Hàng trăm công nhân mất việc trong “nháy mắt”:
TAND TP Cà Mau tuyên bác yêu cầu của công nhân không đúng quy định!
(Dân trí) - Liên quan đến vụ hàng trăm công nhân mất việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, theo Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Cà Mau, không chỉ công ty này có nhiều vi phạm mà tòa sơ thẩm TAND TP Cà Mau bác yêu cầu của công nhân cũng không đúng quy định.
Tòa sơ thẩm tuyên không đúng quy định
Theo kháng nghị mới đây của Viện KSND tỉnh Cà Mau, các bản án sơ thẩm (tháng 4/2018) của TAND TP Cà Mau bác toàn bộ yêu cầu của công nhân là không đúng quy định pháp luật. Do đó, Viện KSND tỉnh Cà Mau cho rằng, nên cần sửa án sơ thẩm, hủy quyết định ngày 27/7/2016, buộc Công ty Cấp nước Cà Mau nhận công nhân trở lại làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã ký kết.
Viện KSND tỉnh Cà Mau cho biết, việc Công ty Cấp nước Cà Mau chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nên theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ Luật Lao động, công ty phải có trách nhiệm vật chất đối với người lao động (NLĐ).
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 42 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật: “Phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày NLĐ không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ”.
Căn cứ vào quy định trên thì Công ty Cấp nước Cà Mau có trách nhiệm nhận công nhân trở lại làm việc theo như HĐLĐ đã giao kết; trả cho công nhân khoản tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 27/7/2016 đến ngày xét xử phúc thẩm cộng với 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ; đóng các loại bảo hiểm cho công nhân từ tháng 8/2016 theo quy định pháp luật.
Đồng thời, công ty còn có nghĩa vụ phải tiếp tục trả lương cho công nhân từ ngày xét xử phúc thẩm đến ngày công ty nhận công nhân trở lại làm việc.
Đề nghị tòa phúc thẩm tuyên buộc công ty nhận công nhân trở lại làm việc
Qua những phân tích nêu trên, Viện KSND tỉnh Cà Mau có quyết định kháng nghị một phần các bản án sơ thẩm (tháng 4/2018) của TAND TP Cà Mau theo thủ tục phúc thẩm.
Viện KSND tỉnh Cà Mau đề nghị TAND tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm sửa một phần các bản án sơ thẩm nói trên theo hướng: Chấp nhận một phần yêu cầu của công nhân, hủy quyết định ngày 27/7/2016 của Công ty Cấp nước Cà Mau về chấm dứt HĐLĐ đối với công nhân; buộc công ty nhận công nhân trở lại làm việc.
Ngoài ra, buộc công ty bồi thường 2 tháng tiền lương; trả tiền lương trong những ngày không được làm việc tính từ ngày 27/7/2016 đến ngày xét xử phúc thẩm và truy đóng các loại bảo hiểm cho công nhân từ tháng 8/2016 theo quy định pháp luật; buộc công ty trả tiếp tục trả lương cho công nhân từ ngày xét xử phúc thẩm đến khi công ty nhận công nhân trở lại làm việc.
Nhiều vi phạm pháp luật
Như Dân trí đã phản ánh, để đáp ứng tình hình sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí và tinh gọn bộ máy hoạt động, Công ty Cấp nước Cà Mau đã lập phương án tái cơ cấu tổ chức bộ máy và bố trí lại lao động. Theo phương án, công ty phải cho nhiều NLĐ thôi việc. Ngày 27/7/2016, công ty đã ban hành quyết định về việc chấm dứt HĐLĐ đối với một số công nhân.
Do không đồng ý với quyết định trên, nhiều công nhân đã khởi kiện yêu cầu tòa án hủy quyết định ngày 27/7/2016, buộc Công ty Cấp nước Cà Mau nhận lại làm việc và bồi thường các khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra trong tháng 4/2018, TAND TP Cà Mau đã tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các công nhân.
Trong khi đó, Viện KSND tỉnh Cà Mau có kháng nghị cho biết, quá trình chấm dứt HĐLĐ đối với công nhân, Công ty Cấp nước Cà Mau đã có nhiều vi phạm pháp luật.
Cụ thể, công ty đã vi phạm Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP và vi phạm khoản 3 Điều 44, khoản 2 Điều 46 Bộ Luật Lao động; vi phạm Điều 48 Luật số 69 năm 2014, không xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu là UBND tỉnh Cà Mau trước khi xây dựng phương án trong đó có nội dung cho nhiều NLĐ thôi việc; vi phạm nghiêm trọng quy chế dân chủ khi lập phương án cho NLĐ thôi việc nhưng NLĐ không được quyết định về việc chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 60.
“Do có nhiều vi phạm nêu trên nên việc công nhân yêu cầu hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ ngày 27/7/2016 và nhận trở lại làm việc là có cơ sở”, văn bản kháng nghị của Viện KSND tỉnh Cà Mau nêu quan điểm.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.
Huỳnh Hải