Không nên có chức danh giáo sư, phó giáo sư vĩnh viễn

(Dân trí) - Phó giáo sư (PGS), Giáo sư (GS) là các chức danh. Chức danh chỉ dùng để nghiên cứu và công bố, khi hết nghiên cứu và công bố thì trả lại chức, chỉ còn chức danh dự. Đã là chức thì nên có nhiệm kỳ, có thời hạn chứ không nên có chức vĩnh viễn.

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Sum, trường ĐH Quy Nhơn góp ý cho dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.


PGS.TS Nguyễn Sum cho rằng, nếu thực hiện công nhận các chức danh như trong dự thảo là thực hiện theo cách nâng dần tiêu chuẩn theo từng năm cho đến năm 2020, thì đây là cách làm không nghiêm túc, đùa cợt với các chức danh cao quý của Nhà Nước, chưa thực chất trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng của các chức danh.

PGS.TS Nguyễn Sum cho rằng, nếu thực hiện công nhận các chức danh như trong dự thảo là thực hiện theo cách nâng dần tiêu chuẩn theo từng năm cho đến năm 2020, thì đây là cách làm không nghiêm túc, đùa cợt với các chức danh cao quý của Nhà Nước, chưa thực chất trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng của các chức danh.

Nên quy định chất lượng ở các bài báo quốc tế

Đối với tiêu chuẩn về công bố quốc tế, PGS.TS Nguyễn Sum cho rằng, quy định về tiêu chuẩn công bố quốc tế trong dự thảo còn quá khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng, nhất là đối với Khối Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật. Tiêu chuẩn này có thể tăng thêm số lượng hoặc chất lượng.

Đối với tiêu chuẩn Giáo sư nếu chỉ yêu cầu số lượng ít nhất là 3 bài ISI, SCOPUS thì chất lượng quá thấp, do đó nên quy định chất lượng cao hơn: trong số các bài công bố quốc tế, phải là tác giả chính của ít nhất 1 hoặc 2 bài ISI có chất lượng Q1 ngoài các bài SCOPUS nhưng không ISI hoặc bài ISI nhưng chất lượng còn thấp.

Nên quy định tương tự như vậy đối với PGS. Một người mà có đóng góp về khoa học không đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng như trên thì không xứng đáng là GS, nó còn quá thấp chưa tương xứng với tiêu chuẩn PGS so với chuẩn mực quốc tế.

Tiêu chuẩn ngoại ngữ không hợp lý

PGS.TS Nguyễn Sum cho biết, quy định ngoại ngữ trong bản Dự thảo là “ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn” nhưng các điều kiện được quy định không phân biệt gì so với “ngoại ngữ thông thường” để xét được đi học ở nước ngoài.

Quy định về “ngoại ngữ để phục vụ cho công tác chuyên môn” là để viết bài công bố quốc tế nhưng trong Dự thảo lại “né tránh” yêu cầu về số lượng bài công bố quốc tế mà yêu cầu cao về “nghe, nói ngoại ngữ” là không hợp lý.

Theo PGS.TS Nguyễn Sum cách đúng đắn nhất và thực tế nhất để xác định “sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn” là dựa vào chính các sản phẩm được tạo ra bởi quá trình sử dụng thành thạo ngoại ngữ đó, tức là dựa vào số lượng các bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín mà họ là tác giả chính (bài 1 tác giả hoặc “first author” hoặc “corresponding author”) và sách được chính họ viết bằng tiếng nước ngoài và được xuất bản bởi nhà xuất bản có uy tín.

Cách làm này minh bạch, đúng với “chuyên môn” và không cần phân biệt họ học ở đâu. Nếu điều kiện về sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được thì các điều kiện “có chứng chỉ ngoại ngữ” hoặc “học ở nước ngoài” được đưa ra chỉ để xét vớt.

"Đối với những người đã đạt thành tích cao về “công bố quốc tế” thì các yêu cầu về ngoại ngữ như trong Dự thảo là không cần thiết, nó chỉ phát sinh ra tiêu cực" - PGS.TS Nguyễn Sum nhấn mạnh.

Công nhận tiêu chuẩn, tránh "đánh bùn sang ao"

PGS.TS Nguyễn Sum cho rằng, nếu thực hiện công nhận các chức danh như trong dự thảo là thực hiện theo cách nâng dần tiêu chuẩn theo từng năm cho đến năm 2020, thì đây là cách làm không nghiêm túc, đùa cợt với các chức danh cao quý của Nhà Nước, chưa thực chất trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng của các chức danh.

