1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Xuân về trên Bản Phồng

(Dân trí) - So với trước đây, mùa xuân này tộc người Tày Poọng ở bản Phồng, xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) có thêm niềm vui mới khi đã có sóng điện thoại để liên lạc, có nhà văn hóa cộng đồng bạc tỷ để vui tết, đón xuân. Cuộc sống của bà con ở nơi được coi là nghèo nhất nước này đang thay da, đổi thịt từng ngày.

Chúng tôi trở lại Bản Phồng khi cuộc sống của bà con nơi đây đã bình yên trở lại sau những xáo trộn về an ninh trật tự hồi tháng 7/2015 (Như Dân trí đã đưa tin về vụ thảm sát tại mảnh đất khó khăn này). Nhờ sự bám dân, bám bản, thường xuyên làm công tác tư tưởng an dân của cán bộ công an huyện Tương Dương và sự “cầm tay, chỉ việc” của các chiến sỹ Đồn biên phòng Tam Hợp trong phát triển kinh tế, người Tày Poọng ở Bản Phồng đã thực sự tin và biết ơn Đảng, Nhà nước đã mang đến cho họ cuộc sống đổi thay trên chính quê hương mình.

Từ Trung tâm xã Tam Hợp vào đến Bản Phồng khoảng 5km, so với trước đây, tuyến đường này đã được nâng cấp, mở rộng và xe ô tô có thể vào đến tận bản.

Trước đó, vào năm 2012, hệ thống điện lưới quốc gia đã được kéo đến bản và thêm niềm vui mới khi bắt đầu từ tháng 10/2015 vừa qua, Bản Phồng đã chính thức được phủ sóng điện thoại, chấm dứt cảnh biệt lập thông tin với thế giới bên ngoài kéo dài suốt những năm qua.

Chủ tịch UBND xã Tam Hợp Nguyễn Anh Minh với bà con Bản Phồng.
Chủ tịch UBND xã Tam Hợp Nguyễn Anh Minh với bà con Bản Phồng.

Cùng với con đường bê tông kiên cố theo tiêu chuẩn nông thôn mới chạy từ đầu đến cuối bản, nhà văn hóa cộng đồng cũng vừa được xây dựng xong, giá trị ngót nghét một tỷ đồng đã kịp cho bà con dân bản quây quần đón chào năm mới trong những ngày xuân 2016.

Trưởng bản Viêng Văn Độ phấn khởi cho biết: “Kết thúc năm 2015, bản Phồng tổ chức họp dân bình xét hộ nghèo. Tín hiệu vui là năm nay, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm nhiều hơn so với năm trước, người Tày Poọng không còn có thói quen trông chờ, ỷ lại hay sống phụ thuộc vào nương rẫy nữa mà đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi lợn gà, trâu bò để phát triển kinh tế.

Ở bản Phồng hôm nay cũng đã có nhiều hộ gia đình có những mô hình làm ăn kinh tế giỏi, điển hình như gia đình các ông Viêng Thanh Toán, Vi Mạnh Cầm. Sau khi được hỗ trợ về giống, gia đình đã tập trung vào chăn nuôi dê, bò, lợn kết hợp trồng cây, trồng rừng theo mô hình trang trại kết hợp và đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận”.

Bản Phồng hiện có 115 hộ gần 700 nhân khẩu, phần lớn người dân thuộc người Tày Pọong, chỉ có một số ít là người dân tộc Thái, Kinh từ nơi khác đến làm ăn, sinh sống.

So với vài năm trước đây, Bản Phồng hôm nay không còn cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt, thiếu mặc mùa đông giá. Đáng mừng hơn, những năm gần đây việc học cái chữ ở Bản Phồng đã có nhiều thay đổi, nhờ sự kiên nhẫn và hết lòng với học sinh của các cô giáo cắm bản mà nhận thức về việc học của người dân đã tiến bộ hơn.

Trẻ em 3 tuổi là được đến lớp rồi, ở bản có điểm trường mẫu giáo và điểm trường tiểu học. Tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng cũng đã giảm hẳn, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.

Ông Nguyễn Anh Minh - Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết thêm: Bản Phồng là bản giáp biên khó khăn, cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào việc làm nương rẫy, tự cung tự cấp, vì thế đời sống còn khá vất vả.

Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, hàng năm đều có nguồn hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế như tặng con giống, cây giống, đến ngày giáp hạt hoặc ngày tết thì có hỗ trợ thực phẩm.

Một góc Bản Phồng hôm nay.
Một góc Bản Phồng hôm nay.

Bởi vậy, người Tày Poọng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đến bản Phồng hôm nay, vào bất cứ nhà nào cũng đã có truyền thanh, truyền hình để nghe nhìn và cập nhật các chế độ, chính sách của Nhà nước.

“Có điện thích lắm nhà báo ạ. Người dân nơi đây bao thế hệ gắn bó trọn đời mình với bản làng nhưng không biết ánh sáng của đèn điện, không biết ti vi là cái gì cả. Nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ mà nay đã có điện lưới quốc gia thắp sáng, có sóng điện thoại để nghe gọi. Ngày Tết cổ truyền, đã có tiếng nhạc loa đài, đến đêm 30 được nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước nữa”, ông Viêng Văn Thọ, một già làng ở Bản Phồng xúc động chia sẻ.

Theo trưởng bản Viêng Văn Độ, những năm gần đây, do được tuyên truyền vận động nên người dân Bản Phồng đã xóa bỏ được nhiều hủ tục, trong bản có người ốm thì đưa ra Trạm y tế chứ không mời thầy cúng nữa.

Ma chay, cưới hỏi cũng đơn giản hơn. Ngày Tết người dân bản Phồng vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của mình, những ngày cuối năm phụ nữ vào rừng hái lá dong để gói bánh chưng, đàn ông thì đi ra khe ra suối để bắt cá.

Mâm cúng ngày Tết không thể thiếu hai món ấy, đặc biệt là cá, nếu trong mâm cúng mà thiếu món ăn chế biến từ cá thì coi như nhà đó chưa làm tròn trách nhiệm với tổ tiên.

Tết ở đây không kéo dài, dân bản chỉ ăn tết đến ngày Mồng 5, trong những ngày Tết các gia đình tới thăm hỏi chúc tết nhau giống người Kinh, hoặc mời nhau tới nhà ăn cơm, sau đó họ tập trung về nhà cộng đồng của bản để uống rượu cần và nhảy múa. Cũng bởi vậy, năm nay bản được hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà cộng đồng mới khang trang hơn, rộng rãi hơn, người dân phấn khởi lắm.

Thiếu tá Hoàng Nghĩa Đông - Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Tam Hợp chia sẻ: Đóng chân trên địa bàn, cán bộ chiến sỹ Đồn Tam Hợp luôn đồng hành cùng bà con, trong đó đặc biệt chú trọng đến Bản Phồng.

Cùng với việc cầm tay, chỉ việc, giúp bà con phát triển kinh tế, cán bộ cắm bản còn thuyền xuyên vận động, tuyên truyền để người Tày Poọng từ bỏ tập tục lạc hậu, chú trọng nuôi con, trồng cây để phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, so với trước đây, Bản Phồng hôm nay đã khởi sắc hoàn toàn.

Cùng với sự giúp đỡ của cán bộ biên phòng, trong những năm qua, Tam Hợp nói chung và Bản Phồng nói riêng, cán bộ công an huyện Tương Dương cũng đã chung lưng đấu cật, chung tay góp sức để vừa giúp dân ổn định cuộc sống, vừa làm công tác tư tưởng, an dân, để bà con yên tâm với cuộc sống hiện tại, không di cư trái phép và không vi phạm pháp luật.

Trung tá Trần Phúc Tú - Trưởng Công an huyện Tương Dương chia sẻ: Đường vào với Tam Hợp còn nhiều gian nan, khó khăn nhưng không vì thế mà ngăn được những bước chân bám bản, bám làng để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nơi đây.

Vì bình yên Bản Phồng, bất kể ngày nắng hay đêm mưa, những bước chân không mỏi của cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Tương Dương vẫn chẳng ngại chùn bước, sẵn sàng đến với Bản Phồng để mang mùa xuân ấm áp đến với bản làng, biên cương.

Phương Thủy - Nguyễn Duy