, giúp việc nhà… Đó là một lựa chọn khá khôn ngoan.

Hạnh phúc đơn giản là có một công việc để nuôi sống bản thân và đỡ đần cho người thân. Khi làm việc, ta sẽ bị cuốn vào guồng quay của công việc, gặp khó khăn biết phấn đấu vươn lên, gặp thành công sẽ mỉm cười bước tiếp. Đó là động lực cho cuộc sống ý nghĩa hơn.

Bản thân tôi thấy nhiều bạn trẻ bây giờ sung sướng và thoải mái hơn chúng tôi hồi trước nhiều. Cách đây hơn chục năm về trước, sinh viên chúng tôi vẫn lóc cóc xe đạp đến giảng đường. Cả một lớp chỉ có khoảng vài chiếc xe máy không hề đắt tiền. Tiền chu cấp của bố mẹ phải tính toán chi li từng bó rau, con cá. Rồi loay hoay làm thêm để có tiền trang trải, từ công việc nhàn nhã là gia sư đến việc tất bật chân tay như chạy bàn các quán café, phát tờ rơi,… Nhưng chúng tôi học tập một cách nghiêm túc, cạnh tranh nhau từng điểm số và không hề cảm thấy nuối tiếc gì về quãng thời gian phấn đấu trên giảng đường.

Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đại học và chúng tôi luôn xác định một tư tưởng phải xin việc, phải làm việc. Một số may mắn có bố mẹ hỗ trợ nên xin việc khá dễ dàng. Một số vác hồ sơ đi gõ cửa khắp nơi và tự thân tìm được chỗ đứng. Số còn lại sau 2, 3 năm không xin việc đúng ngành nghề buộc phải chuyển hướng làm trái nghề. Rồi một quá trình phấn đấu, tích lũy, mua dần từ chiếc xe máy đến cái máy tính,…

Giờ đây, bên cạnh những sinh viên xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn đang bươn chải với cuộc sống thì một bộ phận không nhỏ sinh viên lại có cuộc sống khá đầy đủ, sung túc. Vừa có tin đậu đại học, bố mẹ đã sắm sửa xe đẹp và các trang thiết bị điện tử hiện đại nhất cho việc học tập của con em: laptop, ipad, smart phone,… Và chu toàn cả một phòng trọ đầy đủ tiện nghi với sự viện trợ liên tục từ gia đình.

Không hề phải bận tâm lo toan cho nhu cầu cuộc sống, các bạn ấy thoải mái ăn học. Nhưng hiển nhiên là có rất nhiều sinh viên mải chơi quên mất nhiệm vụ học tập trên ghế giảng đường. Rồi nợ bằng, rồi thi lại và dăm lần bảy lượt trầy trật cũng tốt nghiệp ra trường. Tấm bằng đại học bị nhiều cử nhân “xếp xó”. Mặc cho bố mẹ hao tiền tốn công xin cho một chỗ làm tử tế, nhưng làm được ít buổi lại bỏ ngang. Áp lực công việc, nề nếp tập thể, ảo tưởng về bản thân cùng nhiều ràng buộc vô hình với công việc chẳng có sức hấp dẫn gì với các cử nhân quen được nuông chiều, quen được cung phụng và quen ăn chơi.

Vẫn biết tâm lí của bố mẹ vẫn luôn là yêu thương và chăm lo cho con đầy đủ nhất có thể. Dù dư dả hay không thì vẫn cố gắng để con bằng bạn bằng bè. Nhưng phải chăng chính điều đó đã đẩy rất nhiều bạn trẻ vào lối sống hưởng thụ? Làm việc và cống hiến sức mình là những điều quá đỗi xa vời trong tâm trí của một bộ phận giới trẻ?

Tôi không hề cổ vũ cho cuộc sống khó khăn, không hề cổ xúy cho tư tưởng hoài cổ. Nhưng trong khó khăn, con người sẽ biết quí giá trị đồng tiền từ giọt mồ hôi của bố mẹ và trân quí hơn, nỗ lực hơn cho công việc hiện tại. Làm việc và cống hiến, đó luôn là ý nghĩa của cuộc sống.

Thanh Ny

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Cử nhân thất nghiệp