Bạn đọc viết:
Chuyện kỳ lạ của giáo dục Việt Nam
(Dân trí) - Chúng ta không để tình cảnh nghề giáo “đang ở trên dòng sông nhưng lại khát nước”. Bên cạnh cách “tự cứu lấy mình” một cách trong sạch, giáo viên còn có nhiều cách “tự cứu lấy mình” không phải ai cũng dám nói ra sự thật.
Chúng ta đều biết, sau 1975, thời bao cấp, đất nước mới ra khỏi chiến tranh, tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều có cuộc sống khó khăn như nhau nên giáo viên thời đó không ai kêu ca than vãn, hoặc “đứng núi này trông nói nọ” so bì với các tầng lớp khác như bây giờ.
Từ 1986 đến nay, nhờ Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới, kinh tế phát triển, mức sống của mọi tầng lớp ngày càng được nâng cao trong khi mức lương của giáo viên lại thấp so với mặt bằng chung đã tạo nên nghịch cảnh: giáo viên – “nghề cao quý nhất trong nghề cao quý” nhưng đời sống lại thấp nhất trong số những nghề không cao quý !.
Trong nền kinh tế thị trường luôn vang lên cụm từ “giàu thì ghét, đói rét thì khinh”, “chỉ những kẻ lười nhác mới chịu nghèo” … giáo viên luôn được xem là tầng lớp trí thức, họ không chấp nhận số phận nghèo hèn để bị khinh rẻ, mà luôn biết “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Bên cạnh cách “tự cứu lấy mình” một cách trong sạch, còn có nhiều cách “tự cứu lấy mình” không phải ai cũng dám nói ra sự thật.
Lương thấp, giáo viên coi học sinh sinh viên như "con tin" để kiếm sống
Giáo viên bắt học sinh phải đi học thêm lớp mình dạy là cách “tự cứu lấy mình” cổ điển nhất hiện nay. Cách kiếm tiền vô đạo đức này đã làm cho cả người nhận tiền và nộp tiền đều không còn chút liêm sỉ mà trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Phụ huynh học sinh tặc lưỡi rút tiền đưa cho con mình, học sinh mang tiền đến nộp cô ở lớp học thêm và yên tâm cuối năm sẽ đạt học sinh giỏi, vậy là chỉ mới hơn 10 tuổi đã ý thức được “đổi tiền lấy điểm”.
Vợ tôi, tốt nghiệp đại học và Tiến sĩ vật lý ở trường Đại học danh tiếng nhất thế giới – Đại học tổng hợp Quốc gia Lomonoxop, hiện là Trưởng Bộ môn Vật lý của một trường Đại học lớn Hà Nội, nhưng con tôi vẫn phải đi học thêm môn Vật lý lớp 8.
Buổi sáng học chính khóa ở trường, buổi chiều thay vì được nghỉ ngơi chơi đùa, con tôi bị guồng máy học thêm tổ chức bắt phải căng mình nghe cô giảng. Tối đến Mẹ muốn dạy Vật lý cho con không được vì cháu đã học cả ngày quá mệt mỏi.
Nạn học thêm đã giúp cho thầy cô có tiền để khỏi bị “đói rét thi khinh”, nhưng chính nạn học thêm đã cướp đi tuổi thơ của các cháu. Để cháu không bị quá tải trong học tập, tôi đã thỏa thuận với cháu: con mang tiền đến nộp cho thầy cô dạy thêm để không bị trù dập, còn khi ngồi trong lớp con không cần nghe giảng cho đau đầu, về nhà bố mẹ sẽ dạy lại cho con hiệu quả hơn.
Có lẽ trên thế giới không có nền giáo dục nước nào lại có chuyện kỳ lạ như giáo dục Việt Nam !
Một giảng viên đại học, trong buổi học đầu tiên, thay vì giới thiệu đề cương môn học lại quay sang tự giới thiệu sở thích của cá nhân mình: tôi thích món quà này, tôi không thích quà kia …. đến ngày chấm thi kết thúc môn học, sinh viên lũ lượt đến nhà thầy … để chiều theo sở thích của thầy cho qua môn học do thầy dạy.
Thầy tỉnh bơ nhận quà của sinh viên và nói nửa đùa nửa thật “các cậu đến trường đi học phải chăm sóc thầy, nuôi thầy, khi tốt nghiệp đại học ra trường, xã hội lại nuôi các cậu thôi”….
Lương thấp, vị thế và chỗ đứng của người thầy bị đảo lộn
Nữ đồng nghiệp của tôi ở Đại học có lần tâm sự hối tiếc: "Em nguyên là sinh viên Đại học sư phạm Hà Nội, đáng ra em là giáo viên phổ thông, nhưng vì tốt nghiệp loại xuất sắc nên được đi học Tiến sĩ ở Pháp. Bây giờ dù là giảng viên Đại học hàng đầu Việt Nam nhưng mức lương và thu nhập của em thua xa các bạn của em đang dạy và chủ nhiệm lớp phổ thông ở Hà Nội.
Một giáo viên chủ nhiệm lớp 50-60 học sinh ở Hà Nội, ngày tết, và 20/11 mỗi phụ huynh đi thầy cô một triệu, tổng thu của giáo viên đó một năm trên 100 triệu, chưa kể lương và các khoản dạy thêm khác … Giá như ngày đó em không tốt nghiệp đại học xuất sắc thì cuộc sống của em không khó khăn như bây giờ chỉ trông vào lương trường cấp“.
Là phụ huynh của 2 con trai đang đi học phổ thông Hà Nội, tôi tin số liệu trên và thấu hiểu được tâm sự của nữ giảng viên đại học đồng nghiệp.
Do mức lương thấp, hình ảnh giảng viên đại học trên bục giảng không còn hấp dẫn giới trẻ, nạn chảy máu chất xám, giảng viên có trình độ “dứt áo” ra đi đầu quân cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày gia tăng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Những giảng viên trụ lại ở Trường Đại học là những người có chức vụ quản lý hoặc đang điều hành công ty riêng ở ngoài trường theo kiểu “chân ngoài dài hơn chân trong”. “Có thực mới vực được đạo”, những giảng viên không chức vụ, rất ít người toàn tâm nghiên cứu khoa học và giảng dạy khi hưởng đồng lương “ba cọc ba đồng”.
Chúng ta không để tình cảnh nghề giáo “đang ở trên dòng sông nhưng lại khát nước”. Nghề giáo cũng có nhu cầu như mọi tầng lớp lao động khác, do đó Chính phủ cần có quyết sách hợp lý không để đội ngũ nhà giáo phải hy sinh lâu dài như thời gian qua.
PGS.TS Ngô Tứ Thành
Viện Sư phạm kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội