Từ Bắc vào Nam, phí BOT mất 93 triệu đồng , không đến thế nhưng...
(Dân trí) - Trong bản tin tổng hợp của của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phát đi sáng ngày 10.9 có thông tin: Một chiếc xe đi từ Bắc đến Nam hết khoảng 20 triệu tiền xăng dầu nhưng tốn đến 93 triệu tiền phí BOT, ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ đã công bố những con số này là thiếu chính xác.
Song, có một thực tế là phí BOT trong chi phí vận tải đang rất cao, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo một thống kê khá tỉ mỉ của Vnexpress, cập nhật cho đến tháng 8/2017 thì từ Bắc vào Nam có 38 trạm thu phí BOT với tổng số tiền phí mà một chiếc ô tô 4 chỗ phải trả là khoảng 1,3 triệu đồng.
Tất nhiên, với các loại xe vận tải hạng nặng như xe chở containner từ 20- 40 feet hoặc xe chở hàng từ 10-18 tấn hoặc từ 18 tấn trở lên thì số tiền phí phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều lần. Với loại xe này, mức thu phí ở nhiều trạm dao động từ khoảng 120-200 ngàn đồng/lượt. Với 38 trạm thu phí, lấy mức phí cao nhất khoảng 200.000 đồng/lượt đi thì mức phí mới là 7,6 triệu đồng và cả 2 chiều là khoảng 15,2 triệu đồng.
Còn theo con số của Tổng cục Đường bộ công bố hôm qua (11/9) thì tổng số trạm thu phí BOT từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu là 29 trạm với tổng số phí cao nhất cho loại xe tải, container hạng nhất là 4,54 triệu đồng.
Một con số khác: Khảo sát của Đài truyền hình Việt Nam cho thấy, từ TP.HCM về miền Tây có tổng cộng 7 trạm thu phí. Các tài xế phải trả ít nhất 245.000 đồng để qua các trạm này. Một quãng đường không quá dài mà nhiều trạm thu phí và mức thu cao như vậy, làm sao doanh nghiệp có lãi?
Tại hội thảo về các dự án BOT giao thông tổ chức ở Hà Nội cuối tuần trước, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã dẫn số liệu khảo sát của các tổ chức nghiên cứu kinh tế cho thấy, chi phí logictic (vận chuyển) ở Việt Nam hiện nay là trên 21%, thuộc loại cao nhất trên thế giới. Và chi phí này chủ yếu bị đẩy cao do phí BOT tăng cao trong mấy năm gần đâu.
Các dự án BOT giao thông được đầu tư trong một chủ trương phát triển, nâng cấp hệ thống giao thông, bằng phương thức huy động vốn đầu tư tư nhân, kết hợp với vốn đầu tư từ ngân sách. Tuy nhiên, sự gia tăng quá mức số dự án, số trạm BOT, mức thu phí BOT rõ ràng đang dồn gánh nặng lên vai DN và kìm hãm nhiều ngành nghề phát triển.
Chủ trương trên, cho đến nay, vẫn được nhiều doanh nghiệp, người dân cho rằng là đúng để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế. Nhưng trạm thu phí BOT quá dày đặc (hiện toàn quốc đã lên tới 88 trạm, theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải), có nhiều nơi 100 km có tới 4 trạm như Thanh tra Chính phủ kết luận là không đảm bảo khoảng cách trung bình (70 km) thực tế đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển.
Phí cao sẽ làm cho doanh nghiệp khó khăn, đình trệ hoạt động, thậm chí thua lỗ, phá sản và kinh tế nhà nước kiệt quệ.
Trong thời gian qua, các ý kiến, phân tích đã nêu rất nhiều về những sai phạm của các trạm thu phí BOT, về những bất hợp lý trong khoảng cách đặt các trạm, mức thu phí... nhưng chưa có những thống kê đầy đủ nào phản ánh đầy đủ ảnh hưởng, hiệu quả kinh tế của các dự án BOT với nền kinh tế... Mà chủ yếu mới có những con số thống kê chưa đầy đủ từ Bộ Giao thông vận tải về số trạm, vốn đầu tư và thiếu những phản biện, đánh giá.
Do đó, thiết nghĩ, trong thời điểm này, các cơ quan nhà nước, các Viện nghiên cứu kinh tế rất cần có những điều tra, khảo sát, đánh giá tác động đầy đủ của các dự án, các trạm thu phí BOT đến hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải; tác động đến đời sống, thu nhập của người dân thường xuyên phải đi qua các trạm BOT để Chính phủ có thể ra những quyết định xử lý, điều chỉnh cần thiết, giảm bớt, thậm chí xóa bỏ một số trạm BOT, giảm phí BOT để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân- doanh nghiệp- nhà nước.
Mạnh Quân