1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Yêu cầu chủ tàu nhanh chóng trục vớt tàu hàng bị chìm ở vịnh Quy Nhơn

(Dân trí) - Để sớm giải phóng luồng hàng ra vào cảng Quy Nhơn cũng như tránh việc sự cố tràn dầu có thể xảy ra, tỉnh Bình Định đã yêu cầu các chủ tàu hàng bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn chậm nhất đến ngày 8/12 phải trình phương án trục vớt tàu.

Chủ tàu kêu gặp khó

Ngày 10/11, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định về kế hoạch thực hiện trục vớt và ứng phó sự cố dầu tràn đối với 9 xác tàu bị chìm, mắc cạn do bão số 12 gây ra tại vùng biển Quy Nhơn. Thời gian trình phương án trục vớt chậm nhất đến ngày 8/12.

Theo đó, sau thời hạn trên, các chủ tàu chưa trình phương án trục vớt tài sản chìm đắm, thì tỉnh Bình Định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc trục vớt, mọi chi phí chủ tàu phải chịu theo quy định.


Nhiều tàu hàng chìm chưa được trục vớt gây ách tắc luồng hàng hải vào cảng Quy Nhơn, đặc biệt là nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.

Nhiều tàu hàng chìm chưa được trục vớt gây ách tắc luồng hàng hải vào cảng Quy Nhơn, đặc biệt là nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.

Việc tổ chức thực hiện, tỉnh Bình Định yêu cầu các chủ tàu phải nhanh chóng hợp đồng với các đơn vị trục vớt, cứu hộ xây dựng phương án trục vớt và tổ chức thực hiện. Các chủ tàu chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc trục vớt, ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường trong quá trình trục vớt, cứu hộ.

Tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cùng với Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phải phê duyệt phương án trục vớt các tàu, đồng thời, phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu Miền Trung để theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu trong suốt quá trình trục vớt.

Giao Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn phải điều động lực lượng của công ty môi trường đô thị chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu xảy ra. Sở NN&PTNT Bình Định phải bố trí 1 tàu kiểm ngư tham gia cùng với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu Miền Trung triển khai phao vây dầu nếu xảy ra sự cố tràn dầu.

Trước sức ép phải khẩn trương trục vớt tàu chìm, các chủ tàu đang gặp rất nhiều khó khăn về khâu thủ tục, tìm kiếm nhà thầu, công ty trục vớt.

Ông Nguyễn Công Khoa (46 tuổi, quê Thái Bình), chủ tàu Nam Khánh 26, cho rằng tỉnh Bình Định yêu cầu họ phải trục vớt trong vòng 10-15 ngày thì chủ tàu gặp khó. “Tàu tôi bị chìm ở phao số 5, 6 vùng biển Quy Nhơn, may mắn các thuyền viên đều an toàn nhưng tàu bị đánh vỡ vụn. Con tàu trên 20 tỷ đồng đã bị biển nuốt trắng, giờ có trục vớt lên cũng bán sắt vụn”, ông Khoa trần tình.

Các chủ tàu chìm làm việc với UBND tỉnh Bình Định trước đó
Các chủ tàu chìm làm việc với UBND tỉnh Bình Định trước đó

Lâm vào cảnh tương tự, ông Nguyễn Điền (42 tuổi), chủ tàu Biển Bắc 16, chia sẻ: “Hôm nay chúng tôi mới bắt đầu làm việc với bảo hiểm và các bên để thuê nhà thầu trục vớt tàu. Tuy nhiên, phía cảng vụ đang yêu cầu phải trục vớt sớm để thuận tiện cho tàu ra vào cảng Quy Nhơn. Hiện chúng tôi cũng đang lúng túng vì hiện tại chưa tìm được đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu”.

Lo ngại sự cố tràn dầu

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến sáng 8/11, có tàu An Phú 158 bị chìm trước đó tự nổi và đã di chuyển đến vị trí an toàn. Hiện tại vùng biển Quy Nhơn có 9 xác tàu bị chìm, mắc cạn. Điều lo lắng nhất là lượng dầu trên các tàu chìm, mắc cạn ước tính khoảng 211.686 lít dầu D.O, đặc biệt là 8.000 lít dầu FO.

Trong các tàu chìm hiện còn khoảng hơn 200.000 lít dầu.
Trong các tàu chìm hiện còn khoảng hơn 200.000 lít dầu.

Cụ thể, tàu Biển Bắc 16 (Việt Nam) trên tàu có 3.000 tấn clinker, 10.000 lít D.O, bị chìm; tàu Hoa Mai 68 (Việt Nam) có 3.095 tấn quặng Apatit, 20.000 lít D.O; tàu Sơn Long 08 (Việt Nam) có 2.984 tấn clinker, 10.000 lít D.O; tàu Jupiter CPC (Campuchia), không có hàng, bị lật và biến dạng; tàu Hà Trung 98 (Việt Nam) có 2.890 tấn gạo, 5.000 lít D.O; tàu Nam Khánh 26 (Việt Nam) có 2.283 tấn clinker, 20.000 lít D.O; tàu Fei Yeu 9 (Mông Cổ), không có hàng, có 23.000 E D.O, 8.000 lít FO; tàu Việt thuận 168 (Việt Nam) có 1.556 tấn than đá, 103.686 lít D.O; tàu Thanh Hải 18 (Việt Nam), không có hàng, 20.000 lít D.O.

Đại diện Cảng vụ Quy Nhơn cho rằng, lo lắng nhất là 8.000 lít dầu FO, nếu xảy ra sự cố tràn dầu, lượng dầu này sẽ nhuộm đen biển Quy Nhơn.

Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến - Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - cứu nạn Bộ Tổng tham mưu, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn thông tin thêm: “Hiện nay còn 2 thuyền viên mất tích. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các thuyền viên này. Quan trọng nhất là giải quyết tiến hành trục vớt và ứng phó với sự cố tràn dầu để không tràn ra biển Quy Nhơn. Khi trục vớt phải triển khai đồng thời với các biện pháp ứng phó với sự cố tràn dầu ngay. Việc trục vớt phải kết hợp song song với các công việc điều tàu bốc hàng, hút dầu trên tàu, sau đó dùng phao vây để khoanh vùng không cho dầu lan ra biển”.

Doãn Công