Thừa Thiên Huế:

Cô giáo trường làng tâm huyết với dạy học và nghề dầu tràm truyền thống

(Dân trí) - Không chỉ tâm huyết trong giảng dạy, gần gũi với học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Hoa - Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) còn đam mê phát triển, nâng cao chất lượng dầu tràm truyền thống Phú Lộc.

Giúp học sinh kỹ năng sống qua môn Giáo dục công dân

Chia sẻ về ngôi trường nơi mình đang công tác, cô Hoa cho biết, được công tác tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên là một niềm vui, tuy sức học so với mặt bằng chung khối phổ thông các em không bằng, nhưng các em rất tự tin và cá tính.

Là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân, cũng là một giáo viên chủ nhiệm, cô Hoa đã thực hiện đổi mới các tiết sinh hoạt lớp thông qua hoạt động vui chơi nhằm tăng hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống, đạo đức cho học trò.

Cô Hoa cho biết: Do đặc thù của hệ Giáo dục Thường xuyên nên học sinh khá ít, tính cách của các em khá mạnh mẽ, năng động nên phải có cách giáo dục phù hợp với từng em, trong trường là cô giáo, ra ngoài như một người chị, có như vậy mình mới thấu hiểu được tâm lý và dễ dàng tư vấn, giúp đỡ các em lúc cần thiết.

“Mục tiêu của giáo dục phổ thông hiện nay là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lý tưởng, ngoài các kỹ năng cơ bản cho học sinh thì trong các buổi dạy và sinh hoạt em cũng quan tâm đến định hướng những kỹ năng mềm, làm thế nào để sau này nếu không học đại học, các em học nghề và có thể tự tin bươn chải tìm hướng đi riêng cho mình”, cô tâm sự.


Cô giáo Nguyễn Thị Hoa giảng dạy cho học sinh tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa giảng dạy cho học sinh tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).

Một tính cách khá hiện đại ở cô Hoa là thường giao tiếp với học sinh của mình trên Facebook, Zalo. “Tôi xem mạng xã hội là nơi tiếp cận, tâm sự, tìm hiểu về tính cách, cuộc sống của các học sinh. Có lúc các em cũng đưa những dòng tâm sự cá nhân không hay trên mạng… những lúc đó mình phải khôn khéo nhắn tin riêng, phân tích cho các em thấy đúng sai, phải để cho các em yêu mến mình, lúc đó các em mới lắng nghe mình”, cô chia sẻ kinh nghiệm.

Em Tô Thị Phương Quỳnh, học sinh của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Phú Lộc cho biết: “Cô Hoa là một người tốt bụng, gần gũi, luôn lắng nghe chúng em tâm sự giống như một người chị, những lúc chúng em cần cô luôn có mặt kịp thời để giúp đỡ cho chúng em”.

Nâng cao chất lượng dầu tràm - nghề truyền thống quê hương Huế

Không chỉ là một giáo viên được học trò tin yêu, vì tính cách gần gũi học sinh, 2 năm trở lại đây, cô Hoa còn đưa sản phẩm dầu tràm truyền thống (nấu từ cây tràm) vùng quê Phú Lộc phát triển. Để xây dựng thương hiệu, cô chọn một cái tên cũng thật ấn tượng Dầu tràm Love Baby, nghe gần gũi mà cũng đầy yêu thương, nhờ chất lượng dầu tốt nên được nhiều người yêu thích.

Dầu tràm Huế từ xưa đến nay vốn nổi tiếng, được nhiều người biết đến vì có nhiều ưu điểm nổi bật, nhưng tỷ lệ cineol trong dầu tràm nấu thủ công truyền thống vẫn còn thấp, chỉ từ 40% - 45%, thành phần tạp chất trong dầu còn cao, tạo thành một màn mỏng trên da khi thoa, nên giảm hiệu quả hấp thụ tinh chất của dầu vào cơ thể con người.

Với nhiều suy nghĩ, trăn trở nâng cao chất lượng tinh dầu tràm, cô giáo Nguyễn Thị Hoa cùng ông xã đã tìm tòi, gặp gỡ nhiều chuyên gia trong ngành Y Dược nhờ tư vấn, hỗ trợ trong chuyên môn. Rất may mắn, vợ chồng cô đã nhận được tư vấn của một công ty Dược tại TPHCM, họ đồng ý hỗ trợ về chuyên môn và đầu tư trang thiết bị lọc tinh dầu hiện đại, theo đúng quy định, tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam và quốc tế.

Ngoài giờ dạy học, cô Hoa còn đam mê với nghề nấu dầu tràm - một nghề truyền thống của địa phương
Ngoài giờ dạy học, cô Hoa còn đam mê với nghề nấu dầu tràm - một nghề truyền thống của địa phương

Với hệ thống lọc mới, đã tách thành phần tạp chất không có lợi, giữ lại những thành phần tinh chất có lợi cho sức khoẻ con người, kết quả đã cho ra sản phẩm tinh dầu tràm nguyên chất, qua kiểm nghiệm cineol trung bình đã đạt tới 63,5% (dầu tràm truyền thống chỉ đạt khoảng 40% - 45%), tuỳ thời điểm trong năm có thể đạt tới ±70%.

Nhờ tinh dầu tràm đã loại bỏ tạp chất nên mùi vị, màu sắc, chất lượng theo thời gian không biến đổi, vẫn giữ nguyên hương vị và chất lượng. Không còn tạp chất nên khi thoa vào da, tỷ lệ hấp thụ vào cơ thể người cũng nhanh gấp nhiều lần so với dầu truyền thống, vì vậy dùng để trị muỗi đốt, sát khuẩn, trị mụn trứng cá… tương đối nhanh và có thể uống vài giọt trong nước ấm mỗi lúc đau bụng.

“Bản thân tôi là một giáo viên, tôi luôn dạy học sinh cách sống thật thà, làm thế nào để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, bên cạnh đó, tôi cũng là một người mẹ có con nhỏ nên tôi với một mong muốn đem đến cho những người mẹ một sản phẩm an toàn nhất” - cô Hoa tâm sự.

“Dầu tràm của cô Hoa mình rất là thích, nó không cay mà lại nhạy nữa. Nhiều lúc đau bụng, mình xoa vào hết nhanh lắm” - chị Phan Thị Liệu, một khách hàng ở TPHCM nói. “Bé nhà em đang sổ mũi, ngạt mũi và ho, em dùng dầu tràm chị cho bé ngửi và hòa vào nước nóng tắm thấy hiệu quả tức thì, hôm sau bé hết bệnh luôn” - chị Nguyễn Thiên Ân chia sẻ.

Thầy Hùng Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Phú Lộc nhận xét: “Trong chuyên môn, cô Nguyễn Thị Hoa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bên cạnh đó cô còn nỗ lực quảng bá, phát triển thương hiệu dầu tràm truyền thống địa phương. Việc làm này rất tốt và xứng đáng để các giáo viên khác học tập theo”.

Quang Nguyễn - Đại Dương