Sửa đổi Luật Giáo dục Đại học: Phải rà soát toàn diện!
(Dân trí) - Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học lần này mà Bộ GD&ĐT đưa ra là rà soát toàn diện để gỡ bỏ các nút thắt nhằm phát triển giáo dục đại học, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học.
Lèo tèo trường thực hiện tự chủ
Năm 2012, Luật Giáo dục Đại học đầu tiên của Việt Nam được ban hành đã đặt nền móng pháp lý cho tự chủ đại học, theo đó, cơ sở giáo dục đại học đã được giao tự chủ trong một số quyền cơ bản: Xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và cấp bằng. Cơ sở giáo dục đại học được thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục…
Riêng về giao quyền tự chủ cho các trường đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP (NQ77 ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 trong các lĩnh vực: Tự chủ về đào tạo và nghiên cứu khoa học (tự chủ về học thuật); tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự; tự chủ về tài chính.
Tính đến tháng 9/2017, mới chỉ có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc các Bộ, ngành trung ương, gồm 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm (trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7/2017).
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá: Tuy thời gian thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 chưa dài nhưng các đơn vị được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.
Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và đảm bảo nguồn thu, được xã hội công nhận.
Trong giai đoạn này, một số trường đại học của Việt Nam đã có tên trong các bảng xếp hạng uy tín của Châu Á, trong đó, 5 trường lọt vào nhóm 350 trường đại học hàng đầu, tức là nằm trong nhóm 3% số trường đại học xuất sắc nhất của châu lục (theo bảng xếp hạng của Tổ chức QS, 2017). Cả nước có 100 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định giáo dục quốc tế, 4 trường ĐH đạt chuẩn kiểm định chất lượng châu Âu...
Tuy nhiên, đến nay, Luật đã bộc lộ rõ những điểm bất cập, cần chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình phát triển mới, đáp ứng nhu cầu dạy, học, bắt kịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Quan trọng hơn cả là Luật mới sẽ theo hướng tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam trên thực tiễn.
Sửa đổi hàng loạt bất cập
Trong điều kiện thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng, một số hạn chế cơ bản của Luật Giáo dục Đại học 2012 đã trở thành những “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học.
Cụ thể, Luật Giáo dục Đại học, Nghị định 16/NĐ-CP, Nghị quyết 77/NQ-CP đã có tác động đến sự phát triển của giáo dục đại học, nhất là các quy định về tự chủ, tạo hành lang lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chưa có nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP.
Đối với những cơ sở cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ theo chủ trương thí điểm, việc tự chủ cũng chưa thực sự đem lại hiệu quả. Trong đó, tự chủ chưa gắn với trách nhiệm giải trình, đổi mới quản trị đại học; tự chủ chưa được thực hiện đồng bộ trên phương diện như đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản.
Cơ sở giáo dục đại học còn bị quản lý có tính hành chính khá chặt chẽ, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Vì thế, tự chủ đại học chưa thực sự hiệu quả. Các quy định của Luật cũng chưa rõ về trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ sở giáo dục đại học
Hội đồng quản trị trong trường đại học ngoài công lập chưa được quy định rõ ràng nên thực tế hoạt động còn hình thức. Hội đồng trường chưa có thực quyền trong quyết định nhân sự hiệu trưởng và các vấn đề quan trọng của trường… Các quy định về tài chính, tài sản không phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học.
Mức học phí chưa được tính theo cơ chế định giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở đào tạo. Luật Giáo dục Đại học 2012 cũng chưa quy định quyền liên doanh, liên kết, hình thành doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học.
Cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ sở giáo dục đại học còn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra nên chưa phát huy được tính cạnh tranh giữa các trường đại học.
Các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế về tự chủ chuyên môn nên chưa phát huy được năng lực chủ động, sáng tạo của cơ sở đào tạo, đội ngũ các nhà khoa học trong đào tạo, khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao, tạo ra “đột phá chiến lược” để phát triển nền kinh tế đất nước.
Thêm vào đó, các quy định liên quan đến chương trình, tổ chức đào tạo, hình thức, phương thức, thời gian đào tạo, đơn vị đo kiến thức… chưa tương thích với nhau nên hạn chế trong liên thông và hội nhập quốc tế; hạn chế tính dịch chuyển của sinh viên và khả năng trao đổi về đào tạo liên quốc gia.
Các cơ sở đào tạo chưa được tự chủ cao trong mở ngành đào tạo, liên kết, hợp tác quốc tế để phát triển các chương trình liên kết, cải tiến các chương trình đào tạo tiệm cận chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Về quản lý nhà nước còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện tự chủ đại học. Trong đó, cơ cấu tổ chức, mô hình của các trường đại học quy định tại Luật chưa thật phù hợp với thông lệ quốc tế, làm ảnh hưởng quá trình hội nhập quốc tế đối với giáo dục đại học.
Việc quy định trong các đại học có các trường đại học thành viên có quyền tự chủ như các trường đại học khác làm cho bộ máy quản lý, quản trị chồng chéo, giảm hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, giảm mối liên kết và cộng hưởng sức mạnh giữa các trường trong đại học.
Quy định về phân tầng/phân loại, xếp hạng chưa phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới và điều kiện của Việt Nam, chưa rõ về vai trò của các chủ thể tham gia nên chưa thể triển khai thực hiện.
Để tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển thực sự, Dự thảo Luật được đề xuất sửa đổi 39/73 điều, chiếm 53% tổng số điều của Luật giáo dục đại học và bổ sung 2 điều; tập trung vào những những vấn đề vướng mắc nhất trong hoạt động giáo dục đại học hiện nay.
Đó là mở rộng phạm vi tự chủ đại học và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT, sửa đổi bổ sung Luật GDĐH phải đảm bảo rà soát toàn diện và chọn ra các điểm cần thiết để sửa đổi; đảm bảo tính thực tiễn, khả thi và hiệu quả; đảm bảo tính hệ thống và đồng bộ; tính hiện đại và hội nhập quốc tế… bám sát định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Việc sửa đổi cũng tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học của các nước tiên tiến trên thế giới để phát triển giáo dục đại học Việt Nam hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học là gỡ bỏ các nút thắt nhằm phát triển giáo dục đại học, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích thu hút các nguồn lực trong nước, quốc tế tham gia phát triển giáo dục đại học./.
Nhật Hồng