1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

“Xù” và những kẽ hở trong đấu giá từ thiện

(Dân trí) - Nhiều chương trình đấu giá từ thiện bị đổ bể khi những người tham gia chỉ hô cho sướng miệng rồi “xù”, không chịu trả tiền đấu giá. Đó là một kẽ hở của khung pháp lý trong đấu giá từ thiện.

Những vụ “xù” tiền đấu giá tai tiếng

Tại buổi toà đàm “Những khía cạnh pháp lý của hoạt động bán đấu giá tài sản phục vụ cho mục đích từ thiện” ở Học viện Tư Pháp ngày hôm qua, các đại biểu tham dự đã lược lại hàng loạt các sự kiện bán đấu giá từ thiện được truyền thông đình đám nhưng sau đó cũng đầy tai tiếng.
 
“Xù” và những kẽ hở trong đấu giá từ thiện - 1

Cuối năm 2004, trong chương trình đấu giá từ thiện trên truyền hình để ủng hộ cho Quỹ Vì Người Nghèo, chiếc sim số 0988.888.888 của Viettel đã được doanh nhân trả 1 tỷ 10 triệu đồng. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, doanh nhân này đã không trả số tiền đấu giá như đã cam kết.

Ngày 19/1/2010, trong chương trình “Single’day - ngày hội nối vòng tay lớn” diễn ra ở Bình Định, bức tranh gạo của ca sĩ Quang Dũng được trả giá cao nhất là 10.000 USD. Người mua đã yêu cầu Ban tổ chức chuyển tranh về một phòng trà ở TPHCM thì mới chịu chuyển tiền.

Ngày 29 Tết, Mặt trận tổ quốc Bình Định đã tất tả chuyển tranh đi nhưng tiền vẫn không được Mạnh Thường Quân thanh toán như tuyên bố. 8 tỷ đồng khác trong chương trình của các doanh nhân vẫn “bặt vô âm tín”. 5 tỷ đồng của một đại gia ngân hàng vẫn đang nằm ở dạng… cam kết.
 
“Xù” và những kẽ hở trong đấu giá từ thiện - 2
TS Phan Chí Hiếu, Giám đốc Học viện Tư pháp.

Gần đây nhất, ngày 11/11/ vừa qua, trong chương trình “Hoa hậu trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung”, một loạt hiện vật được đem ra đấu giá từ thiện: bức tranh đá quý có chữ ký của 80 thí sinh Miss Earth, viên đá Rubi khổng lồ, bộ Tứ linh giành giải xuất sắc trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Chương trình được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình lớn của Thế giới và trong nước. Tổng số tiền chốt giá cho các hiện vật là 74 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, Hội Chữ thập đỏ TPHCM mới chỉ thu được hơn 1 tỷ đồng. 73 tỷ đồng còn lại đã bị các doanh nhân “ảo” hô cho sướng miệng rồi “lặn mất” hoặc vì lý do này lý do nọ mà “từ chối” trả số tiền đấu giá.

Kẽ hở pháp lý và chiêu PR của các doanh nghiệp

Tham dự buổi toạ đàm, các đại biểu đều đồng nhất quan điểm cần xem xét kỹ lưỡng và hoàn thiện khung pháp luật để xử lý việc bùng tiền của những người tham gia đấu giá từ thiện. Nếu không, các buổi đấu giá từ thiện sẽ trở thành nơi để các doanh nghiệp, cá nhân tự PR, đánh bóng bản thân.
 
“Xù” và những kẽ hở trong đấu giá từ thiện - 3
Luật sư Nguyễn Chiến - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

TS. Phan Chí Hiếu - Giám đốc Học viện Tư pháp, cho biết: “Việc đấu giá từ thiện không chỉ tổ chức theo cái tâm mà phải quan tâm tới tính pháp lý cụ thể, tránh trường hợp hô cho sướng mồm, sướng miệng rồi “xù”.”

Ông Hiếu chỉ ra hàng loạt những kẽ hở của các vụ “xù” tiền tai tiếng trên như: người điều hành đấu giá là các hoa hậu, người đẹp và có hạn chế nhất định về pháp luật về đấu giá; đấu giá qua điện thoại, mua sim cỏ vài ba chục nghìn đấu giá rồi vứt sim đi…

Theo Luật sư Nguyễn Chiến - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Ban tổ chức các buổi đấu giá từ thiện cần phải làm rõ các vấn đề: Người trả giá có đầy đủ tư cách chủ thể để đại diện cho công ty trả giá hay không? Trường hợp họ trả giá không rõ danh tính, không đúng theo danh tính mà họ xưng, không được ủy quyền thì xử lý như thế nào? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ như thế nào?
 
“Xù” và những kẽ hở trong đấu giá từ thiện - 4
Thạc sỹ Lê Thị Bích Lan - Thẩm phán Toá án dân sự Hà Nội.

Bàn về chương trình “Hoa hậu trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung”, Thạc sĩ Lê Thị Bích Lan - Thẩm phán Tòa dân sự Hà Nội, cho rằng: “Buổi tổ chức vừa qua không thể gọi là phiên đấu giá, bởi đấu giá phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về đấu giá. Đây là hoạt động xã hội từ thiện tổ chức theo hình thức đấu giá. Pháp luật chưa quy định cụ thể về việc này. Vụ việc này lẫn lộn giữa mục đích thương mại và mục đích xã hội từ thiện. Có nên coi lời hứa đấu giá với sự chứng kiến của nhiều người là một chứng cứ trong một vụ án và cần thiết phải trở thành một quy định bổ sung”.

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu cho rằng, người thắng đấu giá phải có nghĩa vụ pháp lý. Theo Bộ luật dân sự, khi thắng đấu giá, hợp đồng mua bán đã được xác lập, người trúng đấu giá phải thanh toán tiền, nếu không thanh toán tiền thì phải bồi thường thiệt hại.

Tiến Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm