Xử nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thu lợi bất chính
(Dân trí) - Bộ Nội vụ sẽ chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ đẩy mạnh thanh, kiểm tra để xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kinh doanh, thu lợi bất chính.
Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên trả lời kiến nghị của cử tri về việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kinh doanh, thu lợi bất chính.
Theo Bộ Nội vụ, sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, Bộ này đã chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ tham mưu triển khai đồng bộ các nội dung quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Hàng năm, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chủ động tham mưu thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như: tham mưu xây dựng kế hoạch và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và xử lý, giải quyết theo thẩm quyền các vụ việc liên quan.
Kết quả đã thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kiểm tra việc thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại 13 tỉnh, thành phố.
Qua đó đã kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; chỉ ra những tồn tại, bất cập và hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
"Nhiều kiến nghị, phản ánh liên quan đến tôn giáo được xem xét, giải quyết kịp thời đã giảm được tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp, tạo lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân", Bộ Nội vụ cho hay.
Dù vậy, Bộ Nội vụ cũng đã nhận diện được các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, "đạo lạ", "tà đạo" như "Hội thánh Đức chúa trời mẹ", Pháp Luân công Pháp môn Diệu âm, hiện tượng mê tín dị đoan "Búp bê Kuman Thong",…
Một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lệch chuẩn, vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kinh doanh, thu lợi bất chính như hoạt động của nhóm "Câu lạc bộ tình người", "Năng lượng gốc", một số tu sĩ Phật giáo tuyên truyền mê tín dị đoan, xin xăm, giải xăm, mua bán vật phẩm tâm linh giá cao,…
Về cơ bản các vi phạm, hạn chế, tồn tại trong việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đều thuộc thẩm quyền xử lý, giải quyết của UBND các cấp. Do đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đã kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố quan tâm thực hiện việc xử lý, khắc phục đối với các vi phạm, tồn tại, hạn chế trên địa bàn; phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn các địa phương trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, hạn chế sự phát triển tiến tới loại bỏ khỏi đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng.
Bộ Nội vụ khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kinh doanh, thu lợi bất chính.
Bộ này cũng sẽ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện có hiệu quả hơn các nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra.
"Cô đồng bổ cau" bị phạt 7,5 triệu đồng
Như Dân trí đã phản ánh, những ngày qua dư luận xôn xao trước việc Facebook "Trương Hương" (chủ tài khoản là bà Trương Thị Hương) đăng tải video có nội dung cổ súy hủ tục, mê tín dị đoan lên mạng xã hội. Nội dung các video là những buổi xem bói của cô đồng này với hình thức xem bằng lá trầu, quả cau, kết thúc bằng câu nói "đúng nhận, sai cãi".
Người đến xem bói đưa cho bà Hương lá trầu và quả cau. Sau đó, bà Hương sẽ bổ quả cau rồi nhìn vào quả cau đó phán đoán về tình duyên, tài vận, sức khỏe, vận hạn của mọi người ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Địa điểm xem bói là tại điện thờ nhà bà Hương ở Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương.
Công an thị xã Kinh Môn đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt "cô đồng bổ cau" này số tiền 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ các video, thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan đã đăng tải.