Quy định các tiêu chuẩn chính về chuyên môn như tiêu chuẩn về công bố quốc tế thì “kéo thấp xuống đất”, các tiêu chuẩn về đào tạo thì chỉ cần đếm số lượng, không cần quan tâm đến chất lượng; tiêu chuẩn phụ là ngoại ngữ thì “đưa lên trên trời” mà không dựa vào cơ sở nào.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Sum đề xuất, nên đưa ra 1 bộ tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả các đợt xét từ năm 2017 trở về sau đều tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, các đợt xét từ năm 2017 đến năm 2019, do chưa chuẩn bị kịp nên một số người chưa đáp ứng được thì tạm thời công nhận cho họ, nhưng họ phải nợ tiêu chuẩn và quy định thời gian trả nợ (chẳng hạn, tiêu chuẩn đối với GS về công bố quốc tế đến năm 2019 là 3 bài báo ISI, SCOPUS đối với khối ngành KHTN&KT, nhưng năm 2017, 2018 tạm thời xét công nhận với 2 bài, nợ 1 bài và sau 5 năm phải trả nợ cho đủ, nếu trả nợ đúng hạn thì công nhận chính thức, nếu không trả được thì rõ ràng không hoàn thành nhiệm vụ đối với chức danh nên miễn nhiệm chức danh).

"Một GS trong vòng 5 năm mà không công bố được 1 bài báo khoa học với chất lượng chỉ cỡ SCOPUS để trả nợ thì có hoàn thành nhiệm vụ “nghiên cứu khoa học” đã quy định hay không? Có còn xứng đáng với chức danh hay không? Việc làm này cần minh bạch, không nên làm theo kiểu “đánh bùn sang ao” như quy định trong Dự thảo" - PGS.TS Nguyễn Sum nhấn mạnh.

Khi hết nghiên cứu và công bố thì trả lại chức danh GS,PGS

PGS.TS Nguyễn Sum nhận định, thấy PGS, GS là các chức danh. Chức danh chỉ dùng để nghiên cứu và công bố, khi hết nghiên cứu và công bố thì trả lại chức, chỉ còn chức danh dự. Đã là chức thì nên có nhiệm kỳ, có thời hạn chứ không nên có chức vĩnh viễn.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Sum kiến nghị nên có nhiệm kỳ cho các chức danh. Hết nhiệm kỳ, thì căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chức danh để công nhận thêm nhiệm kỳ khác. Nếu không hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ đã quy định thì nên miễn nhiệm, không xứng đáng giữ chức danh đó. Việc làm này sẽ loại bỏ được một số người đã có chức danh nhưng chỉ dùng nó để xưng hô và giới thiệu chứ không làm tròn trách nhiệm.

PGS.TS Nguyễn Sum cũng tán thành với đề xuất của nhiều ý kiến chuyên gia khác là cần công khai lý lịch khoa học của tất cả các GS, PGS trên website của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà Nước mà mỗi người có chức danh được cấp một tài khoản riêng để tự cập nhật thành tích nghiên cứu khoa học của mình. Đây cũng là cơ sở để Hội đồng CDGSNN miễn nhiệm hoặc công nhận chức danh của nhiệm kỳ tiếp theo.

Bởi theo PGS.TS Nguyễn Sum, sau khi ban hành Quy định về bộ tiêu chuẩn mới này thì chắc chắn có một số không nhỏ những người đã được công nhận chức danh nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn mới của PGS, ngay cả người đó là GS.

Theo Quy định, người có chức danh có nhiệm vụ: “Nghiên cứu khoa học và tổ chức nghiên cứu khoa học”. Do đó, nên có quy định đến thời hạn nào đó những người đã được công nhận chức danh phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mới về nghiên cứu khoa học (ít nhất là số người được công nhận chức danh từ thời điểm nào đó trở về sau và đang còn thời gian công tác). Tình trạng như hiện nay, cứ được công nhận là xong, sau đó chẳng ai quan tâm là họ có hoàn thành nhiệm vụ hay không? họ sử dụng chức danh đó để làm gì?

Nên bỏ Hội đồng chức danh cấp cơ sở

PGS.TS Nguyễn Sum cũng ủng hộ ý kiến bỏ Hội đồng chức danh cấp cơ sở. Bởi theo ông, nếu vẫn giữ 3 cấp thì chỉ thành lập Hội đồng cấp cở sở đối với các cơ sở có đủ điều kiện: tất cả các thành viên của Hội đồng đều đáp ứng được ít nhất là tiêu chuẩn mới của PGS.

Đối với hội đồng ngành thì các GS tham gia Hội đồng phải đạt tiêu chuẩn mới của GS (chủ yếu là công bố quốc tế), nếu không đủ thì đề nghị đưa vào Hội đồng các PGS nhưng đã có thành tích công bố vượt trội so với tiêu chuẩn của GS.

"Với mong muốn Hội đồng CDGSNN có một bộ tiêu chuẩn chất lượng tốt, các quy định phù hợp và sát với thực tiễn, không nên có những quy định theo kiểu “từ trên trời rơi xuống” mà chẳng dựa vào cơ sở thực tiễn nào, để không công nhận nhầm những người còn kém cỏi, cũng không bỏ sót những người xứng đáng và hạn chế tiêu cực trong quá trình xét " - PGS.TS Nguyễn Sum nhấn mạnh.

Hồng Hạnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm