“Lưu ban” tư duy “cấm chợ, ngăn sông”, “bế quan, tỏa cảng”…

(Dân trí) - Thời điểm hội nhập toàn cầu, thế giới phẳng với Chính phủ kiến tạo, vẫn còn có lối suy nghĩ hạn hẹp như vậy? Phải chăng họ vẫn “lưu ban tư duy”, không chịu “lên lớp” từ thời bao cấp?

“Lưu ban” tư duy “cấm chợ, ngăn sông”, “bế quan, tỏa cảng”… - 1

Cứ ngỡ việc “bế quan tỏa cảng”, “cấm chợ, ngăn sông” từng kìm hãm sự phát triển của đất nước đã lùi vào dĩ vãng kể từ năm 1986, thời điểm khởi đầu Đổi mới với chủ trương có tính then chốt, đó là lưu thông hàng hóa.

Thế nhưng 32 năm sau (2018), cái tư tưởng đó vẫn tái xuất và đáng lo ngại là lại nằm trong suy nghĩ của một vị lãnh đạo chính quyền cao cấp nhất của một tỉnh đông dân cũng nhất nhì cả nước.

Đó là trong phiên báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị Chính phủ với các Bộ, ngành và địa phương về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đề xuất hạn chế nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên sử dụng xăng dầu của nhà máy Nghi Sơn sắp vận hành.

Theo báo Dân trí, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng cơ chế để tiêu thụ hết sản phẩm sản xuất ra, trong đó nghiên cứu hạn chế nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài để nhà máy sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.

Ngay lập tức, đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân và chuyên gia kinh tế.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng gay gắt:

“Đây là một đề xuất tồi, rất phi thị trường, điển hình cho cơ chế điều hành kinh tế có bàn tay nhà nước, lúc nào "bí" thì dựng hàng rào lên để cạnh tranh, trong khi tự mình không cạnh tranh nổi.

Thử hỏi, nếu hạn chế nhập xăng dầu, thì dân có được dùng xăng ưu đãi, chất lượng tốt và lợi hơn so với dùng xăng nhập hay không? Làm rõ vấn đề đó thì hãy nên hạn chế”.

Trả lời phỏng vấn PV Dân trí, bài “Đề xuất dừng nhập xăng, bán xăng Nghi Sơn: Thói xin cho, phi thị trường”, vị chuyên gia này còn phân tích rất kỹ các mối quan hệ trong nước và quốc tế.

Về phương diện quốc tế, bà Lan cho rằng việc đề xuất như thế không đúng với kinh tế thị trường, phá vỡ nhiều quy định tuân thủ pháp luật thế giới mà Việt Nam đã tham gia.

Hiện nay Việt Nam cũng tham gia rất nhiều Hiệp định FTA với các nước lớn trên thế giới và khu vực hoá, quốc tế hoá, chịu sự giám sát của các nước khác nhau nên chúng ta không thể đơn phương đưa ra vấn đề hạn chế như vậy được. Nếu chúng ta gây mất niềm tin ở vấn đề nào đó thì sẽ khiến thế giới có cái nhìn khác về Việt Nam.

Ở trong nước, nếu chúng ta hạn chế đồng nghĩa với việc hạn chế sự cạnh tranh và loại bỏ yếu tố thúc đẩy cạnh tranh, cải thiện chất lượng. Những người mua lớn, người tiêu dùng lẻ hạn chế đi lựa chọn sản phẩm, điều này phát sinh độc quyền cung ứng, phân phối...

Tóm lại, bà Lan cho rằng đây là đề xuất phi lý và tin rằng Chính phủ sẽ không chấp nhận.

Nhìn nhận việc này ở góc độ kinh tế và pháp luật, có lẽ bà Phạm Chi Lan đã nói khá đầy đủ.

Người viết bài này chỉ thấy ngạc nhiên, sao đến tận bây giờ, khi mà cả nước đang hướng tới nền kinh tế thị trường với hàng loạt ký kết quốc tế mà vẫn còn xuất hiện suy nghĩ “bế quan, tỏa cảng” như vậy nhỉ?

Thời “cấm chợ, ngăn sông” trước Đổi mới khiến kinh tế đất nước sa sút, đời sống nhân dân cơ cực chưa đủ là bài học hay sao?

Và tại sao ở thời điểm hội nhập toàn cầu, thế giới phẳng với Chính phủ kiến tạo, vẫn còn có lối suy nghĩ hạn hẹp như vậy? Phải chăng họ vẫn “lưu ban tư duy”, không chịu “lên lớp” từ thời bao cấp?

Bùi Hoàng Tám