Bài 21:

Hà Nội: "Còng lưng" theo kiện 14 năm, gia đình liệt sỹ có đòi được công lý?

(Dân trí) - Bị đẩy vào vòng xoáy kiện tụng hao tiền, tốn sức kéo dài suốt hơn một thập kỷ với 02 Bản án sơ thẩm của TAND huyện Thanh Trì; 04 Bản án phúc thẩm của TAND thành phố Hà Nội; 04 lần kháng nghị; 03 Quyết định Giám đốc thẩm nhưng đến nay vụ kiện vẫn chưa đi đến hồi kết khiến mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão ra đi trong oan khuất còn các thành viên trong gia đình thì mệt mỏi, bức xúc, và niềm tin vào công lý cũng bị xói mòn dần đi.


Vụ án tranh chấp đất hy hữu tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội bắt đầu từ năm 2002, sau khi cụ Triệu Thị Mão biết việc con trai út Nguyễn Văn Tạo tự ý chia tách thửa đất rộng 1.020m2 ra làm hai thửa, một thửa thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình, thửa còn lại đứng tên người anh họ là ông Nguyễn Văn Chung (bị tâm thần từ nhỏ) đứng tên, với diện tích mỗi mảnh đất là 510m2. Điều đáng nói, khi thực hiện thủ tục cấp "sổ đỏ", UBND xã Đông Mỹ không tiến hành đo đạc hồ sơ thửa đất, đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của ông Chung đề ngày 20/12/1993 không có chữ ký, cùng hàng loạt sai phạm khác nhưng vẫn được xã Đông Mỹ chấp nhận.  

Theo hồ sơ vụ án do gia đình cụ Triệu Thị Mão cung cấp, thửa đất số 142, tờ bản đồ số 03 có diện tích 1.020m2 tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội là tài sản được gia đình vợ chồng cụ Triệu Thị Mão và cụ Nguyễn Văn Kế sử dụng từ những năm 50 của thế kỷ trước, có nguồn gốc do hai cố Nguyễn Văn Sụn và Nguyễn Thị Nghĩa để lại. Cố Sụn và cố Nghĩa sinh được 03 người con là: cụ Nguyễn Văn Kế, cụ Nguyễn Văn Bốn và cụ Nguyễn Văn Sáu. Sinh thời, hai cố có khối tài sản là 4 gian nhà tranh tre mái lá trên diện tích đất là 2.036m2. Khi trưởng thành, cụ Bốn và cụ Sáu đều đi làm ăn xa, chỉ có cụ Kế ở lại sử dụng, quản lý gian nhà và mảnh đất nói trên.

Hà Nội: Còng lưng theo kiện 14 năm, gia đình liệt sỹ có đòi được công lý? - Ảnh 2.

Phòng TNMT huyện Thanh Trì khẳng định việc cấp "sổ đỏ" cho ông Nguyễn Văn Chung có sai sót và không đúng trình tự.

Năm 1956, vợ chồng cụ Sáu về quê sinh sống. Do đông con nên vợ chồng cụ Sáu được vợ chồng cụ Kế, cụ Mão chia cho ½  đất thổ cư và đất ao là 1.116m2, còn nhà cửa của cố Sụn và cố Nghĩa thì vợ chồng cụ Kế, cụ Mão quản lý và sử dụng cùng toàn bộ diện tích đất còn lại là 1.020m2. Sau khi cụ Nguyễn Văn Kế qua đời năm 1988, gia đình cụ Mão tiếp tục sử dụng ổn định 1.020mnày. Giữa cụ Kế, cụ Bốn và cụ Sáu không có bất cứ văn bản thỏa thuận nào về việc chia tài sản của cố Sụn và cố Nghĩa. Và suốt hơn sáu mươi năm qua cụ Kế, cụ Mão cùng các con sinh sống trên thửa đất này, chưa từng xảy ra tranh chấp với bất cứ ai.

