Đoàn tàu giáo dục Việt Nam vẫn đỗ ở “ga nông nghiệp”

(Dân trí) - Đoàn tàu giáo dục của thế giới hiện đại đã rời nhà “ga nông nghiệp” từ lâu, đã qua “ga công nghiệp”, “ga kinh tế tri thức” rồi đang tiến vào “ga Industry 4.0”. Đoàn tàu giáo dục Việt Nam vẫn đỗ ở “ga nông nghiệp”, học sinh của chúng ta không vui vẻ gì khi lục tục lên các toa tàu cũ kỹ này.


Nhiều thanh thiếu niên Việt Nam đã lên các đoàn tàu giáo dục nước ngoài.

Nhiều thanh thiếu niên Việt Nam đã lên các đoàn tàu giáo dục nước ngoài.

Giáo dục chưa mở rộng cánh cửa đi vào thị trường lao động

Nói một cách công bằng, từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945) đến nay, nền giáo dục Việt Nam đã thay đổi và phát triển vượt bậc. Từ một đất nước có tới trên 95% dân số mù chữ thì nay về cơ bản, chúng ta đã phổ cập giáo dục cơ sở và đang từng bước phổ cập bậc trung học.

Từ một vài trường cao đẳng và đại học mà Chính phủ bảo hộ để lại, trong cả nước lúc này đã có gần 400 trường đào tạo cán bộ trình độ đại học.... Đã có một thời nhân dân ví giáo dục như một bông hoa đẹp của chủ nghĩa xã hội và rất tự hào về những thành quả mà hệ thống giáo dục mang lại.

Hiện nay, sự nghiệp giáo dục vẫn đang tiếp tục phát triển. Các cơ sở giáo dục thuộc các cấp học, ngành học luôn gia tăng về số lượng. Về phương diện này, có thể nói, thế hệ trẻ có đủ chỗ ngồi trong các trường lớp trên khắp các địa bàn dân cư. Người muốn học không lo thiếu chỗ học, mà chỉ phải lo có tiền để theo học và có dám chấp nhận học để lấy bằng chứ không để kiếm việc làm.

Theo học để có nghề và chí ít là có một nơi làm việc là vấn đề rất khó. Giáo dục giống như một sân chơi chưa thật sự quan tâm đến lớp người có thu nhập thấp - những người đang đang được xếp vào tầng dưới của thấp phân tầng xã hội.

Nói cách khác, giáo dục chưa mở rộng cánh cửa đi vào thị trường lao động. Những khiếm khuyết của giáo dục nảy sinh vào lúc này có lẽ là từ thực trạng đó mà ra. Những người quan tâm đến giáo dục nước nhà không còn hi vọng vào những đổi mới giáo dục trong hàng chục năm qua, bởi, trên thực tế, ĐỔI MỚI đang chỉ là những chắp vá một chuỗi những thay đổi về quản lý giáo dục hơn là mang lại sự phát triển mới cho người học.

Chờ đợi một cuộc cách mạng giáo dục

Nhiều người chờ đợi một chủ trương cải cách giáo dục với tư cách là một cuộc cách mạng giáo dục, đưa mô hình “Nhà trường phấn trắng bảng đen” đã tồn tại suốt thế kỷ XX sang “Nhà trường thông minh” mà thế kỷ XXI đòi hỏi. Nhà trường phấn trắng bảng đen có vai trò không nhỏ trong thế kỷ XX ở nước ta. Nhưng, nếu duy trì nhà trường cổ truyền này trong thế kỷ XXI thì giỏi lắm cũng chỉ đào tạo ra lớp người như thế hệ U3A chúng tôi hiện nay mà thôi.

Trong báo cáo của Ủy ban Cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống Hàn Quốc có đoạn viết: “Giáo dục Hàn Quốc tuy có sự lớn mạnh đáng ghi nhận về số lượng trong kỷ nguyên công nghiệp hóa, nhưng sẽ không còn thích hợp trong kỷ nguyên công nghệ thông tin và toàn cầu hóa. Nó không thể sản sinh ra những con người có tính sáng tạo và nhạy cảm đạo đức, mà những phẩm chất ấy lại rất cần thiết để làm tăng năng lực cạnh tranh của dân tộc.

