Bài 22:
Kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao bị bác bỏ, gia đình mẹ liệt sỹ vẫn một mực kêu oan
(Dân trí) - Liên quan đến hành trình đòi công lý suốt 14 năm của gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão, mặc dù Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Kháng nghị Giám đốc thẩm đề nghị TAND tối cao hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 206/2013, giao hồ sơ cho TAND TP Hà Nội xét xử lại nhưng Quyết định Giám đốc thẩm số 13/2016 của TAND cấp cao tại Hà Nội lại hoàn toàn đi ngược với những chứng cứ mà Kháng nghị Giám đốc thẩm đã đưa ra.
Như Dân trí đã thông tin trong hơn 20 bài báo, vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội đã trải qua hơn 06 phiên xét xử, 04 Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm, 04 Quyết định Giám đốc thẩm kéo dài hơn một thập kỷ nhưng hiện nay quyền và lợi ích của các đương sự trong vụ án vẫn không được đảm bảo. Mặc dù Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Kháng nghị Giám đốc thẩm số 52/2015 đề nghị Tòa Dân sự TAND tối cao hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 206/2013, giao hồ sơ cho TAND TP Hà Nội xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật, thế nhưng Quyết định Giám đốc thẩm số 13/2016 của TAND cấp cao tại Hà Nội lại hoàn toàn đi ngược với những chứng cứ mà Kháng nghị Giám đốc thẩm đã đưa ra, khiến cho sự thực của vụ án lại thêm một lần nữa bị sai lệch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án cho thấy, thửa đất số 142 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội thuộc quyền sử dụng của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Kế và cụ Triệu Thị Mão, do được thừa kế hợp pháp từ bố mẹ là cố Nguyễn Văn Sụn và Nguyễn Thị Nghĩa. Sự việc xảy ra bắt đầu từ năm 1993, khi ông Nguyễn Văn Tạo-– con trai của cụ Kế và cụ Mão tự ý đi kê khai tách thửa đất 142 thành 02 thửa bằng nhau với diện tích 510m2. Ông Tạo đứng tên 510m2, phần diện tích 510m2 còn lại tự viết tên em họ Nguyễn Văn Chung (bị tâm thần từ nhỏ) đứng tên vì nghe đồn ai làm "sổ đỏ" có nhiều đất sẽ bị thu hẹp, hoặc đóng thuế cao hơn. Tất cả giấy tờ liên quan đến việc cấp "sổ đỏ" đều do ông Tạo tự kê khai và nộp lên xã Đông Mỹ, cụ Mão cùng với những người con khác của cụ (bà Nguyễn Thị Nhung; bà Lê Thị Vui) không hề hay biết. UBND xã Đông Mỹ cũng không cho người đi đo đạc, cắm mốc giới theo đúng quy định của Nhà nước mà lại đề nghị UBND huyện Thanh Trì cấp GCNQSDĐ đối với hai thửa đất nói trên.
Đầu năm 2002, bà Nguyễn Thị Bình - chị gái ruột đồng thời là người giám hộ của ông Nguyễn Văn Chung, bất ngờ mang "sổ đỏ" trở lại quê đòi chia đôi khuôn viên nhà cụ Triệu Thị Mão đang ở. Trước sự việc này, ngày 09/9/2002, cụ Triệu Thị Mão làm đơn khởi kiện tới TAND huyện Thanh Trì yêu cầu huỷ 02 GCNQSDĐ cấp trái pháp luật tại thửa đất số 142, diện tích 1.020m2, tờ bản đồ số 03. Từ năm 2003 tới nay, trải qua hơn một thập kỷ mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão đấu tranh đòi quyền, lợi ích hợp pháp với 08 bản án đã tuyên đều không thừa nhận giá trị pháp lý của 02 GCNQSDĐ nói trên. Thế nhưng đi ngược lại kết quả nghiên cứu, lao động trong suốt gần 13 năm của nhiều vị thẩm phán, ngày 26/3/2013 thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã cho ra đời một bản án hết sức sáng tạo khi ngang nhiên thừa nhận tính hợp pháp của 02 GCNQSDĐ này. Bản án số 206/2013 còn có rất nhiều điểm đặc biệt khi không chỉ vi phạm cả về nội dung, thủ tục tố tụng mà còn có những sai số về diện tích thửa đất 142 so với số liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như số liệu thực tế, khiến cho bản án này không thể thi hành.
Quá bức xúc trước một bản án giấy này, bà Nguyễn Thị Nhung, con gái đồng thời là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng hợp pháp của cụ Triệu Thị Mão có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên. Ngày 28/5/2015, Viện trưởng VKSNDTC đã ra Quyết định số 52/2015/KN-DS Kháng nghị Giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 206/2013/DS-PT ngày 26/8/2013 của TAND TP. Hà Nội, đề nghị Toà dân sự TAND tối cao xét xử Giám đốc thẩm huỷ Bản án dân sự phúc thẩm; giao hồ sơ cho TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định pháp luật. Thế nhưng tại Quyết định GĐT số 13/2016/DS-GĐT ngày 20/4/2016 của TAND cấp cao tại Hà Nội đã bác bỏ toàn bộ căn cứ của Viện trưởng VKSNDTC khi không chấp nhận Kháng nghị mà giữ nguyên Bản án 206/2013.
Theo luật sư Nguyễn Đào Tơ (Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội) thì giữa Quyết định Kháng nghị GĐT số 52/2015 và Quyết định GĐT số 13/2016 có những điểm vênh khó lý giải, cụ thể:
Thứ nhất, có hay không tồn tại việc phân chia đất giữa các con của cố Sụn và cố Nghĩa là cụ Nguyễn Văn Kế, Nguyễn Văn Bốn và Nguyễn Văn Sáu vào năm 1968?
Tại Kháng nghị 52/2013 của Viện trưởng VKSNDTC đã khẳng định: hai cố Sụn và cố Nghĩa mất trước năm 1945, không để lại di chúc. Tài sản của hai cố để lại do vợ chồng cụ Nguyễn Văn Kế và cụ Triệu Thị Mão quản lý, sử dụng. Năm 1956 vợ chồng cụ Mão chia cho cụ Sáu 1.016m2 đất và ao, phần còn lại là nhà ở trên 1.020m2 đất hai cụ tiếp tục quản lý, sử dụng và phát triển một số tài sản trên đất. Như vậy, khối tài sản của cố Sụn và cố Nghĩa do cụ Kế và cụ Mão đã quản lý, sử dụng ổn định từ trước năm 1945 không có bất kỳ tranh chấp nào, kể cả với người em ruột là cụ Nguyễn Văn Bốn. Đặc biệt cũng khôngbất cứ văn bản nào thể hiện có sự bàn bạc hay thỏa thuận phân chia khối tài sản này giữa cụ Kế, cụ Bốn và cụ Sáu. Nhưng Bản án GDT số 13/2016 lại lập luận ngược lại hoàn toàn, chỉ căn cứ vào lời khai của bà Bình cho rằng “vào năm 1968, ba người con của cố Sụn và cố Nghĩa là cụ Kế, cụ Bốn và cụ Sáu có họp và phân chia nhà đất, theo đó, cụ Sáu được sử dụng 1.016m2 đất và ao, phần còn lại là nhà ở trên 1.020m2 do cụ Bốn và cụ Kế chia đôi; nhưng do cụ Bốn đi công tác nên vợ chồng cụ Kế tạm sử dụng toàn bộ phần đất này. Năm 1987, ba anh em cụ Kế, cụ Bốn và cụ Sáu họp và vẫn nhất trí theo sự phân chia trước nên cụ Bốn gửi đơn ra UBND xã Đông Mỹ đề nghị được cấp GCNQSDĐ (nhưng do cụ Bốn già yếu nên để cho ông Chung đứng tên)” để rồi khẳng định có việc phân chia nhà đất giữa các con của cố Sụn và cố Nghĩa vào năm 1968.
Mấu chốt của việc cho rằng có sự phân chia di sản trên đều xuất phát từ lời khai một phía của bà Nguyễn Thị Bình - người đại diện đồng thời là người kế thừa nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Văn Chung. Tuy nhiên, xét về hồ sơ thực tế, sau khi cố Sụn, cố Nghĩa qua đời trước năm 1945, vợ chồng cụ Kế, cụ Mão đã quản lý, sử dụng toàn bộ thửa đất 142 nói trên; đến năm 1956 tự nguyện phân chia 1.016m2 cho gia đình cụ Sáu sử dụng, phần còn lại 1.020m2 gia đình cụ tiếp tục sử dụng ổn định, không có tranh chấp, mặc dù lúc sinh thời cụ Bốn có về quê nhiều lần. Bà Bình cho rằng có sự thỏa thuận bằng miệng giữa ba cụ về việc phân chia nhà đất năm 1968, nhưng bốn người làm chứng mà bà đưa ra thì tại thởi điểm năm 1968 thì có hai người còn rất nhỏ, đặc biệt có hai người còn sinh ra sau cả thời điểm này thì liệu rằng họ có thể biết được việc phân định đất giữa ba anh em nhà cụ Kế?
Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão theo kiện đến khi đã qua đời nhiều năm chưa tìm được công lý.
Mặc khác, những người làm chứng đều là những người thân thích của bà Bình, nên có cơ sở nghi ngờ rằng lời chứng có phần thiếu khách quan. Việc bà Bình đưa ra các nhân chứng để khẳng định có sự thỏa thuận giữa ba ông không chỉ thể hiện tính gian dối, không trung thực trong quá trình tham gia tố tụng, mà còn thể hiện rõ ý đồ của bà là bằng mọi cách chiếm đoạt được phần tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác. Trong khi đó, các nhân chứng cao tuổi, sống sát nhà đang tranh chấp và cùng thôn với cụ Kế đều xác nhận, nhà đất của cố Sụn và cố Nghĩa để lại cho cụ Sáu sử dụng ½ từ năm 1956, còn lại ½ đất trên có nhà do cụ Kế, cụ Mão sử dụng liên tục, ổn định, không có việc cụ Bốn về đòi chia đất của cố Sụn và cố Nghĩa. Những nội dung trên đều thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án.
Mặt khác, có thể thấy rõ rằng nếu như có việc phân chia nhà đất giữa ba cụ thì rõ ràng cụ Kế là anh trưởng trong gia đình sẽ phải được phần nhiều hơn cả, nếu không cũng phải được một phần ba khối tài sản này. Thế nhưng trên thực tế thửa đất rộng trên hai nghìn mét này thì đã được chia làm đôi, phần của cụ Sáu là 1.016m2, phần còn lại 1.020m2 là của cụ Kế. Xét tâm lý của người Việt Nam nói chung thì sự phân chia như vậy là rất có cơ sở bởi lúc này cụ Bốn đã chuyển ra Hà Nội sinh sống, ở quê chỉ còn hai cụ Kế và cụ Sáu, nên thửa đất mới được phân chia như vậy.
Các căn cứ thực tế trên đã góp phần khẳng định thêm tính đúng đắn của Quyết định Kháng nghị số 52/2013 nhưng không hiểu sao Quyết định GĐT số 13/2016 lại không hề xem xét đến những chi tiết này, cố tình cho rằng việc phân chia nhà đất từ năm 1968 giữa ba cụ Kế, cụ Bốn và cụ Nghĩa là có thật. Phải chăng một lần nữa, Quyết định GĐT số 13/2016 lại đi vào vết xe đổ của Bản án trái pháp luật số 206/2013.
Thứ hai, việc cấp GCNQSDĐ đối với hai thửa đất nói trên của UBND huyện Thanh Trì có đúng với các quy định của Luật Đất đai 1987?
Kháng nghị số 52/2015 của Viện trưởng VKSNDTC đã khẳng định: việc UBND huyện Thanh Trì cấp GCNQSDĐ đối với hai thửa đất 142 và 209, tờ bản đồ số 3 là trái với quy định pháp luật khiến cho 02 GCNQSDĐ này không có giá trị pháp lý. Khằng định này hoàn toàn có cơ sở bởi hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ những căn cứ sau:
Văn bản đề nghị chia tách thửa đất gửi UBND xã Đông Mỹ ngày 20/4/2993 do ông Tạo tự ý nhờ người viết hộ và tự ký tên ông Chung; hơn nữa do ông Chung bị tâm thần từ nhỏ, ông Tạo lại không phải là giám hộ đương nhiên của ông Chung; đặc biệt cụ Mão – người chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất cũng không hề hay biết việc làm này của ông Tạo nên văn bản này không có giá trị pháp lý.
Biên bản chia cắt đất ngày 20/4/1993 của Tổ ruộng đất xã Đông Mỹ có nội dung: “Theo Đơn đề nghị của cụ Kế về việc chia thửa đất thành hai phần để ông Chung và ông Tạo đứng tên (mỗi người 510m2)”, đây là phần nội dung không có giá trị pháp lý, bởi lẽ biên bản này được lập vào năm 1993, nhưng cụ Kế thì đã mất năm 1988 thì làm sao có thể viết đơn và ký vào đơn năm 1993. Đồng thời, cuối văn bản có ghi “Mọi người trong gia đình và đại diện tổ ruộng đất của xã được ủy nhiệm đều nhất trí ký tên” nhưng trên thực tế chỉ có mình ông Tạo ký tên.
Phần đất mà thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã tuyên cho mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão được hưởng do "công sức duy trì, tôn tạo và phát triển tài sản" đối với chính phần tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cụ Mão trong suốt hơn nửa thập kỷ qua không có lối đi.
Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất ngày 20/12/1993 đứng tên ông Nguyễn Văn Chung nhưng lại không có chữ ký của ông Chung, bởi trên thực tế lúc này ông Chung đang sống ngoài Hà Nội và ông Chung – một người bị tâm thần từ bé – không hề viết Đơn, ký vào Đơn này.
Theo thông tư 302/TT-ĐKTK ngày 28/10/1989 của Tổng cục quản lý ruộng đất thì người sử dụng đất được cấp GCNQSDĐ phải có đủ 02 điều kiện đó là: “Khu đất đang sử dụng đã được thể hiện đầy đủ trên bản đồ địa chính và diện tích đất đang sử dụng đã được ghi vào sổ địa chính mà đến nay không có biến động, nghĩa là đã được xác định quyền sử dụng đất hợp pháp đến thời điểm cấp GCNQSDĐ”. Thực tế, năm 1993 ông Tạo và ông Chung không có tên trên bản đồ địa chính, cũng không có tên trong sổ địa chính; ông Tạo ở trên đất đó cùng cụ Mão, còn ông Chung chưa bao giờ ở, sử dụng cũng như đóng thuế đối với diện tích đất này (510m2); do đó, hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của ông Tạo và ông Chung không có giá trị pháp lý. Hơn thế nữa, ngày 12/8/2013 Phòng tài nguyên môi trường huyện Thanh trì đã có công văn số 404/BC-TNMT khẳng định việc cấp GCNQSDĐ cho ông Tạo và ông Chung là không đúng.
Rõ ràng, các căn cứ trên đã chứng minh một cách đầy đủ nhất đã được Quyết định Kháng nghị số 52/2015 xem xét, nhưng Quyết định GĐT số 13/2016 không hề xem xét đến những căn cứ này, mà lại cho rằng “từ năm 1987 thì thửa đất tranh chấp được tách làm 02 thửa và kê khai trên bản đồ địa chính xã là tên ông Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Chung, khi đó, cụ Kế và cụ Bốn còn sống nhưng không có ý kiến gì”, từ đó thừa nhận tính hợp pháp của 02 GCNQSDĐ nói trên dù đã được chính cơ quan ban hành ra nó là UBND huyện Thanh Trì khẳng định là có sai phạm, cũng như đã bị nhiều bản án trước đây tuyên hủy do cấp trái pháp luật. Nguyên đơn chỉ yêu cầu huỷ “sổ đỏ” chứ không yêu cầu chia di sản.
Thứ ba, diện tích thửa đất đang có tranh chấp có khớp với số liệu đo đạc được trên thực tế?
Theo trích lục sơ đồ thửa đất hiện được lưu giữ tại xã Đông Mỹ thì thửa đất 142 có diện tích là 1.020m2, ngoài ra trong lời khai của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm cũng như toàn bộ các bút lục, các bản án trong hơn một thập kỷ qua đều công nhận thửa đất 142 có diện tích là 1.020m2. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà Bản án 206/2013 lại tuyên và có sơ đồ đính kèm thửa đất trên lại có tổng diện tích là 1.022,7m2, sai số lớn hơn so với só liệu thống nhất từ trước đến nay là 2,7m2. Bức xúc trước bản án tuyên hết sức tùy tiện, ngày 12/9/2013, bà Nhung - người thừa kế của cụ Mão đã mời Công ty TNHH một thành viên địa chính Hà Nội đo đạc lại toàn bộ diện tích thửa đất 142 thì kết quả hoàn toàn bất ngờ khi diện tích thực của thửa đất này lại là 983,7m2. Như vậy, diện tích thửa đất trong Bản án 206 là không đúng với diện tích trong thực tế, cũng không đúng với diện tích thực tế khiến cho bản án này chỉ còn làm một bản án giấy không thể thực thi. Sai phạm đã được chỉ rõ tại Quyết định Kháng nghị số 52/2015/KN-DS: “Theo tài liệu do bà Nhung gửi kèm đơn đề nghị (xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm) thì diện tích thửa đất tại bản án phúc thẩm nêu trên là 1.022,7m2nhưng cơ quan chuyên môn khi đo đạc thực tế chỉ là 983,7m2, thiếu 36m2 nội dung này cũng cần phải được xác minh làm rõ” nhưng tại Quyết định GĐT 13/2016 lại không hề nhắc đến vấn đề này, vẫn tuyên “các đồng thừa kế của cụ Mão được quyền sử dụng 712m2 đất và toàn bộ các công trình gắn liền với đất”. Giả sử Quyết định GĐT này có hiệu lực và buộc các bên phải thi hành thì ai sẽ là người phải gánh chịu phần diện tích thiếu do cách tuyên tuỳ tiện của Bản án số 206/2013? Và đâu là căn cứ để cơ quan thi hành án thực thi được bản án này khi các số liệu hoàn toàn bị vênh nhau?
Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhằm xác định có hay không những vi phạm pháp luật về cả thủ tục tố tụng lẫn nội dung; đây cũng là cứu cánh cuối cùng để đương sự có có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, Quyết định GĐT phải luôn là quyết định sáng suốt, công tâm, xem xét toàn diện, đầy đủ tất cả các chứng cứ khách quan trong vụ án thì mới đảm bảo được tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Nhưng Quyết định GĐT số 13/2016 dường như đi ngược lại tính chất của trình tự giám đốc thẩm khi không xem xét đến tính hợp pháp, hợp lý của hồ sơ vụ án; không xem xét đến căn cứ mà Kháng nghị số 52/2015 đưa ra, gây ảnh hưởng trực tiếp đền quyền và lợi ích của gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão.
Không chấp nhận một Quyết định hết sức phi lý này, những người thừa kế của cụ Mão cho biết họ sẽ còn tiếp tục khiếu nại lên cấp có thẩm quyền để đấu tranh bảo vệ công lý. Hơn một thập kỷ đi tìm lẽ phải khiến cho mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão ra đi trong oan khuất còn các thành viên trong gia đình thêm phần mệt mỏi và dần mất niềm tin vào công lý.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế