Lào Cai:

“Hồi ký” của cô giáo 9x xinh đẹp dạy học vùng cao

(Dân trí) - Ngày đầu đứng lớp, ngó lớp học siêu vẹo, bàn ghế ọp ẹp, học sinh lưa thưa, mặt đứa nào cũng lấm lem bùn đất… trong Tuyết dâng lên những cảm xúc khó tả.

Có không ít những cô giáo trẻ sau khi ra trường tìm về những vùng sâu vùng xa để dạy học cho những học sinh vùng cao.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có thể đứng vững được trên bục giảng ở những nơi thâm sơn cùng cốc ấy những cô giáo đã phải trải qua chuỗi ngày “đáng nhớ” khi lần đầu hòa mình vào cái khắc nghiệt của miền sơn cước.

Trong chuyến công tác vùng cao, chúng tôi tình cờ gặp cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tuyết (22 tuổi, sinh ra tại TP. Lào Cai), vốn là một cô gái sinh ra ở thành thị nhưng với lòng yêu nghề, sau khi ra trường, Tuyết quyết định xin về dạy học cho các em học sinh dân tộc ở Bát Xát (một huyện nghèo ở  tỉnh Lào Cai).

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tuyết bên các học sinh vùng cao của mình

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tuyết bên các học sinh vùng cao của mình

“Khi quyết định, mình run run mường tượng về cuộc sống thiếu điện, thiếu nước, thiếu sự ồn ào, náo nhiệt. Mẹ mình nói hãy cứ đứng trên bục giảng dạy những đứa trẻ dân tộc một lần rồi quyết định. Và mình làm theo”, Tuyết tâm sự.

Điểm dừng chân đầu đời của cô gái thành thị là trường Tiểu học Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Trên con đường 45km đến trường, Tuyết hoang mang khi quanh mình chỉ thấy ruộng nương vắng lặng, khí hậu khắc nghiệt, đường đá gập ghềnh. Tuyết lo lắng tự hỏi: “Đây là con đường mình sẽ đi làm sao? Sao đường lắm đá lởm chởm, khó đi thế? Sao xa thế, đi mãi chưa tới? Sao mãi mới có một nhà dân?...”.

Nhận nơi ở, Tuyết vẫn không tin đó là nhà của mình trong chuỗi ngày sắp tới. Đó giống như một túp lều xiêu vẹo, làm bằng nứa, xung quanh thủng lỗ chỗ, phải quây bằng những tấm bạt rách để chắn gió. Cửa nhà không thể đóng, chỉ có thể khép hờ rồi dùng thanh nứa chống. Tuần đầu tiên, vì chưa chuẩn bị được chăn ấm, Tuyết phải ngủ lạnh như ngoài trời.

Sân trường lầy lội vào những ngày trời mưa lớn

Sân trường lầy lội vào những ngày trời mưa lớn

Xung quanh phân hiệu trường của Tuyết không có nước, Tuyết và các thầy cô giáo khác phải ra suối, lấy nước vào can rồi “cõng” về dùng dần. Từ suối về bản cũng dài mấy km, đường đá khó đi. Nhìn các thầy, cô khác đi phăng phăng, Tuyết vừa phục vừa thương, bởi chắc chắn họ cũng đã phải bầm vai tím thịt như Tuyết trong suốt thời gian đầu rồi mới chai sạn được như vậy.

Ngày đầu đứng lớp, ngó lớp học xiêu vẹo, bàn ghế ọp ẹp, học sinh lưa thưa, mặt đứa nào cũng lấm lem bùn đất… trong Tuyết dâng lên những cảm xúc khó tả. Lần đầu tiên sau hơn một tuần sống tại Pa Cheo, Tuyết không còn nghĩ đến nỗi khổ của mình, mà thấy thương cho những đứa nhỏ H’Mông.


Cô giáo Tuyết trong trang phục Đoàn

Cô giáo Tuyết trong trang phục Đoàn

Tuyết chia sẻ rằng, trẻ em ở đây đi học bằng những cái bụng đói, đôi chân trần, vành môi thâm tím. Nhà xa, không thể về ăn trưa, các em đựng cơm vào những cái túi nilong đem tới lớp. Chúng cứ mặc mãi một bộ quần áo cho đến khi nó trở thành màu của bùn và đất.
 
