Viện Toán học kiến nghị bỏ nhiều quy định để nâng chuẩn giáo sư, phó giáo sư

(Dân trí) - Trong bản góp ý gửi đến ban soạn thảo, Bộ GD-ĐT và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước về dự thảo quyết định ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, Viện Toán học Việt Nam đã đề nghị bỏ nhiều quy định làm cản trở nhiều nhà khoa học trẻ.


Từ năm 1980 đến 2015, cả nước có 11.619 GS, PGS. Riêng năm 2016 có thêm 703 GS và PGS.

Từ năm 1980 đến 2015, cả nước có 11.619 GS, PGS. Riêng năm 2016 có thêm 703 GS và PGS.

Viện Toán học Việt Nam khẳng định việc ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) và được sửa đổi, bổ sung theo từng giai đoạn là việc cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và các nhà khoa học.

Viện Toán học cho rằng, ở các nước khoa học tiên tiến, cho dù việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư hoàn toàn do trường tự chủ (như Mỹ, Anh, Đức, …) hay có sự kiểm soát nhà nước (như Italia, Pháp, Tây Ban Nha, …), người ta về cơ bản chỉ chú ý tới chất lượng khoa học, năng lực và kinh nghiệm sư phạm; chỉ trong trường hợp hiếm hoi mới lưu ý thêm về đóng góp khác, trong đó có đóng góp về đào tạo. Cũng có thể họ có những qui định, hướng dẫn nội bộ cho từng hội đồng, nhưng không thể tìm ra một bộ quy định công bố công khai nào. Ở những nước đó, ý kiến của chuyên gia hoàn toàn quyết định.

Do trình độ khoa học ở nước ta còn hạn chế, việc áp dụng máy móc thông lệ đó dễ gây đến sự lạm dụng, bè phái, … không chỉ không khuyến khích được nhân tài, mà đôi khi còn dẫn đến xu hướng ngược lại. Tựu trung lại là kìm hãm phát triển khoa học và đào tạo.

Chính nhờ các qui định được ban hành công khai từ năm 2001 đến nay, mà tuổi đời khi được phong của các giáo sư và phó giáo sư ngày càng được hạ thấp, khuyến khích thế hệ trẻ dấn thân vào khoa học.

Vì vậy, trong một thời gian nhất định nữa, không thể vì một số tồn tại xảy ra trong công tác phong chức danh giáo sư, phó giáo sư, mà bỏ các bộ tiêu chuẩn thống nhất.

Theo đó, điểm mới nhất trong Dự thảo Quyết định lần này là việc phân chia nhóm ngành khoa học. Trên cơ sở đó mới có điều kiện đưa vào yêu cầu mới về nâng cao chất lượng là các bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, mà đặc biệt là các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus. Đây là điều cần kiên trì duy trì và cải tiến tiếp.

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm khác thường so với thông lệ quốc tế, đã được ban hành trong các bản quyết định từ trước tới nay, chưa được sửa đổi.

Vì vậy Viện Toán học kiến nghị: Tách Khoa học Tự nhiên thành một nhóm ngành riêng; Trên cơ sở có các nhóm ngành tương đối gần nhau, đặt ra các tiêu chuẩn riêng rẽ, phù hợp cho từng nhóm ngành đó với phương châm

Viện Toán học kiến nghị cho nhóm ngành Khoa học Tự nhiên là: Bỏ yêu cầu viết sách; Bỏ yêu cầu bắt buộc hướng dẫn Nghiên cứu sinh, thạc sĩ; Bỏ yêu cầu chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo; Bỏ yêu cầu về tính liên tục của quá trình đào tạo; nâng cao tiêu chuẩn PGS, GS; yêu cầu cụ thể đối với ủy viên hội đồng ngành...

tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Viết sách: Vô hình trung cổ vũ cho việc viết sách kém chất lượng

Về kiến nghị bỏ yêu cầu viết sách, Hội Toán học cho rằng, khó mà tìm được nơi nào trên thế giới lấy việc viết sách làm tiêu chí để đánh giá năng lực của các nhà khoa học trong nhóm ngành Khoa học Tự nhiên.

Đưa tiêu chí sách thành bắt buộc đối với các nhà khoa học thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên vô hình trung cổ vũ cho việc viết sách kém chất lượng, cổ vũ cho việc gian dối, gây cản trở cho những nhà khoa học chân chính (rất giỏi, nhưng kiên quyết không viết sách chỉ vì mục đích phong học hàm).

