Phong hàm GS, PGS tại Mỹ: Phải có thư giới thiệu của các chuyên gia quốc tế

(Dân trí) - Theo GS. Phạm Quang Hưng (Đại học Virginia, Hoa Kỳ), một ứng cử viên muốn xét phong hàm GS, PGS ở Mỹ cần có tối thiểu 10 lá thư giới thiệu, những lá thư này phải do các chuyên gia quốc tế viết.

Các đại học ở Mỹ có hội đồng cơ sở để xét, tuyển vị trí PGS, GS cho trường mình. Ngoài đánh giá hồ sơ dựa trên bài báo khoa học thì thư giới thiệu là một tiêu chí cực kỳ quan trọng.

Quy trình phong hàm GS, PGS ở Mỹ xuất phát từ khoa. Hội đồng khoa sẽ duyệt hồ sơ và đánh giá ứng viên cho vị trí GS, PGS dựa trên những bài báo, thư giới thiệu và quá trình giảng dạy. Nếu hội đồng khoa chấp thuận hồ sơ thì sẽ thông báo để tất cả các thành viên khoa bỏ phiếu tín nhiệm.

Khi một hồ sơ lọt vòng hội đồng khoa sẽ được chuyển tiếp đến hội đồng của toàn trường đại học. Thường thì những ngành khoa học tự nhiên, nếu khoa chấp thuận rồi thì phần lớn là hội đồng của trường đại học cũng sẽ xét công nhận phong hàm. Những trường hợp không được chấp thuận cũng có nhưng rất hiếm.

Tiếp theo, trưởng khoa sẽ gửi hồ sơ của các ứng cử viên đã được hội đồng trường ĐH chấp nhận lên Board of Trustees (Hội đồng quản trị), đây là vòng xét duyệt mang tính hình thức cuối cùng.

Trong quy trình đó, GS Phạm Quang Hưng đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thư giới thiệu từ những chuyên gia quốc tế.

“Một ứng cử viên muốn xét phong hàm GS, PGS ở Mỹ cần có tối thiểu 10 lá thư giới thiệu. Những thư này phải do các chuyên gia quốc tế viết, qua đó hội đồng có thể đánh giá tầm ảnh hưởng của ứng cứ viên trong ngành người đó theo đuổi. Nếu trong số thư đó chỉ cần có một thư không tốt thì hồ sơ của ứng viên có thể coi như là… đi đời rồi”, GS Phạm Quang Hưng cho hay.


Một ứng cử viên cho vị trí GS, PGS ở Mỹ phải có tối thiểu 10 thư giới thiệu từ chuyên gia quốc tế (Ảnh minh họa: zdnet.com)

Một ứng cử viên cho vị trí GS, PGS ở Mỹ phải có tối thiểu 10 thư giới thiệu từ chuyên gia quốc tế (Ảnh minh họa: zdnet.com)

Ngoài hai yếu tố trên thì chất lượng dạy học cũng được xem xét nhưng chỉ chiếm một phần khiêm tốn.

“Ở Việt Nam thì có lẽ khó thực hiện được tiêu chí tối thiểu 10 thư giới thiệu vì nhiều lý do. Nhưng theo tôi nghĩ thì tốt nhất là phải có ít nhất 3 thư giới thiệu của chuyên gia nước ngoài. Trong đó ứng cử viên có thể đề nghị tên một, hai chuyên gia quốc tế và hội đồng đề nghị tên của người còn lại viết thư đánh giá/ giới thiệu. Ở Đài Loan họ cũng làm như vậy”, GS Hưng đề xuất.

Theo GS Phạm Quang Hưng, muốn nâng chuẩn hàm GS, PGS thì hai yếu tố quan trọng nhất cần chú trọng đánh giá là chất lượng bài báo khoa học và thư giới thiệu. Tiêu chí thư giới thiệu từ chuyên gia quốc tế sẽ là tiêu chí đòi hỏi ứng viên tăng cường giao lưu quốc tế, nghiên cứu quốc tế…

Ông Hưng đề xuất thêm “trong hội đồng thẩm định GS, PGS nhà nước có lẽ nên có các nhà khoa học/ học giả Việt kiều tham gia để thêm một luồng gió mới trong việc nâng chuẩn chức danh GS, PGS”.

Lệ Thu (ghi)