Bài toán khó đang chờ lời giải ở tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ
(Dân trí) - Nhiều ý kiến giáo sư, nhà giáo đang kỳ vọng vào tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ giải quyết được những bức xúc, tồn tại trong giáo dục và có những quyết sách mới, có chiến lược giáo dục mới nhằm đổi mới mạnh mẽ nền giáo dục hiện nay.
Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
GS Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: “Không biết tận dụng được ý kiến của những người có tâm huyết, kinh nghiệm thì bài toán sẽ không giải được…”
Trước hết, rõ ràng giáo dục đang đứng trước bài toán rất khó. Giáo dục trong nhiều năm tháng qua những bài toán đó không giải được, đó là điều mà ai cũng thấy. Cho nên, khi Bộ trưởng mới lên, ai cũng hy vọng bài toán ấy bộ trưởng mới góp sức vào để giải.
Hy vọng để giải bài toán này là trí tuệ của một tập thể đông đảo mà nó thể hiện sự thông thái, mẫn tiệp. Nếu Bộ trưởng mới không sử dụng được đội ngũ chuyên gia lớn, không biết tận dụng được ý kiến của những người có đầy kinh nghiệm thì bài toán sẽ không giải được.
Điều chúng tôi mong muốn bộ trưởng mới là nghe được, hiểu được, xử lý được những ý kiến của những chuyên gia hay những người tâm huyết giáo dục.
Những bài toán của giáo dục hiện nay đều gắn liền với nội dung trong Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, điều này đã nói từ lâu nhưng không giải quyết được. Có giải quyết cũng giải quyết không triệt để vì hiểu không đúng được những điều đã ghi trong Nghị quyết của đảng và nhà nước.
Ví dụ: Hệ thống Giáo dục mở, bản thân nó là Xã hội học tập nhưng khi nói đến giáo dục mở lại nói đến Giáo dục mở và Xã hội học tập, 2 cái đó khác nhau. Bốn Đại hội đều nói đến Xã hội học tập nhưng bên giáo dục không thể hiện được Xã hội học tập là gì. Mà Đảng đã chủ trương chuyển mô hình giáo dục cũ sang mô hình giáo dục mới, mà mô hình giáo dục mới chính là hệ thống giáo dục mở.
Với tư cách là một chuyên gia, tôi mong bộ trưởng mới suy nghĩ về điều này. Cần cho viết lại, giải thích lại Thế nào là xã hội học tập? chứ không nguy cơ 60 triệu người lớn muốn đi học, cần được học nhưng vẫn bị coi nhẹ.
Khi nói đến giáo dục, thực chất trong các văn bản hiện nay chỉ nói đến giáo dục cho thế hệ trẻ chứ chưa bao giờ nói đến giáo dục của người lớn. Tôi cho rằng, ngành giáo dục cần khẳng định có một ngành học đó là: Ngành học cho người lớn. Bởi vì ngành học cho người lớn khác với ngành học giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, nên định lại chiến lược giáo dục và tìm ra những mục tiêu ưu tiên của chiến lược giáo dục. Thực ra, chúng ta quá mất thời gian vào thi cử đánh giá… những cái đó không giải quyết được vấn đề. Chúng ta không thể hiện được mong muốn trong vòng 10 – 15 tới người Việt Nam phải có phẩm chất gì? năng lực gì? đấy là mục tiêu. Nếu không giải quyết được cái này thì mọi thi cử, mọi đổi mới SGK không giải quyết được gì.
Với điều kiện hiện nay, khi đi vào nền kinh tế tri thức với năng lực của Việt Nam thì người công dân Việt Nam cần những cái gì tối thiểu và cái tối thiểu đó xây dựng thành mục tiêu và được thể hiện trong chương trình, SGK. Có những cái này thì mới nói đến thi cử được. Không ai bàn đến thi trước rồi mới bàn đến chương trình, SGK.
PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông: Bộ Giáo dục cần tập trung vào quản lý nhà nước về chất lượng!
Theo tôi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm được 2 điều này sẽ thành công:
Thứ nhất: Đối với giáo dục phổ thông cần tập trung vào Đề án đổi mới toàn diện giáo dục, làm bằng được, dứt điểm và có lộ trình và công bố cho xã hội biết.
Nội dung Đề án này rất tốt nhưng mới tốt ở trên bàn thôi còn triển khai mới phức tạp. Do đó, đầu tư tất cả nguồn lực để thực hiện đề án chương trình phổ thông tổng thể. Nếu làm tốt đề án này, học sinh học hết lớp 12, tốt nghiệp là có thể đi làm được còn hiện nay, chương trình cũ, học sinh học xong lớp 12 không làm được gì vì không có nghề. Vì vậy, mong bộ trưởng mới phải có quyết tâm.
Thứ hai: Đối với đại học phải quản lý làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Cái chết ở giáo dục đại học hiện nay là chỉ thực hiện ở Thông tư 32 và Thông tư 57.
Tôi mong Bộ trưởng Nhạ, phải làm sao tổ chức được hệ thống kiểm định chất lượng và xếp hạng được các trường. Siết chặt chất lượng giáo dục đại học. Đồng thời, công bố cho xã hội biết là những trường đại học xếp hạng ở mức độ nào, chương trình nào đã được kiểm định đánh giá theo tiêu chuẩn… đó mới là chất lượng.
Có như vậy các trường đại học Việt Nam mới theo được đánh giá chung, theo được quốc tế. Nếu cứ như hiện nay thì khó lọt vào tốp châu Á và thế giới được. Tiêu chí và tiêu chuẩn quyết định chất lượng của 1 trường đại học.
Bộ GD&ĐT cần dừng làm những việc lặt vặt, làm những việc mà các trường đang tự chủ rồi thì để họ làm như tuyển sinh vì trong Luật Giáo dục, Luật đại học đã quy định rõ trách nhiệm của các trường.
Bộ cần tập trung vào quản lý nhà nước về chất lượng, tập trung thanh tra, kiểm tra. Đào tạo đại học, cao học phải đi theo hình chóp, hiện nay mình đang đi ngược lại với thế giới.
Các nhà giáo, sinh viên, học sinh kỳ vọng vào Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có những quyết sách mới thay đổi nền giáo dục hiện nay
Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT: Minh bạch hoá và tự chủ đại học cần được đẩy nhanh hơn!
Trong mảng giáo dục, giáo dục đại học đang có nhiều bất cập cần giải quyết. Để có được một hệ thống giáo dục đại học tốt thì hệ thống này cần được quy hoạch rõ ràng và cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh.
Cạnh tranh lành mạnh chỉ phát huy hiệu quả nếu quá trình minh bạch hoá và tự chủ đại học được đẩy nhanh hơn. Bên cạnh đó mục đích của các trường phải rõ ràng.
Các trường quốc tế như RMIT, Việt Pháp, Việt Đức cần có quy định tối thiểu về giảng viên và sinh viên quốc tế. Ví dụ số GV quốc tế cần ở mức 20%, sinh viên là 10% và có lộ trình tăng tương ứng thành 30% và 15%.
Các trường nghiên cứu thì cần có tỷ lệ bài báo trên đầu giảng viên đạt mức tối thiểu ví dụ là 0.5 bài báo mỗi năm trên đầu cán bộ. Các trường theo hướng nghề nghiệp thì bắt buộc phải đạt được các tiêu chí về việc làm và gắn kết doanh nghiệp.
Một việc cũng vô cùng quan trọng là phát triển lành mạnh khu vực đại học ngoài công lập để chiếm tỷ lệ cao hơn trong hệ thống. Các trường có chất lượng được khuyến khích phát triển và tạo điều kiện tham gia thị trường dễ dàng hơn cho các đơn vị giàu tiềm lực.
Bên cạnh đó các trường yếu kém, tiềm lực yếu cần phải giải thể hoặc sáp nhập. Vấn đề nhất hiện nay là ở các trường đại học sống chết không rõ ràng. Để làm được việc này thì chính sách cần rõ ràng để không xảy ra tranh chấp, loại bỏ các trường đầu tư ngắn hạn và phát triển các trường đầu tư dài hạn.
GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình: Nếu Tư lệnh ngành tốt thì sẽ giải quyết vấn đề bức xúc, tiêu cực trong giáo dục hiện nay!
Muốn cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, theo tôi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần đột phá trong việc thực hiện tốt Nghị quyết 29. Nếu Tư lệnh ngành tốt thì cần huy động cả hệ thống chính trị , toàn xã hội vào để giải quyết vấn đề bức xúc, tiêu cực trong giáo dục hiện nay.
Ngoài ra, tôi hy vọng bộ trưởng mới phát huy được vai trò của các trường ngoài công lập trong hệ thống và sử dụng nó như một đòn bẩy để phát triển trường công lập theo đúng hướng, tăng cường sự cạnh tranh nền giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Nếu bộ trưởng mới giải quyết được 2 vấn đề trên là rất tốt, xã hội yên tâm.
Về trước mắt, Bộ trưởng cần giải quyết tốt kỳ thi năm nay xét tuyển vào ĐH,CĐ, làm thế nào để kỳ thi này đạt kết quả tốt, xã hội yên tâm. Bản thân thí sinh phổ thông chọn vào trường đại học phù hợp với nguyện vọng, năng lực và điều kiện học tập của các em.
Hồng Hạnh (thực hiện)