Dự thảo Luật Giáo dục đại học: 6 điểm mới đột phá về cơ chế, chính sách
(Dân trí) - Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã đưa ra sự đột phá về cơ chế, chính sách, gỡ bỏ những “nút thắt” cảm trở giáo dục đại học phát triển.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa ra thảo luận lấy ý kiến.
6 điểm mới căn bản trong dự thảo Luật Giáo dục đại học mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Cụ thể:
Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học
Đây là chính sách lớn nhất thể hiện trong Dự thảo Luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát huy tối đa nội lực, tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế. Cụ thể như sau:
Về tự chủ trong hoạt động chuyên môn: Các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành, tự chủ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học - công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các cơ sở GDĐH.
Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự đảm bảo để Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn Hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên và tiêu chuẩn cac chức danh quản lý. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do Hội đồng quản trị quyết định (bỏ quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận).
Tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định về nếu không sử dụng ngân sách, cơ sở GDĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.
Để nâng cao hiệu quả tự chủ, cơ sở GDĐH phải công khai, minh bạch về các điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng thực tế trong các hoạt động; có trách nhiệm giải trình về các hoạt động của mình về việc thực hiện các chuẩn chất lượng, thực hiện cam kết với người học và các bên liên quan.
Đổi mới quản trị đại học
Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ, quy định Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của Hội đồng trường.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục, bổ sung quy định về bộ máy quản lý theo tiêu chí chủ sở hữu để vận dụng mô hình quản trị doanh nghiệp; Thực hiện bình đẳng trường công và trường tư, bổ sung các quy định phù hợp để khuyến khích đầu tư, phát triển các trường tư thục.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, dự thảo quy định cơ chế quản trị tiệm cận với xu hướng quốc tế, không có Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị quyết định theo cơ chế phổ thông, đầu phiếu, không theo cơ chế đối vốn… để tương đồng với mục đích không vì lợi nhuận và phân biệt rõ với cơ chế quản trị của trường đại học tư thục khác.
Đổi mới quản lý đào tạo
Dự thảo Luật xây dựng một số chuẩn chất lượng cho GDĐH như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH… làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới.
Dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định về hình thức đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian, chương trình, tổ chức và quản lý đào tạo, văn bằng chứng chỉ đối với lĩnh vực sức khoẻ và một số lĩnh vực chuyên môn đặc thù.
Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học
Trước hết, Dự thảo Luật quy định các loại cơ sở đào tạo trong hệ thống GDĐH gồm: đại học, trường đại học (bao trường đại học, học viện) với các tiêu chí đặc trưng:
Đại học phải là cơ sở GDĐH đào tạo đa lĩnh vực, đào tạo đến trình độ tiến sĩ, bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên và/hoặc các trường chuyên ngành. Các cơ sở GDĐH ngoài công lập cũng có thể trở thành đại học nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.
Trường đại học, học viện là chế định chung, học viện là một loại trường đại học, để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Dự thảo tiếp cận việc quản lý Nhà nước theo hướng: cơ quan quản lý nhà nước tập trung quy định chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng, tạo hành lang pháp lý cho GDĐH. Cụ thể: quy định về quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH theo Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 19-NQ/TW; quy định việc phân loại, xếp hạng các cơ sở GDĐH theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam; quy định rõ các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo và cấp văn bằng, kiểm định chất lượng… để các trường tự chủ thực hiện, yêu cầu minh bạch thông tin, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong GDĐH.
Sửa đổi quy định về giảng viên theo hướng đảm bảo chuẩn chất lượng, giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH trong việc bổ nhiệm, suy tôn các chức danh giảng viên.
Dự thảo đã quy định việc xây dựng chính sách thu hút và đãi ngộ giảng viên, quy định tỷ lệ cụ thể của giảng viên tham gia Hội đồng trường công lập và đại diện giảng viên tham gia Ban kiểm soát của trường tư thục để phát huy năng lực của đội ngũ giảng viên, thực hiện dân chủ trong tự chủ, quy định việc thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng giảng viên; giữ quy định về chuẩn giảng viên đại học và giữ 5 chức danh nghề nghiệp của giảng viên theo xu hướng quốc tế (trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư), không phụ thuộc vào chức danh viên chức để thực hiện bình đẳng giữa giảng viên trường công và trường tư; quy định trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ.
Việc giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH trong việc bổ nhiệm, suy tôn các chức danh giảng viên được thể hiện tại quy định: giảng viên đạt chuẩn chức danh theo quy định thì được hiệu trưởng bổ nhiệm chức danh giảng viên theo quy định.
Cơ sở đào tạo còn được tự chủ trong việc: quy định các tiêu chuẩn đối với giảng viên quy định cơ chế chính sách sử dụng, đãi ngộ để tuyển chọn, thu hút giảng viên, đặc biệt là giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học .
Các quy định trên vừa đáp ứng được cơ chế tự chủ của các trường đồng thời vừa đảm bảo tính thống nhất theo các chuẩn mực chung về chất lượng giảng viên trong toàn hệ thống, tạo cơ sở để quy định chế độ chính sách đối với giảng viên và sự suy tôn của xã hội đối với giảng viên, tránh tình trạng có cơ sở đào tạo bổ nhiệm, phong chức danh giảng viên chưa đạt chuẩn để tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Về tài chính, tài sản trong GDĐH
Đối với nhà nước, ngân sách để dùng để đầu tư, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành, vùng đặc thù để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; có cơ chế phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả.
Các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện thì Nhà nước quy định khung giá/ giá cụ thể. Các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước thì cơ sở GDĐH xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật, công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.
Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động được quyết định đầu tư các dự án sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ…
Tài sản của cơ sở giáo dục đại học công lập được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công; cơ sở được tự chủ sử dụng một phần tài sản vào kinh doanh, cho thuê, liên kết nhằm mục đích phát triển giáo dục đại học, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển theo quy định của Chính phủ.
Cơ sở GDĐH ngoài công lập: Các trường tư thục cần để lại tối thiểu 25% chênh lệch thu chi để đầu tư phát triển trường nhưng không bắt buộc đưa vào khối tài sản chung không chia. Các trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận không được chia lãi theo thông lệ quốc tế; chênh lệch thu chi để đầu tư phát triển trường là tài sản chung hợp nhất không phân chia.
Tài sản chung hợp nhất không phân chia (gồm: tài sản được viện trợ, tài trợ, hiến tặng, cho tặng và tài sản khác được pháp luật quy định) thuộc sở hữu của cộng đồng nhà trường, do hội đồng quản trị đại diện quản lý, sử dụng vì mục đích phát triển trường và phục vụ lợi ích của cộng đồng, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.
Các cơ sở GDĐH được liên doanh, liên kết, thành lập doanh nghiệp... để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, phát triển dịch vụ đào tạo; phải thực hiện kiểm toán và công khai nguồn tài chính, việc sử dụng các nguồn tài chính theo quy định của pháp luật.
Nhật Hồng