Sắp tới đây, vấn đề cần giải quyết là gì? Hệ thống giáo dục nhằm thi vào đại học, cao đẳng dựa trên cơ sở học thuộc lòng là vấn đề cần xem xét đầu tiên. Bởi vì, những điều học thuộc sẽ tuột khỏi trí não học sinh sau khi ra trường... không quốc gia nào trên thế giới đạt mức độ cao hơn Hàn Quốc về lòng nhiệt thành đối với giáo dục và không ở đâu trẻ em chịu sức ép học tập to lớn như ở Hàn Quốc. Ấy vậy mà, khi những người Hàn Quốc có giáo dục gia nhập vào lực lượng lao động, nói chung họ bị quy là “có nhiều khiếm khuyết” và “được chuẩn bị một cách kém cỏi”.

Báo cáo này đi đến kết luận rằng, cha mẹ học sinh Hàn Quốc đang bị đẩy vào “địa ngục thi cử”. Tôi thiết nghĩ, vấn đề này ở Việt Nam không kém hơn, có khi người đọc cảm thấy Báo cáo về giáo dục Hàn Quốc nói hộ về thực trạng giáo dục ở Việt Nam còn nặng nề hơn.

Giáo dục theo khuôn mẫu sẽ làm thui chột mọi sáng kiến của thế hệ trẻ

Trong đổi mới giáo dục ở nước ta, lĩnh vực thi cử được “đổi mới” liên tục, năm nào cũng có cách thi riêng, quy chế thi riêng, cách đối phó “gian lận” trong thi cử luôn được cải tiến từng năm.

Có điều lạ, sau mỗi kỳ thi, ngành giáo dục tự đánh giá rằng, kỳ thi này tốt hơn, cách thức thi hay hơn, nhưng phương thức thi hay đến mấy thì năm sau cũng bị thay thế để nhường cho một sáng kiến khác.

Mỗi năm là một cuộc thí điểm về thi cử, nói cụ thể hơn, học sinh là chủ thể của những thí điểm này. Cuối cùng thì năm nào cũng đỗ đạt với tỷ lệ rất cao. Vậy, đã đạt tỷ lệ thi cao và cách thi đã hay rồi thì sao cứ phải tiếp tục đổi mới thi cử?

Cái bệnh thi cử, chạy đua đại học là một hiện tượng không bình thường mà lại nhân danh đổi mới. Tôi cho rằng, lối tư duy về thi cử ở ta nói lên tình trạng “bệnh hoạn”, làm khổ thế hệ trẻ và làm đau đầu và đau túi tiền của những nhà nghèo.

Cách đào tạo lỗi thời của hệ thống nhà trường là sản phẩm giáo dục được “đúc” theo một “khuôn mẫu”. Phương thức này sẽ hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu nhân lực của nền kinh tế tri thức và nền kinh tế hậu công nghiệp.

Giáo dục theo khuôn mẫu sẽ làm thui chột mọi sáng kiến của thế hệ trẻ, mài nhẵn những cái riêng trong con người, từ đó làm mờ cá tính. Các lớp học sinh ra trường theo một công thức cứng nhắc, làm theo những chỉ dẫn chung của nhà quản lý. Họ thiếu năng lực tư duy phản biện, thiếu độc lập suy nghĩ, mất đi những ước mơ sáng tạo.

Cách làm giáo dục của Việt Nam là quá tốn kém. Tốn kém quá nhiều tiền do Nhà nước cung ứng và quá tốn kém, làm cho dân chúng phải gồng mình đóng góp. Đáng lẽ ra, kinh tế càng tăng trưởng thì đồng lương của người lao động càng được nâng lên và học phí phải giảm xuống.

Ngược lại, học phí tăng theo tỉ lệ thuận với mức tăng trưởng kinh tế. Điều này là làm ngược với thế giới hiện đại. Đáng ra, người ta phải giảm học phí khi kinh tế tăng trưởng, sản xuất phát triển để tới một lúc nào đó, chúng ta có nền giáo dục không mất tiền. Đó mới là mô hình giáo dục lý tưởng. Nền giáo dục tốn kém là nền giáo dục loại trừ người nghèo.

Ngày trước, C.Fourier nói rằng, muốn xem cuộc cách mạng xã hội triệt để đến đâu thì phải xem thái độ của nó đối với việc giải phóng phụ nữ ra sao. Mượn ý đó, tôi cho rằng, cuộc cách mạng về giáo dục có triệt để hay không thể hiện ở chỗ nó ứng xử ra sao với việc học của người nghèo.

Một trong những căn bệnh trầm kha của giáo dục là xa rời nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Khi nói đến giáo dục - đào tạo, hầu như văn kiện nào của Đảng và Nhà nước cũng nói đến những mục tiêu trong các cụm từ con người lao động, con người có nghề, con người sáng tạo, nhưng trên thực tế, giáo dục học đường đang tự trói mình trong 4 bức tường lớp học, trường phổ thông hầu như không có mối liên hệ với doanh nghiệp, với nhà máy, với xưởng sản xuất..., trường đại học chưa bảo đảm chất lượng thực tập, thực hành, nghiên cứu khoa học ..

Nhà trường phổ thông tuyên bố về chủ trương hướng nghiệp nhưng sách giáo khoa hướng nghiệp, tài liệu giới thiệu hệ thống nghề trong nền kinh tế quốc dân, các tổ chức tư vấn nghề... không có trong nhà trường. Trung học phổ thông được gọi là cấp định hướng nghề nghiệp, song định hướng như thế nào, bằng phương pháp nào, theo công nghệ học tập nào v.v... đều chưa có sự chuẩn bị và chưa thể giải đáp những thắc mắc này.


GS.TS Phạm Tất Dong (tác giả bài viết)

GS.TS Phạm Tất Dong (tác giả bài viết)

Phải đoạn tuyệt mô hình nhà trường cổ điển hiện nay

Chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và định hướng học sinh trung học cơ sở chọn nghề, chọn trường học tiếp đã thất bại nhiều lần. Muốn phân luồng học sinh trung học cơ sở mà lại chạy theo việc phổ cập giáo dục trung học phổ thông thì hầu như học sinh trung học cơ sở sẽ từ chối vào các trường dạy nghề.

Nhà trường tương lai của Việt Nam phải đoạn tuyệt mô hình nhà trường cổ điển hiện nay. Nó chỉ có thể hình thành và phát triển khi một hệ thống khái niệm mới về giáo dục được vận dụng trong tư duy giáo dục của các nhà quản lý giáo dục, các cán bộ hoạch định chính sách giáo dục và giáo viên. Hơn nữa, những vấn đề nhạy cảm về đạo đức nhà giáo, đạo đức sư phạm nhất thiết phải được quy định chặt chẽ và phải được thực thi nghiêm túc.

Nhà trường tương lai của chúng ta sẽ được xây dựng trước bối cảnh nào?

Một là, nền kinh tế tri thức (hay còn gọi là nền kinh tế học hỏi) đòi hỏi nhà trường phải đào tạo ra những LAO ĐỘNG TRI THỨC (Knowledge worker), những người có năng lực đưa các công nghệ mới vào sản xuất để gia tăng lượng sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên những thị trường thế giới, kể cả những thị trường khó tính nhất.

Hai là, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi mỗi người dân là một công dân học tập, thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của xã hội và từng bước có đủ năng lực và bản lĩnh của công dân toàn cầu.

Ba là, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra một xã hội hậu công nghiệp - xã hội công nghệ. Việc đào tạo con người cũng như việc sản xuất vật chất và tinh thần trong xã hội đều phải dựa vào những công nghệ mới và công nghệ cao. Giáo dục phải đào tạo ra các sản phẩm của mình theo phương thức của Industry 4.0; “đào tạo hàng loạt sản phẩm có cá tính”, tức là những sản phẩm được tạo ra hàng loạt nhưng mang theo đặc điểm riêng.