Năm 1993, ông Nguyễn Văn Tạo (con trai cụ Mão) tự ý nhờ người viết hộ đơn xin chia tách đôi thửa đất gia đình cụ Mão đang ở thành 2 phần bằng nhau. Ông Tạo đứng tên 510m2, phần diện tích 510m2 còn lại tự viết tên em họ Nguyễn Văn Chung (bị tâm thần từ nhỏ) đứng tên vì nghe đồn ai làm "sổ đỏ" có nhiều đất sẽ bị thu hẹp, hoặc đóng thuế cao hơn. Tất cả giấy tờ liên quan đến việc cấp "sổ đỏ" đều do ông Tạo tự kê khai và nộp lên xã Đông Mỹ, cụ Mão cùng với những người con khác của cụ (bà Nguyễn Thị Nhung; bà Lê Thị Vui) không hề hay biết việc này. UBND xã Đông Mỹ cũng không cho người đi đo đạc, cắm mốc giới theo đúng quy định của Nhà nước mà lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai thửa đất nói trên.

Bài 20: “Thi hành đến cùng một bản án sai phạm là vi phạm pháp luật”

Đầu năm 2002, bà Nguyễn Thị Bình - chị gái ruột đồng thời là người giám hộ của ông Nguyễn Văn Chung, bất ngờ mang "sổ đỏ" trở lại quê đòi chia đôi khuôn viên nhà cụ Triệu Thị Mão đang ở. Quá ngạc nhiên trước sự việc này, ngày 09/9/2002 cụ Triệu Thị Mão làm đơn khởi kiện tới TAND huyện Thanh Trì yêu cầu huỷ 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái pháp luật trên thửa đất tại thửa 142, diện tích 1.020m2 , tờ bản đồ số 03.

Đầu năm 2002, bà Nguyễn Thị Bình - chị gái ruột đồng thời là người giám hộ của ông Nguyễn Văn Chung, bất ngờ mang "sổ đỏ" trở lại quê đòi chia đôi khuôn viên nhà cụ Triệu Thị Mão đang ở. Quá ngạc nhiên trước sự việc này, ngày 09/9/2002 cụ Triệu Thị Mão làm đơn khởi kiện tới TAND huyện Thanh Trì yêu cầu huỷ 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái pháp luật trên thửa đất tại thửa 142, diện tích 1.020m2 , tờ bản đồ số 03.

Từ năm 2003 tới nay, đã trải qua gần 14 năm với 09 Bản án sơ thẩm, phúc thẩm,  Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm và Quyết định giám đốc thẩm nhưng thửa đất hiện vẫn đang còn tranh chấp khiến quá trình đi tìm công lý của gia đình cụ Mão thêm phần gian truân, trong đó có thể nói bản án gây tranh cãi và chứa đựng nhiều mâu thuẫn, nhiều sự phi lý nhất phải kể đến bản án dân sự phúc thẩm số 206/2003/DS-PT ngày 26/8/2013.

Hà Nội: Còng lưng theo kiện 14 năm, gia đình liệt sỹ có đòi được công lý? - Ảnh 4.

Phần đất mà thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã tuyên cho mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão được hưởng do "công sức duy trì, tôn tạo và phát triển tài sản" đối với chính phần tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cụ Mão trong suốt hơn nửa thập kỷ qua không có lối đi.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc công ty Luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Bản án dân sự phúc thẩm số 206/2013/DS-PT đã bác yêu cầu khởi kiện của cụ Triệu Thị Mão (nay là của những người đồng thừa kế của cụ Mão) là huỷ 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái pháp luật. Đi ngược lại với kết quả nghiên cứu, lao động trong suốt hơn một thập kỷ của nhiều vị thẩm phán công tâm, tài giỏi, Bản án số 206/2013/DSPT do thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân làm chủ tọa lại hết sức "sáng tạo" khi ngang nhiên thừa nhận tính hợp pháp của 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái pháp luật này. Không chỉ vậy, Bản án này còn có rất nhiều điểm sai phạm khi vi phạm về cả nội dung lẫn tố tụng như:

