Phòng chống tham nhũng hiệu quả: Phải tháo gỡ “bế tắc” trong kiểm soát tài sản

Mặc dù dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có nhiều sửa đổi, bổ sung về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập nhưng còn thiếu quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý…

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Có nên mở rộng đối tượng kê khai tài sản?

Về đối tượng kê khai tài sản, dự thảo Luật có sự điều chỉnh lớn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp, mở rộng đối tượng kê khai tài sản là vô cùng bất cập bởi thực tế việc kê khai tài sản hiện nay vô cùng hình thức. "Chúng ta giao cho mấy anh tổ chức cán bộ đi xác minh không có tý chuyên môn điều tra nào thì chúng ta đang kỳ vọng vào những cái không tưởng”, ông Quyền thẳng thắn nói.


Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại Phiên họp (Ảnh: TH)

Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại Phiên họp (Ảnh: TH)

Ông Bùi Quốc Phòng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị thu hẹp đối tượng kê khai. Dẫn ví dụ các đối tượng như Phó Chủ tịch Hội phụ nữ, thanh niên ở cấp huyện, phụ cấp 0,2, họ là các cơ quan tuyên truyền chủ trương, chính sách, không có điều kiện để tham nhũng. “Việc thu hẹp các đối tượng kê khai tài sản, tập trung vào đội ngũ cán bộ có chức có quyền, sẽ giúp việc kiểm soát tài sản tập trung hơn, dễ thực hiện hơn”, ông Phòng kiến nghị.

Phải có cơ chế kê khai, kiểm soát, xác minh và thu hồi tài sản

Theo dõi biến động về tài sản, thu nhập là quy định mới của Dự thảo nhằm khắc phục tính hình thức trong quy định hiện hành. Dự thảo quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc chủ động thu thập, khai thác thông tin, dữ liệu bản kê khai tài sản, thu nhập; yêu cầu người kê khai giải trình biến động tài sản, thu nhập khi tiến hành kê khai bổ sung hoặc giải trình đối với giao dịch có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên và quyết định việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ quy định…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, mặc dù dự thảo Luật có nhiều sửa đổi, bổ sung về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập nhưng còn chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý, một trong những nội dung quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu thập.

Theo ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Nguyên, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, Dự thảo Luật quy định khi có dấu hiệu thiếu trung thực, rồi có đơn thư tố cáo thì mới xác minh thì rất khó, bởi như vậy khó phát hiện được tài sản bất thường. “Tôi đề nghị cần xác minh tài sản của người khi họ được đề bạt, bổ nhiệm”, ông Hùng kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp, đặt vấn đề: “Qua nhiều lần sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến nay vẫn hình thức, hiệu quả thấp. Tại sao?”. Theo ông Quyền, khó khăn nhất của công tác PCTN là kiểm soát tài sản. Nếu không kiểm soát được tài sản thì vô phương PCTN. Kiểm soát tài sản là bảo bối trong phòng chống tham nhũng.

Khẳng định đưa ra các vấn đề liêm chính, mở rộng liêm chính là cần thiết, tuy nhiên, Viện trưởng Nguyễn Văn Quyền cho rằng khi xây dựng các thể chế chúng ta cứ kỳ vọng vào vào sự tự giác liêm chính của cán bộ, mà không đi tìm cơ chế kiểm soát lại vấn đề đó. “Người ta tham nhũng thì không bao giờ tự giác cả. Tôi thấy vắng bóng sự kiểm soát liêm chính”, ông Quyền nói. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra, hiện nay chúng ta chỉ quy được trách nhiệm của người kê khai không trung thực thôi, còn xử lý tài sản thế nào trong dự án Luật này cũng bỏ ngỏ. Dự án Luật vẫn “bế tắc” chưa tìm được cơ chế kê khai, kiểm soát, xác minh và thu hồi tài sản.

Cấm bổ nhiệm người thân vào vị trí có nguy cơ tham nhũng

Nhằm xây dựng chế độ liêm chính, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc hoặc mua bán hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Không bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người thuộc trường hợp:

Có bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó được dự kiến bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.

Có vợ, chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu là người quản lý, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp hoặc kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó được dự kiến bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu.

Theo Thu Hằng

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam