1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Xuất khẩu lao động trái phép - những câu chuyện đau lòng

(Dân trí) - Những hậu quả khôn lường của việc xuất cảnh trái phép đi làm việc “chui” tại Trung Quốc đã không còn là vấn đề mới. Câu chuyện về cái chết thương tâm của 2 công dân huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) tại Trung Quốc mới đây lại một lần nữa cho thấy, xuất cảnh trái phép chưa bao giờ là con đường đưa tới "miền đất hứa".

Những câu chuyện buồn từ gia đình các nạn nhân.

Chết không rõ nguyên nhân

Chúng tôi tìm về xã Minh Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) - một xã nghèo nằm nép mình bên bờ biển. Nghề đi biển vốn cơ cực, thu nhập bấp bênh nên khoảng 10 năm trở lại đây, thanh niên kéo nhau sang Trung Quốc. Họ vượt biên để vào các xưởng cưa, lò gạch, xưởng quét keo giày dép... Đau lòng nhất, tại đây trong một thời gian ngắn đã có tới 3 lao động tử vong khi đang làm việc “chui” tại xứ Người.

Chị Phan Thị Hằng vẫn chưa quên nỗi ám ảnh ngày được nhận hung tin chồng tử vong nơi đất khách quê người. Nhà nghèo, mưu sinh với nghề biển không đủ sống, anh Lê Văn Đức đã chọn con đường sang Trung Quốc làm thuê.

Xuất khẩu lao động trái phép - những câu chuyện đau lòng - 1

Mẹ con chị Hằng bên bàn thờ anh Lê Văn Đức.

Mới chưa đầy 4 tháng, người đàn ông này còn chưa kịp gửi về quê cho vợ con được đồng nào đã phải bỏ mạng. Do là lao động “chui”, không được quyền bảo hộ công dân nên khi chồng tử vong, chị Hằng đã phải chạy vạy khắp nơi mới có được khoản tiền hàng trăm triệu đồng sang Trung Quốc đưa thi thể của chồng về nước.

Còn với bà Đồng Thị Hải (thôn Minh Hải, xã Minh Lộc), con trai bà mất đã được hơn 3 năm rồi thế nhưng cho đến giờ bà vẫn không biết rõ nguyên nhân cái chết của con trai sau khi sang Trung Quốc. Anh Nguyễn Văn Sỹ (SN 1989, con trai bà Hải) sang đây lao động “chui” từ năm 2014.

Xuất khẩu lao động trái phép - những câu chuyện đau lòng - 2

Bà Hải đau xót cho biết không rõ con trai chết vì lý do gì.

Cuối tháng 8/2016, gia đình bà Hải nhận được hung tin anh Sỹ tử nạn. Đến lúc nhận tin, gia đình chẳng biết anh sang Trung Quốc làm công việc gì, ở đâu, vì sao chết.

Chị Hoàng Thị Thúy (vợ anh Sỹ) chia sẻ: “Sau khi anh mất, có người thì bảo anh bị người ta đánh chết, có người bảo ốm nên chết. Lúc đó, công an Trung Quốc cũng hỏi gia đình có nguyện vọng mổ tử thi để làm rõ nguyên nhân hay không nhưng gia đình không muốn nhìn cảnh anh đã mất rồi còn bị mổ xẻ nữa nên đã không mổ tử thi mà thiêu rồi mang tro cốt về”.

Sau khi chồng mất, chị Thúy một mình nuôi đứa con trai chưa tròn một tuổi. Sự nghèo khổ, cơ cực lại càng đè nặng lên vai người phụ nữ bất hạnh này.

Chồng chết, vợ cũng bị bắt giam

Mới đây, hai lao động “chui” tại Trung Quốc là người xã Quảng Nham và Quảng Thạch (huyện Quảng Xương) cũng đã bị nhóm người Việt Nam làm việc tại Trung Quốc đánh đến chết.

Trong căn nhà của nạn nhân Hoàng Văn Trọng (xã Quảng Thạch), di ảnh và bát hương vẫn đang còn mới. Ông Hoàng Văn Dũng, bố của nạn nhân Trọng cho biết, phải mất gần 2 tháng làm thủ tục, tro cốt của con trai ông mới có thể được đưa về nước.

Xuất khẩu lao động trái phép - những câu chuyện đau lòng - 3

Ông Dũng chưa hết bàng hoàng khi con trai tử nạn ở Trung Quốc.

Ông Dũng cho biết, do công ăn việc làm ở nhà không có, chỉ lao động tự do nên vợ chồng con trai mới gửi con lại cho ông Dũng trông để xin đi làm ăn xa. Bản thân ông cũng không hề biết vợ chồng con trai sang Trung Quốc “chui” để làm ăn.

“Vợ chồng nó gửi con lại rồi đi vào tháng 2/2019, nó bảo ra Hải Phòng làm ăn, tôi có biết là chúng nó sang lao động "chui" ở Trung Quốc đâu. Từ khi nó đi đến giờ, nó cũng chưa gửi về cho tôi đồng nào để nuôi cháu. Bất ngờ nhận được hung tin con bị đánh chết ở Trung Quốc. Lúc đó, công an vào cuộc thì phát hiện vợ cũng là lao động bất hợp pháp nên đã bắt giam. Đám tang của chồng, nó cũng chưa được thả về. Phải 2 tháng sau phía Trung Quốc mới thả rồi trục xuất về nước” – ông Dũng ngậm ngùi kể lại.

Xuất khẩu lao động trái phép - những câu chuyện đau lòng - 4

Chị Bình- vợ nạn nhân Đinh Văn Nguyên đau đớn kể lại cái chết của chồng.

Nạn nhân Đinh Văn Nguyên (xã Quảng Nham) cũng cùng bị nhóm người Việt đánh chết trong vụ án này. Với chị Nguyễn Thị Bình, vợ nạn nhân Nguyên, chuyện lao động "chui" ở xứ Người vẫn còn là nỗi ám ảnh.

Nhà chị Bình cả vợ chồng và con gái đều sang Trung Quốc làm “chui” trong xưởng giày dép. Khi anh Nguyên bị đánh chết, chị Bình cùng con gái đều bị Công an Trung Quốc bắt giữ. Đau xót thay, đám tang của anh Nguyên, vợ và con anh vẫn bị bắt giam nơi xứ Người.

Xuất khẩu lao động trái phép - những câu chuyện đau lòng - 5

Chị Bình và nỗi ân hận khi đã chọn con đường lao động trái phép sang Trung Quốc.

Chị Bình vừa khóc vừa kể câu chuyện đau lòng: “Trước khi sang Trung Quốc, anh thì ở nhà lao động tự do, chị thì bán cá, bán hoa quả nhưng không đủ sống. Cũng vì mưu sinh, vì muốn thoát khỏi cái nghèo nên năm 2018, hai vợ chồng sang trước, đến năm 2019 con gái mới sang cùng.

Vì mình là lao động “chui” nên không dám đi đâu cả. Ngoài việc lên xưởng làm việc thì cũng chỉ quanh quẩn ở nhà. Chị sợ nhất là người Việt Nam làm ăn bên đó. Họ ganh ghét, đố kị nhau, họ sẵn sàng đánh chém. Cho đến giờ chị cũng không biết vì sao mà họ lại đánh chết chồng chị.

Người phụ nữ này cũng cho biết, chị vô cùng ân hận vì đã chọn con đường mưu sinh quá mạo hiểm và cái giá phải trả quá đắt, cũng bởi “cơm áo gạo tiền” và thiếu hiểu biết.

Được biết, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc ở xã Quảng Nham và xã Quảng Thạch đã diễn ra từ những năm 2011 và nở rộ vào những năm 2014-2015. Thời điểm nở rộ, có hàng trăm lao động ở đây sang Trung Quốc làm “chui”. Hiện tại xã Quảng Thạch còn khoảng hơn 20 người và Quảng Nham còn 43 người đang lao động bất hợp pháp bên Trung Quốc.

Ông Phạm Hồng Thái, Trưởng Công an xã Quảng Nham cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến việc những năm trước người dân ở xã Quảng Nham đổ xô đi lao động trái phép bên Trung Quốc là do công ăn việc làm không có, không những vậy, bên Trung Quốc họ không cần lao động phải qua đào tạo, không cần phải có trình độ hay độ tuổi.

Chúng tôi cũng đã tuyên truyền cho người dân hiểu việc lao động trái phép rất nhiều rủi ro và hệ lụy, cho họ ký cam kết nhưng vẫn chưa triệt để được tình trạng này. Vừa rồi, trên địa bàn xảy ra vụ việc anh Đinh Văn Nguyên bị tử vong khi lao động trái phép bên Trung Quốc. Do là lao động bất hợp pháp nên phải mất gần 1 tháng, người nhà mới làm xong thủ tục đưa tro cốt anh Nguyên trở về”.

Theo thống kê của Công an huyện Quảng Xương, toàn huyện hiện có hơn 150 người xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc. Mặc dù trong những năm gần đây, nhiều giải pháp ngăn chặn đã được Công an huyện thực hiện nhưng dường như vẫn chưa đủ mạnh để giải quyết triệt để tình trạng này.

Bình Minh