Nói một cách công bằng, việc xuất bản của nhiều tạp chí khoa học, trừ những tạp chí được hỗ trợ tài chính, cũng lấy tiêu chí lợi nhuận làm động cơ. Vì lợi nhuận, cũng như những lí do phi khoa học khác mà xuất hiện nhan nhản những tạp chí kém chất lượng, tạp chí rởm. Điều này không còn lạ gì đối với các cơ quan quản lí khoa học.

Vì vậy, càng ngày càng đưa ra qui định nhằm xóa bỏ các “công trình” kém giá trị như: yêu cầu phải đăng trên tạp chí quốc tế, hay thậm chí cao hơn, trên các tạp chí Scopus, ISI, trước khi giao cho các hội đồng quyền lí thuyết chấm điểm dựa trên chất lượng của công trình cụ thể (chúng tôi thêm hai chữ “lí thuyết”, vì ít khi các bài báo được chấm điểm theo nội dung, mà thường theo mác của tạp chí). Tuy không thực sự khoa học, nhưng nó giảm bớt sự tùy tiện của các hội đồng, và đây là xu hướng đáng hoan nghênh.

Như vậy, nếu cứ cố tình giữ yêu cầu về việc có đầu sách, tại sao không yêu cầu sách đó phải được NXB quốc tế có uy tín xuất bản? Nếu không yêu cầu như vậy, thì đưa tiêu chuẩn viết sách là bắt buộc còn là sự bất công ghê gớm: để có điểm qua việc viết một bài báo khoa học ISI rất vất vả, trong khi bằng các sách kém chất lượng thì quá dễ dàng. Rõ ràng ai cũng thấy yêu cầu sách xuất bản quốc tế là không khả thi, vì như vậy chẳng mấy người ở Việt Nam có thể được phong giáo sư. Viện Toán học cũng không đề xuất yêu cầu sách xuất bản quốc tế, đơn giản chỉ vì thông lệ quốc tế chẳng ai yêu cầu người xin ghế giáo sư Toán học phải có sách.

Yêu cầu hướng dẫn nghiên cứu sinh: Trái với thông lệ quốc tế

Viện Toán học cho rằng, đại đa số các trường trên các nước khoa học tiên tiến, không bao giờ đưa đòi hỏi đã hướng dẫn thành công nghiên cứu sinh làm tiêu chuẩn.

Không ai đánh giá trình độ khoa học của một nhà khoa học thông qua số lượng nghiên cứu sinh đào tạo được.

Hướng dẫn được một nghiên cứu sinh sau này thành nhà khoa học lớn, tất nhiên là niềm tự hào của người hướng dẫn, thậm chí hơn cả công trình của họ. Nhưng để hướng dẫn được học trò sau này trưởng thành như vậy, bản thân người hướng dẫn cũng phải là một nhà khoa học giỏi, thậm chí xuất sắc.

Do vậy, trong mọi trường hợp, thước đo trình độ của một nhà khoa học phải là các công bố của họ, chứ không thể là công lao đào tạo. Công lao đào tạo có thể xem là phần thưởng, được qui ra điểm, nhưng không nên xem là bắt buộc.

Theo Viện Toán học, đưa yêu cầu hướng dẫn NCS thành tiêu chuẩn bắt buộc không chỉ trái thông lệ quốc tế, mà còn có thể dẫn đến tình trạng đào tạo non, chẳng hạn cho trò đứng tên cùng cho nhanh được bảo vệ, hoặc cho trò bảo vệ khi nội dung luận án chưa thật tốt.

Thậm chí, kể cả khi có được nghiên cứu sinh giỏi, mà khi không bị áp lực cho “ra lò” sớm, thì người hướng dẫn có thể yêu cầu nghiên cứu sinh đó nghiên cứu vấn đề khó hơn, hoặc làm tốt hơn kết quả đã có. Theo hướng đó, sẽ có lợi cho trò và khoa học hơn.

Tương tự, yêu cầu hướng dẫn thạc sĩ đối với ứng viên phó giáo sư là không phù hợp. Hoàn toàn không có giá trị nào để đánh giá trình độ khoa học của người đào tạo. Nếu cho rằng không qui định như vậy sẽ không đủ người hướng dẫn luận văn thạc sĩ, thì có thể vận dụng qui định là giảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ do Cơ sở giáo dục yêu cầu – một xác nhận mà ai cũng phải có.

Viện Toán học dẫn chứng, trên thực tế xét phong học hàm ở Hội đồng cơ sở Viện Toán và ngành Toán, đã thấy hiện tượng đào tạo non và đào tạo tràn lan. Chắc chắn điều đó có ở nhiều hội đồng khác.


Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, số GS, PGS của nước ta so với thế giới còn khiêm tốn, chất lượng đội ngũ còn phải tiếp tục phấn đấu.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, số GS, PGS của nước ta so với thế giới còn khiêm tốn, chất lượng đội ngũ còn phải tiếp tục phấn đấu.

Rào cản đối với nhà khoa học trẻ

Viện Toán học cũng đề nghị bỏ yêu cầu về tính liên tục của quá trình đào tạo. Bởi việc qui định thâm niên đào tạo có thể là hợp lí, nhưng yêu cầu tính liên tục ba năm cuối là một rào cản không cần thiết và vô lí.

Việc làm này gây khó khăn cho những người đang ở nước ngoài, hay có thời gian công tác dài ở nước ngoài trở về. Viện Toán học cho biết, chỉ có những người thực sự giỏi mới được nước ngoài mời đến cộng tác nghiên cứu. Thời gian cộng tác càng dài, có nghĩa là người đó càng giỏi.

Đưa ra rào cản kĩ thuật này làm cho khá nhiều người trẻ, giỏi phải đắn đo quyết định có trở về nước làm việc không, hoặc đắn đo có nhận lời mời (ít khi có được) sang nước ngoài một thời gian làm việc để nâng cao trình độ.

Đó là chưa kể, ngay ở trong nước, có thể có những người khoa học rất giỏi nhưng hoạt động ở môi trường khác (kinh doanh, quản lí), vẫn thường xuyên tham gia giảng dạy, nhưng vì công việc chính của mình nên không thể liên tục.

Khi họ muốn chuyển sang làm công tác đào tạo thì phải chờ ba năm, mới hy vọng đăng kí GS, PGS. Tất nhiên yếu tố đó sẽ làm họ phải cân nhắc hơn nhiều.

Giáo sư phải có ít nhất 8 bài ISI

Viện Toán học cho rằng, học hàm phó giáo sư cao hơn một bậc so với học vị tiến sĩ (cho dù học vị và học hàm là hai hệ thống độc lập nhau). Hiện nay nhiều cơ sở đào tạo đã yêu cầu luận án trong nhóm ngành Khoa học tự nhiên phải có 1-2 bài báo ISI. Vậy thì yêu cầu đối với PGS ít nhất phải gấp đôi, tức là nên nâng lên thành 4 bài ISI.

GS không phải là hai lần PGS, nên việc qui định ít nhất có 8 bài ISI không có gì là quá đáng.

"Chúng ta cũng không nên quá khích bằng cách nâng cao hơn nữa số bài, vì như toàn bộ thảo luận trong văn bản này đã nêu rõ: thông tin về số lượng chỉ mang tính tham khảo, còn chất lượng mới mang tính quyết định. Chạy đua về số lượng đương nhiên làm ảnh hưởng đến chất lượng" - Viện Toán học nhấn mạnh.

Yêu cầu cụ thể đối với ủy viên Hội đồng ngành

Quan điểm của Viện Toán là bất kì việc đánh giá khoa học nào thì đều phải dựa trên ý kiến các chuyên gia.

“Các qui định về số lượng chỉ là bước sơ tuyển, theo ngôn ngữ Toán học, chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ chính là ý kiến của các chuyên gia. Trong việc phong học hàm, điều kiện này được thể hiện ở số phiếu tán thành của các ủy viên. Đây là điều đúng đắn, thậm chí theo thông lệ quốc tế, là tiêu chuẩn quan trọng nhất”.

Chính vì là tiêu chuẩn quan trọng nhất, mà chất lượng thành viên Hội đồng đóng vai trò then chốt. Theo Viện Toán, thành phần chủ yếu của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phải cấu thành từ các Chủ tịch (hoặc Phó chủ tịch) Hội đồng Chức danh Giáo sư Ngành thì mới có cái nhìn bao quát, mới có cơ hội tạo ra sự thống nhất nào đó giữa các ngành. Bởi vậy, chất lượng thành viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Ngành là quan trọng nhất.

Vì vậy, Viện kiến nghị giải pháp: kết hợp yêu cầu “Có uy tín chuyên môn và khoa học cao, là nhà khoa học đầu ngành thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhiệm” trong dự thảo, với yêu cầu: “Đối với nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, có trên 50% số thành viên Hội đồng có ít nhất 8 bài báo đăng trên các tạp chí ISI, trong đó có ít nhất 3 bài đăng trên các tạp chí ISI trong 10 năm cuối”.

Hồng Hạnh

Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả có thể gửi tin, bài về hộp thư Ban Giáo dục - Báo Dân trí theo địa chỉ: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!