Thứ nhất, xác định sai quan hệ pháp luật của vụ án. Ngược dòng thời gian vào năm 2002, mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão là nguyên đơn trong vụ án Dân sự thụ lý số 53/DS có Đơn đề nghị TAND huyện Thanh Trì tuyên hủy  02 GCNQSDĐ cấp trái pháp luật cho ông Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Chung. Thế nhưng đến ngày 26/8/2013, Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân với  Bản án số 206/2013 đã xác định lại quan hệ pháp luật của vụ án này khi xem xét, giải quyết và xét xử theo hướng khẳng định thửa đất đang tranh chấp là di sản thừa kế đã được chia (dù không có bất cứ văn bản hay người làm chứng hợp pháp nào chứng minh điều này), từ đó tuyên công nhận 02 GCNQSDĐ đã bị chính các cơ quan ban hành ra thừa nhận là sai phạm, không đúng với trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Từ quan hệ pháp luật yêu cầu huỷ "sổ đỏ" cấp trái pháp luật chuyển sang quan hệ pháp luật chia thừa kế, dù nguyên đơn không hề có Đơn khởi kiện bổ sung hay thay đổi nội dung khởi kiện.

Hà Nội: Còng lưng theo kiện 14 năm, gia đình liệt sỹ có đòi được công lý? - Ảnh 5.

Ngôi nhà thờ cũng liệt sỹ và mẹ liệt sỹ đã xuống cấp nhưng gia đình chưa thể sửa chữa được do vụ kiện tụng kéo dài 14 năm chưa có kết quả.

Thứ hai, công nhận tính hợp pháp của 02 GCNQSDĐ đã được chính cơ quan ban hành ra nó thừa nhận là có sai phạm trong quá trình cấp, cũng như nhiều bản án trước đây tuyên hủy do cấp trái pháp luật. Căn cứ theo Luật Đất đai 1987 thì việc thực hiện chia tách phải có Đơn xin chia tách có chữ ký của người viết đơn; Biên bản chia tách có sự nhất trí và có chữ ký của tất cả các thành viên trong gia đình, xác nhận của UBND xã không có tranh chấp trong biên bản; UBND xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì phải tiến hành đo đạc lập hồ sơ thửa đất… mới đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, bộ hồ sơ xin chia tách và cấp GCNQSDĐ cho ông Chung và ông Tạo hoàn toàn không đảm bảo được các quy định này.

Thứ ba, diện tích đất tranh chấp theo bản án lớn hơn nhiều so với diện tích đất trên thực tế khiến cho bản án số 206/2013 không thể thi hành được trong thực tế. Theo trích lục sơ đồ thửa đất hiện được lưu trữ tại xã Đông Mỹ thì thửa đất 142 có diện tích là 1.020m2, ngoài ra trong lời khai của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm cũng như toàn bộ các bút lục, các bản án trong hơn một thập kỷ qua đều công nhận thửa đất 142 có diện tích 1.020m2. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà bản án số 206/2013 lại tuyên thửa đất trên có tổng diện tích là 1.022,7m2, sai số lớn hơn so với số liệu thống nhất từ trước đến nay là 2,27m2. Trước sự sai số trên, gia đình cụ Mão đã mời công ty đo đạc về đo lại thửa đất thì bất ngờ phát hiện ra thửa đất có diện tích chỉ là 987,7 m2. Vậy đâu sẽ là số liệu chính thức để cơ quan thi hành án thực thi nhiệm vụ của mình, nếu như bản án 206/2013 có hiệu lực pháp luật?

Thứ tư, Hội đồng xét xử khi tuyên Bản án số 206/2013 đã "tự ý" vẽ sơ đồ lối đi "trên không" cho các đương sự trong bản án, khiến cho việc thi hành án sẽ đi vào bế tắc trên thực tế. Bản án đã tuyên: "Anh Tạo, chị Nhung đại diện cho các thừa kế của bà Mão và chị Bình đại diện cho anh Chung tự mở lối đi trên phần đất của mình". Sau khi nhận được bản án này, các đương sự không hiểu mình sẽ phải mở lối đi như thế nào nếu căn cứ vào thực tế diện tích đất đã được Tòa "chia", bởi theo Sơ đồ phân chia nhà đất đang tranh chấp do thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã ký kèm theo bản án số 206/2013 thì những người thừa kế của bà Mão chỉ còn cách mở lối đi trên không mà thôi, khi mà ba bề bốn bên đều bị bịt kín bởi: sông thoát nước của Nhà nước, nhà hàng xóm và "phần đất" ông Nguyễn Văn Chung được Tòa "chia"".

Hà Nội: Còng lưng theo kiện 14 năm, gia đình liệt sỹ có đòi được công lý? - Ảnh 6.

Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão theo kiện đến khi đã qua đời nhiều năm chưa tìm được công lý.

Ngay sau khi Bản án số 206/2013/DS-PT được tuyên, bà Nhung (người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Triệu Thị Mão) đã có đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án này. Tại Quyết định số 52/2015/KN-DS của Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị Bản án số 206/2013/DS-PT cũng đã chỉ rõ: thỏa thuận phân chia thửa đất 142 giữa ba cụ Kế, cụ Bốn và cụ Sáu là không có căn cứ; 02 GCNQSDĐ cấp cho ông Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Chung không có giá trị pháp lý do quy trình cấp có nhiều sai phạm… nên đã đề nghị Toà dân sự TAND tối cao xét xử Giám đốc thẩm huỷ Bản án dân sự phúc thẩm; giao hồ sơ cho TAND thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.

Thế nhưng tại Quyết định Giám đốc thẩm số 13/2016/DS-GĐT ngày 20/4/2016 đã bác bỏ toàn bộ căn cứ trên của Viện trưởng VKSNDTC; quyết định giữ nguyên các phán quyết tại Bản án dân sự phúc thẩm số 206/2013/DS-PT là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình cụ Mão.

Có thể thấy đây là một vụ án dân sự có các chứng cứ đều chứng tỏ quy trình cấp 02 "sổ đỏ" của UBND huyện Thanh Trì là trái pháp luật, cần phải huỷ bỏ theo đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tuy nhiên, quá trình xét xử cho thấy, đã có gần mười bản án, quyết định xét xử từ cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm lên tới Giám đốc thẩm nhưng lại có những bản án trái ngược nhau về mặt nội dung, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đã khiến dư luận thêm phần hoài nghi về năng lực xét xử cũng như sự công tâm của một số thẩm phán. Quá trình tố tụng kéo dài hơn một thập kỷ nhưng vẫn chưa "chạm tay" được vào lẽ phải đã không chỉ gây tốn kém tiền bạc, công sức cho chính ngành Tòa án và của các đương sự, mà còn làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với tính nghiêm minh của pháp luật.

Hiện nay những người thừa kế của cụ Mão đang sinh sống trong căn nhà dột nát đã xây dựng từ mấy chục năm về trước ngay sát bờ sông. Thậm chí có khi trời mưa lớn, nước ngập úng sâu tận 1-2m, muốn đi qua lại các thành viên trong gia đình phải đi bằng thuyền rất khó khăn vất vả. Trong căn nhà cũ kỹ đó có di ảnh liệt sĩ Nguyễn Quang Phương (mất ngày 25/7/1968) cùng với bàn thờ tổ tiên. Mặc dù rất muốn sửa sang lại căn nhà để nơi thờ cúng tổ tiên và liệt sỹ được khang trang và sạch đẹp hơn nhưng quá trình kiện tụng kéo dài khiến các thành viên gia đình cụ Mão lâm vào tình cảnh tiến không được, lùi cũng không xong.

Trong khi cả nước đang hướng tới ngày 27/7 để tưởng nhớ tới công lao của các chiến sĩ đã hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc thì gia đình mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão lại chạy đôn, chạy đáo khắp nơi với hy vọng tìm được lẽ phải để bảo vệ cho quyền lợi ích hợp pháp đang bị xâm phạm bấy lâu. Bản thân mẹ liệt sĩ đã về nơi chín suối từ lâu nhưng di nguyện của mẹ vẫn chưa được thực hiện. Câu hỏi nhức nhối này ai sẽ là người giải đáp?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế