Báo chí nước ngoài chỉ ra những thách thức với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

(Dân trí) - Mới đây, trang mạng University World News đã cho đăng tải một bài phân tích chỉ ra những thách thức mà tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ phải giải quyết để cải thiện hệ thống giáo dục nước nhà, trong đó tập trung vào tình trạng cử nhân thất nghiệp.


Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bài phân tích của tác giả Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh tại Đại học Văn hóa Trung Hoa tại Đài Loan, Trung Quốc, tập trung vào các thách thức mà ông Phùng Xuân Nhạ phải vượt qua trong nhiệm kỳ tới của mình.

Bài viết nhận định hiện nền giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cố hữu và đã tồn tại nhiều năm qua như tình trạng chất lượng giáo dục đi xuống, tỉ lệ thất nghiệp tăng, thiếu các giảng viên có trình độ cũng như mức độ quốc tế hóa thấp.

Trong bài phỏng vấn đầu tiên trước báo giới sau quyết định bổ nhiệm, tân Bộ trưởng GD&ĐT đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc cải thiện chất lượng giáo dục bậc đại học qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong môi trường toàn cầu hóa một cách sâu rộng hiện nay.

Tỉ lệ thất nghiệp tăng được lý giải bởi tình hình kinh tế khó khăn dẫn tới nhiều công ty phải đóng cửa gây ra tình trạng khan hiếm việc làm trong giai đoạn 2013-2014; đặc biệt là sự thiếu khởi sắc của khu vực dịch vụ; đáng chú ý là dịch vụ ngân hàng; khu vực vốn sử dụng rất nhiều cử nhân mới ra trường.

Các báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng chỉ ra trong 3 tháng cuối năm 2015, số lượng cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp đã đạt mốc 225.000 người.

Bài viết cũng chỉ ra một nghịch lý đang tồn tại ở Việt Nam trong những năm qua khi tỷ lệ thất nghiệp cao nhất rơi vào nhóm cử nhân và trung cấp nghề, trong khi nhóm lao động chưa qua đào tạo lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với xu hướng thất nghiệp chung trên toàn thế giới. Trong khi đó, các trường đại học vẫn tiếp tục đào tạo ra một lượng lớn cử nhân qua đó dẫn tới tình trạng tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng cao.

Chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức, quản lý chương trình cung cấp và thông tin mới nhất về giáo dục Việt Nam EduTrigger cho rằng việc giảm tỉ lệ cử nhân thất nghiệp là một trong những thách thức mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần phải giải quyết trong tương lai gần.

Trước đó, ông Nhạ đã đề xuất một biện pháp để cải thiện nền giáo dục hiện tại, theo đó chuyển từ một nền giáo dục chú trọng tới tiếp cận nội dung sang nền giáo dục tập trung vào việc giảng dạy các phương pháp và kỹ năng. Ông Nhạ cho rằng đây là mục tiêu cần được ưu tiên của nền giáo dục nước nhà. Bên cạnh đó, cải thiện phương pháp giảng dạy hiệu quả và sáng tạo đi kèm với việc thay đổi giáo trình cũng là những nhiệm vụ cốt lõi mà Bộ GD&ĐT cần thực hiện trong những năm tới.

Một trong những mục tiêu mà Bộ GD&ĐT nhiều năm qua cũng đang cố gắng thực hiện là giảm chương trình học đại học từ 4-6 năm như hiện tại xuống còn 3-4 năm để phù hợp với hệ thống giáo dục đại học của các nước ASEAN đồng thời cắt giảm việc học quá nhiều lý thuyết và tăng việc thực hành.

Bên cạnh đó, nghị quyết 77 của Chính phủ có hiệu lực từ 2014-2017 cũng được đánh giá cao khi quyết định thí điểm việc tăng quyền tự quyết cho 13 trường đại học. Theo đó, những trường này được phép tự đề ra chương trình giảng dạy, mở các khóa đào tạo và được tự do cải cách cũng như cải thiện chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, bài viết cũng khẳng định việc giải quyết tình trạng thất nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cải thiện chất lượng giáo dục mà nó còn phải kết hợp với các yếu tố khác trong đó có việc đáp ứng được nhu cầu lao động trong khu vực và có khả năng cạnh tranh với các nguồn lao động của các nước khác. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng khi nền kinh tế đi xuống sẽ kéo theo số việc là giảm qua đó sẽ khiến tình trạng cử nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp ngày càng trầm trọng.

Với việc từng tốt nghiệp ngành Kinh tế tại Đại học Manchester, Anh và từng có thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Georgetown, Mỹ; Tân Bộ trưởng GD&ĐT hiểu rõ sự cần thiết của việc hội nhập với thế giới. Điều này được thể hiện qua việc ông hy vọng đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. "Người được giao trọng trách đứng đầu ngành phải có cái nhìn toàn cầu, đủ năng lực bắt nhịp với xu thế thời đại", ông Nhạ chia sẻ.

Ninh Nhật (theo University World News)