“Ông nào sống nổi bằng lương tối thiểu, tôi đi đầu xuống đất!”

Bà xã tôi xem tivi về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, xem xong cô ấy phủi tay: “Mấy ông đang phát biểu trên truyền hình, ông nào sống nổi bằng tiền lương tối thiểu do mấy ổng đề xuất, tôi đi đầu xuống đất”.

Bà xã tôi chìa ra mảnh giấy ghi các khoản chi phí đầu năm học cho 2 đứa nhỏ kèm theo tiếng thờ dài thườn thượt. Ngay lúc đó, bản tin trên VTV1 phát về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016 với ý kiến của các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia . Vợ tôi chăm chú xem. Xem xong, cô ấy phủi tay: “Mấy ông đang phát biểu trên truyền hình, ông nào sống nổi bằng tiền lương do mấy ổng đề xuất, tôi đi đầu xuống đất”.

Vợ tôi chỉ được cái... nói đúng. Hai vợ chồng tôi cùng làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng tại KCX Linh Trung , TP HCM. Vợ tôi làm tổ trưởng sản xuất, tôi làm công nhân trực tiếp. Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng tùy thuộc tháng đó tăng ca ít hay nhiều.

 

“Ông nào sống nổi bằng lương tối thiểu, tôi đi đầu xuống đất!” - 1

Tuy có hộ khẩu ở TP HCM nhưng vì gia đình đông anh em, nhà cửa chật chội nên vợ chồng tôi phải thuê nhà ở riêng sau khi cưới. 10 năm qua, căn phòng 16m2 ở quận Thủ Đức là nơi trú ngụ của gia đình tôi. 1 triệu đồng tiền thuê nhà, thêm 300.000 đồng tiền điện nước mỗi tháng đã được xem là rất rẻ để có một chỗ tá túc ở cái thành phố đắt đỏ nhất nước này.

Hai đứa con tôi, một đứa tiểu học, một đứa mẫu giáo, trung bình mỗi tháng hết 4 triệu đồng chi phí cho việc ăn uống, sữa sùng, gởi con ngoài giờ khi phải tăng ca... Đó cũng là cái giá hết sức tiết kiệm cho 2 đứa con ăn học ở cái thành phố được xếp loại “vùng 1” này.

Đây là hai khoản chi “bất di, bất dịch” mà mỗi ngày thức dậy, hai vợ chồng tôi đều phải nhớ đến. Nó ngốn mất gần 2/3 thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng. Phần thu nhập còn lại, chúng tôi phải chi cho ăn uống hằng ngày của cả nhà và trăm thứ linh tinh có tên và không tên khác. Chắc chắn là không đủ. Đó là trời thương cho mạnh khỏe, không đau ốm bệnh tật, không có sự cố bất thường...

 

“Ông nào sống nổi bằng lương tối thiểu, tôi đi đầu xuống đất!” - 2

“Vợ chồng mình thu nhập từng ấy mà muốn sống được đã phải lo tới hộc máu mồm, máu mũi; vậy mà cái ông gì đó lại đi kỳ kèo 10% thay vì 16%. Nói thiệt, mấy cái phần trăm đó chẳng có giá trị gì ráo vì nó vốn dĩ vẫn còn cách xa mức sống tối thiểu ”- vợ tôi lại lèm bèm.

Cô ấy vốn có chuyên môn kế toán nên nói cái gì ra cũng có con số để chứng minh. Để lời nói của mình có sức thuyết phục , vợ tôi viện dẫn điều 91 Bộ Luật Lao động về mức lương tối thiểu. Điều luật này quy định “mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Vợ tôi nhấn mạnh: “Anh lưu ý nhé, lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tức là phải bảo đảm cho cả anh, cả em và con chúng mình được sống. Vậy mà trong thực tế thì sao? Tiền lương tối thiểu mấy ổng quy định hiện nay không đủ nhét vô miệng, lấy gì tích lũy, tái tạo sức lao động ?”.

Tôi thấy vợ tôi có lý. Mấy hôm nay mọi người trong xưởng đã râm ran bàn tán về chuyện tăng lương tối thiểu vùng. Số liệu từ tổ kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa công bố cho thấy nhu cầu sống tối thiểu của người lao động năm 2015 là 3.920.000 đồng/người/tháng. Như vậy, gia đình tôi 4 người, vị chi mỗi tháng nhu cầu sống tối thiểu phải là 15.680.000 đồng. Với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, rõ ràng thu nhập thực tế của chúng tôi dù cao hơn lương tối thiểu 3,1 triệu đồng/tháng hiện nay nhưng chỉ mới đáp ứng 63,7% nhu cầu sống tối thiểu.

 

“Ông nào sống nổi bằng lương tối thiểu, tôi đi đầu xuống đất!” - 3

“Nói thiệt với anh, bây giờ mỗi lần nghe mấy ổng nói tăng lương tối thiểu, em rầu lắm vì lương chưa tăng mà mọi thứ đã nhảy vọt. Hơn nữa, cái mức tăng đề xuất chẳng có thực tế chút nào. Thôi, mệt quá, không nói nữa, ráng chờ tới năm 2017 coi mức lương tối thiểu có đủ sống như lời mấy ổng không!”- vợ tôi lại phủi tay theo cái cách quen thuộc của cô ấy.

Mãi cho đến khi vợ tôi đã chui vô mùng với hai đứa nhỏ, tôi vẫn còn bần thần ngồi nhìn mảnh giấy vợ đưa khi nãy. Đầu năm học, các khoản đóng góp của hai đứa nhỏ đã gần 6 triệu đồng. Không biết vợ tôi bằng cách nào mà vẫn xoay sở để cái gia đình này tồn tại.

Tôi hết nhìn tờ giấy lại nhìn vô mùng. Chắc vợ tôi cũng không ngủ được vì tôi thấy cô ấy cứ lăn qua, trở lại. Thật lạ lùng, sao nghe tăng lương mà ai cũng lo lắng là sao?

Trần Ngọc Hùng

(Theo báo Người Lao động)