Không cần thiết phải có Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước

(Dân trí) - TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, không cần thiết phải có Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước với chức năng nhiệm vụ và hoạt động như hiện nay.


TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Trong bài viết về hệ thống giáo dục mở, đối với vấn đề tự chủ đại học, trong đó tự chủ nhân sự, TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, các trường phải được tự chọn và quyết định về giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ, tự phong giáo sư, phó giáo sư theo quy định khung của nhà nước.

Giáo sư là người làm công việc giảng dạy, không phải là một chức vụ nhà nước, không phong cho những người làm lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đoàn thể, nếu họ không đủ giờ đứng lớp. Giáo sư, phó giáo sư là của trường đại học nào, chứ không phải chung chung của quốc gia.

Khi nghỉ dạy hoặc chuyển công tác sang lĩnh vực khác thì không còn giáo sư như trước nữa (chỉ là nguyên giáo sư của trường nào đó).

“Nhà nước quy định tiêu chí và quản lý số lượng giáo sư của từng trường theo quy mô, còn việc phong giáo sư cho ai là do tập thể nhà trường, không cần thiết phải có Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước với chức năng nhiệm vụ và hoạt động như hiện nay.

Từ trường này chuyển sang giảng dạy ở trường khác thì trường mới sẽ xem xét lại việc có phong hay không học hàm giáo sư, phó giáo sư” – TS Hoàng nhấn mạnh.

Về xây dựng hệ thống giáo dục mở, theo TS Hoàng là một trong hai vấn đề cơ bản và lớn nhất, giá trị cốt lõi trong Nghị quyết 29 của BCH.TW (khóa XI) về “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục nước nhà. Lựa chọn hệ thống giáo dục mở là quan điểm rất đúng đắn.

Theo lý thuyết hệ thống, kể cả đối với thế giới tự nhiên, xã hội và con người, thì chỉ có hệ thống mở mới có sức sống, không bị xơ cứng, thoái hóa và lạc hậu khi thời gian đi qua.

Với các hệ thống đóng kín, khép kín, không mở, thì trước sau gì tất yếu cũng sẽ thoái hóa, sẽ lạc hậu, vì nó không được thường xuyên trao đổi chất, trao đổi thông tin với thế giới bên ngoài đang thay đổi từng giờ, nhất là trong thời đại ngày nay, khi mà sự biến đổi của thế giới vật chất và tư duy của con người đang hết sức nhanh chóng.

Hồng Hạnh