Phải được xây dựng trong hệ thống giáo dục mở

Trước bối cảnh ấy, nhà trường tương lai phải được xây dựng trong hệ thống giáo dục mở (Open Education). Đặc trưng của nền giáo dục mở có thể diễn giải theo các điểm sau:

1. Hệ thống giáo dục mở là hệ thống giáo dục mở cửa cho mọi người, không hạn chế về thời gian và địa điểm, không có rào cản về cơ hội học tập và điều kiện học tập, không loại trừ bất cứ ai dù họ là người khuyết tật, người phạm pháp, tạo nên một nhà nước phúc lợi giáo dục (Edutopia), tức là tạo nên một nền giáo dục hoàn hảo, phát huy đầy đủ những năng lực tiềm tàng trong mỗi con người.

2. Hệ thống giáo dục mở tạo ra một sự gắn kết và liên thông giữa giáo dục ban đầu với giáo dục tiếp tục, giữa giáo dục chính quy với giáo dục không chính quy, sự chuyển đổi linh hoạt từ chương trình giáo dục này sang chương trình giáo dục khác, từ đào tạo ngành này sang ngành khác, như vậy con người có thể tìm được chương trình học thích hợp để phát huy được mọi năng lực của mình.

3. Hệ thống giáo dục mở gắn kết việc học ở trường học với việc học tại doanh nghiệp, tại nơi làm việc, học tại nhà trên cơ sở tạo ra một hệ thống tín chỉ cho việc đạt được các chương trình đào tạo khác nhau về chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ học vấn, trình độ tay nghề, sao cho bằng mọi cách học, người ta đều đạt được mục đích nếu tích lũy đủ tín chỉ.

4. Hệ thống giáo dục mở tạo ra và thúc đẩy các ý tưởng của người học, đặc biệt là các ý tưởng về khởi nghiệp, sáng tạo nghệ thuật, phát triển tài năng, mở rộng sản xuất, phát huy các sở thích... bằng việc mở rộng việc chia sẻ về thông tin, tri thức, kỹ năng, dựa vào việc phát huy tư duy sáng tạo, cung ứng các loại dịch vụ...

5. Hệ thống giáo dục mở tận dụng công nghệ học tập mới để người học có thể lựa chọn và tiến hành những phương pháp học tập chủ động, tích cực, nhất là phương pháp tự đào tạo, tự giáo dục. Công nghệ thông tin sẽ giúp người học nâng cao trình độ học vấn và tay nghề của mình nhờ các computer, các máy tính bảng, các phương tiện thông tin di động... để truy cập nội dung học tập mình cần ở mọi lúc, mọi nơi.

Đoàn tàu giáo dục của thế giới hiện đại đã rời nhà “ga nông nghiệp” từ lâu, đã qua “ga công nghiệp”, “ga kinh tế tri thức” rồi đang tiến vào “ga Industry 4.0”. Đoàn tàu giáo dục Việt Nam vẫn đỗ ở “ga nông nghiệp”, học sinh của chúng ta không vui vẻ gì khi lục tục lên các toa tàu cũ kỹ này.

Phải mở con đường sắt khác để đoàn tàu của chúng ta xuất phát từ “ga công nghiệp” vào năm 2025 là chậm nhất. Chỉ có nền giáo dục mở thì chúng ta mới làm được điều này. Nhiều thanh thiếu niên Việt Nam đã lên các đoàn tàu giáo dục nước ngoài. Đó là sự thật, một sự thật đanh thép, đặt ra một còi lệnh nghiêm túc: Đừng chạy theo cách đổi mới chắp vá, xoay quanh thi cử, viết thật nhiều sách giáo khoa, thu học phí với giá đúng, giá đủ nhưng cứ giữ nguyên nhà trường phấn trắng bảng đen.

GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm