Sao phải tăng lương cho họ?

(Dân trí) - Tăng lương là cần thiết nhưng tăng cả cho những đối tượng “có cũng được mà không cũng được”, lười biếng, vô dụng và “hành là chính” là bất công bởi họ không chỉ không xứng đáng mà cần phải loại bỏ ra khỏi đội ngũ cán bộ, công chức.

 

Sao phải tăng lương cho họ? - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong “phong trào thi đua” lập các dự án xây dựng tượng đài, trung tâm hành chính lên đến hàng trăm, hàng ngàn và cả chục ngàn tỉ thì vẫn còn một “món nợ” cánh cánh, đó là tăng lương. Theo lộ trình, đáng lẽ việc tăng lương phải được thực hiện từ năm ngoài. Thế nhưng do eo hẹp từ ngân sách, việc tăng lương đã bị “lỡ nhịp”.

Sang năm nay, tình hình kinh tế cũng lại rất căng nên có thể thêm một lần nữa, việc tăng lương khó được thực hiện. ĐB Lê Nam than thở: “Chúng ta đã lỗi hẹn một lần với cử tri rồi. Lần này, chúng ta lại tiếp tục không tăng lương cho họ?”.

Cách đây ít lâu, ĐB Đỗ Văn Đương (TP. HCM) đã từng kêu lên đầy “thảng thốt”: “Người ta cũng sắp chết cả rồi, quá khổ lắm rồi... bớt ăn đi dành cho họ và tăng lương cho người ta”.

Câu nói khi đó đã làm cả nghị trường lặng yên trong giây lát!

Dẫn ra để thấy việc tăng lương là cần thiết bởi đời sống cán bộ công chức và những người sống bằng lương đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng ở đời, “đồng tiền” bỏ ra nó phải xứng với “bát gạo” nhận về.

Nghĩa là một khi tăng hưởng thụ thì cũng phải tăng trách nhiệm. Dân trả tiền cho anh, anh muốn lương cao thì chất lượng phục vụ cũng phải cao. Nói như dân gian, “tiền nào” phải được hưởng “của ấy”. Không có chuyện tiền lương thì đòi cao mà trách nhiệm thì… vẫn thế, thậm chí chưa nói là kém đi.

Thế nhưng hiện nay, đội ngũ công chức vẫn tiếp tục ngày một phình to. Cái con số 30% sáng cắp ô đi, tối cắp về, “có cũng được mà không cũng được” như lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có nguy cơ “lỗi thời” bởi dư luận cho rằng, phải là 40-50%, thậm chí hơn thế nữa và nếu thế, việc tăng lương phải chăng trở thành bất hợp lý, bất công.

Làm sao dân có thể trả tiền để nuôi một đội ngũ mà một người làm, mấy người chơi?

Làm sao dân lại phải còng lưng trả tiền cho những người mà theo họ, “hành (dân) là chính”?

Người xưa có câu “Đa quan, tàn dân” và “Lắm thầy rối ma”. Quá nhiều quan thì dân sẽ khổ cũng như “lắm thầy” tất sẽ “rối ma”.

Còn nhớ năm ngoái, ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) đặt thẳng câu hỏi: “Quốc hội nên làm gì trước tình trạng lạm phát cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách?”.

Ông Nhã còn đưa ra những số liệu ngốn tiền thuế của dân, đọc lên phát… sởn da gà: “Hiện cả nước có 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức hưởng ngân sách, tức là cũng có khoảng 139.000 cấp trưởng. Số lượng cấp phó phân bố không đều nhưng có cơ quan chỉ có một vài người, hoặc 5, 6 thậm chí 7, 8 cấp phó”.

Rồi vị Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đặt phép tính: “Nếu một cấp phó hàng năm nhà nước chi thêm trung bình khoảng 30 triệu đồng như phụ cấp chức vụ, diện tích phòng làm việc, điện nước, đi lại v.v... thì 139.000 cấp phó sẽ phải chi khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, con số này sẽ gấp 2, 3, 4, 5 lần nếu số lượng cấp phó là 2, 3, 4, 5 người...”.

Chao ôi! Theo tính toán của ĐB Nhã, nếu mỗi cơ quan có 2 cấp phó tức là mỗi năm tiền thuế của dân mỗi năm phải chi ra khoảng 8.000 tỉ đồng, ba cấp phó là 12.000 tỉ đồng và năm cấp phó thì con số lên đến… 20.000 tỉ đồng, tương đương với gần 1tỉ USD.

Đó là chưa kể nhiều phó sẽ dẫn đến chồng chéo, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm và như dân gian nói “Nhiều cha con khó lấy chồng”.

Trở lại việc tăng lương, chỉ có hai cách, một là tinh giản biên chế và hai là tiết kiệm chi tiêu.

Người dân không thể è cổ để nuôi những cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, có cũng được mà không cũng được lại còn “hành (dân) là chính”.

Tăng lương là cần thiết nhưng tăng cả cho những đối tượng “có cũng được mà không cũng được”, lười biếng, vô dụng và “hành là chính” là bất công bởi họ không chỉ không xứng đáng mà cần phải loại bỏ ra khỏi đội ngũ cán bộ, công chức.  

Bùi Hoàng Tám