Cô giáo trẻ không thể tin được, chỉ cách thành phố mấy chục cây số mà những con người nơi đây đã và đang phải trải qua cuộc sống khắc nghiệt, khó khăn và thiếu thốn đến vậy.

Các em học sinh được Tuyết dạy học đều là người dân tộc H'mông

Các em học sinh được Tuyết dạy học đều là người dân tộc H'mông

Các em học sinh cùng tham gia lao động công ích

Các em học sinh cùng tham gia lao động công ích

Ba tháng trôi qua, là thời gian quá ngắn để Tuyết hiểu được cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của những người dân nơi đây trong suốt những năm tháng qua, nhưng đủ để biết cô rõ được sự nhiệt huyết, yêu nghề, yêu người và những trăn trở của đồng nghiệp. Chính nghị lực của đồng nghiệp đã giúp cô có can đảm để cống hiến trọn cho hai từ “nhà giáo”.

Trường Tiểu học Pa Cheo, nơi cô giáo trẻ giảng dạy có 7 phân hiệu nhỏ và 420 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Tuyết cho biết, từ trung tâm xã đến bản xa nhất dài khoảng 20km, trong đó có 12km phải đi bộ xuyên rừng, đường đá lởm chởm khó đi. Do Pa Cheo có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao nên để đi vào được các thôn bản dạy học, các thầy cô phải di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ.

“Vậy mà hơn 10 năm nay, các thầy cô vẫn miệt mài sống và làm việc. Buổi sáng các cô lên trường từ rất sớm, nếu thấy thiếu học sinh lại lặn lội vào bản vận động. Có em đang ăn dở thì thầy cô bón cho ăn, có em đang làm dở thì thầy cô làm giúp cho nhanh xong rồi đưa đến trường”, Tuyết chia sẻ.

Từ việc muốn chạy trốn khỏi bản nghèo, Tuyết quyết định gắn bó và cống hiến cho nó. Điều đầu tiên Tuyết thay đổi là suy nghĩ, cô phải thừa nhận mình đã lớn, đã rời khỏi vòng tay gia đình bắt đầu cuộc sống độc lập. Điểm dừng chân đầu tiên là nơi núi rừng hẻo lánh, biết đâu đó chính là sự may mắn của một cô gái thành thị chưa từng biết tới cái nghèo, cái khổ.

Tuyết hòa vào cuộc sống của những người đồng nghiệp đi trước. Ban ngày Tuyết đến lớp dạy chữ, dạy học sinh múa hát, hoạt động đội… Tối đến, cô đi điều tra phổ cập, vận động trẻ em đến trường. Giờ rảnh, Tuyết cùng các thầy cô khác ra suối lấy nước về sinh hoạt, không quên hái những nhánh hoa rừng về trang trí căn phòng bằng nứa.

Là cô giáo dạy tiếng Anh, thi thoảng thấy vài đứa nhỏ H’Mông nói tiếng Kinh chưa sõi chào nhau bằng “Hi”, “Hello”, Tuyết bật cười, xen lẫn chút hạnh phúc. Ít nhất, Tuyết cũng đã đem đến núi rừng Pa Cheo này một ngôn ngữ mới.

Có lẽ, động lực lớn nhất để Tuyết từ giận sang yêu bản nghèo là sự chân thật của học sinh và người dân nơi đây. Tuyết kể, có lần mải chấm bài quên mất trời đã tối, một phụ huynh đi làm nương ngang qua hỏi “Cô giáo ăn cơm chưa”, Tuyết tiện miệng đùa “Nhà hết gạo nên cháu chưa có cái nấu”. Nào ngờ, lúc lâu sau có em học sinh chạy sang đem theo một đĩa sắn bảo “Bố con bảo đem sang cho cô ăn tối, mai còn có sức dạy học”. Nhìn đứa trẻ môi tím tái, chạy mấy cây số chỉ để đem cho cô khúc sắn, Tuyết xúc động xen lẫn hạnh phúc.

“Hôm 20/11 vừa rồi, vừa sáng ra đã có em học sinh đem quả chanh leo to tướng đến tặng mình. Vài đứa khác thì tặng hoa, quả rừng. Lấm lem vậy thôi nhưng trẻ con H’Mông tình cảm lắm”, Tuyết cười nói.

Vi Thắng – Lê Tú