Xuất hiện nhiều điểm sạt lở, Thanh Hóa sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm
(Dân trí) - Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có mưa cục bộ tại một số địa phương. Dù lượng mưa chưa lớn nhưng đã xuất hiện những điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Nhiều địa phương đã tổ chức sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm từ đêm qua 16/8.
Chiều tối ngày 16/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có công điện số 12 về việc ứng phó với bão số 4. Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay (17/8) vùng tâm bão đi vào đất liền tỉnh Thanh Hóa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ từ 3-6 m; trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Bưởi có khả năng lên mức BĐ3 và trên mức BĐ3; vùng thượng lưu sông Mã có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, vùng hạ lưu sông Mã lên mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở khu vực miền núi; ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm công điện số 11/CĐ-UBND ngày 16/8/2018.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các hộ dân sinh sống ở khu vực mép nước, trong phạm vi cách bờ biển 200m; tổ chức di dời sơ tán ngay các hộ dân ở khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao mất an toàn.
Đối với các huyện miền núi chủ động kiểm tra rà soát các hộ dân nằm trong các khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất để khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn. Việc sơ tán dân khu vực ven biển và khu vực miền núi phải thực hiện xong trước 22h, ngày 16/8/2018.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến 8h sáng nay, ngày 17/8, diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có gì bất thường. Trong khi đó, các địa phương vẫn đang tích cực triển khai công an ứng phó với mưa lũ có thể xảy ra.
Tại huyện ven biển Nga Sơn ngay trong đêm, chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán dân ở sát mép nước đến nơi an toàn.
Tại huyện miền núi Lang Chánh, ngay trong đêm 16/8, địa phương này đã tổ chức sơ tán các hộ dân trong những khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Công tác di dân đã hoàn thành.
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện miền núi Mường Lát, cho biết: Hiện tại, trời đang mưa, chưa có thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, quốc lộ 15C đã sạt lở 3 điểm khiến giao thông bị chia cắt. Huyện đã chỉ đạo Hạt giao thông 7 đưa máy móc, phương tiện đến hiện trường để giải phóng đất đá.
Cũng theo ông Cường, huyện cũng đã yêu cầu các xã sơ tán dân ở các chòi canh nương rẫy về nhà chính; một số hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn hơn.
Còn tại huyện Thạch Thành đã cử các tổ công tác túc trực tại 2 xã Thạch Lâm và Thạch Tượng. Đây là 2 xã miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Trong trường hợp mưa to, nguy cơ sạt lở thì lực lượng chức năng sẽ di dân ngay lập tức...
Tại huyện Quan Sơn, tính đến thời điểm này, đã có hơn 30 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu tại các xã Tam Thanh, Sơn Điện, Mường Mìn, Trung Tiến được di dời đến nơi an toàn. Mực nước trên các sông có lên nhưng vẫn ở mức bình thường.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Sông Chu, Chủ tịch UBND các huyện kiểm tra, rà soát tình hình tích nuớc các hồ chứa; chỉ đạo vận hành xả lũ các hồ chứa theo đúng quy trình được duyệt, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.
Đối với hồ Cửa Đạt, thực hiện việc xả lũ theo lưu lượng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đã chỉ đạo chiều ngày 16/8.
Tổ chức lực lượng canh đê, chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê, các trọng điểm xung yếu, các tuyến đê đang thi công dở dang, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê khi có sự cố xảy ra...
Duy Tuyên