Xử lý tham nhũng giảm dù đầu tư nhiều nguồn lực
(Dân trí) - “Giảm tông” những đánh giá khả quan của Chính phủ về việc ý thức phòng chống tham nhũng của công chức, người dân cải thiện, khả năng tự phát hiện tham nhũng tăng… UB Tư pháp của Quốc hội chỉ ra nghịch lý, các cơ quan chống tham nhũng được đầu tư nhiều nguồn lực nhưng việc phát hiện, xử lý tham nhũng năm 2015 lại giảm.
Thẩm tra báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thống nhất với khá nhiều nhận định Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã đưa ra như “tình hình tham nhũng là vẫn diễn ra phức tạp”, “tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với cơ quan công quyền”.
Chủ nhiệm UB Tư pháp nhấn mạnh, trong năm 2015, tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, dịch vụ và đầu tư công.
Nhưng số lượng các vụ án tham nhũng, kể cả các vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, điều tra, xử lý lại giảm.
Cụ thể, trong kỳ báo cáo, cơ quan điều tra đã khởi tố 178 vụ án với 317 bị can về các tội danh tham nhũng, giảm 61 vụ với 242 bị can. VKSND các cấp đã truy tố 310 vụ/697 bị can, giảm 19 vụ với 54 bị can. Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm 260 vụ với 577 bị cáo, giảm 27 vụ với 98 bị cáo về các tội danh tham nhũng so với cùng kỳ năm trước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất.
Báo cáo thẩm tra cho biết thêm, trong các vụ án do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng điều tra thì tài sản thiệt hại khoảng 268,2 tỷ đồng, thu hồi được 43,9 tỷ đồng, đạt 16,3%. Trên phạm vi cả nước, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt 55,8% giá trị về tiền và 29,2% giá trị về đất.
Không chỉ là con số, cơ quan thẩm tra còn “phê” việc mới chỉ có 19 bộ, ngành địa phương thực hiện xong việc đánh giá tình hình tham nhũng năm 2015 đã làm ảnh hưởng đến tính khách quan, toàn diện trong đánh giá tình hình tham nhũng.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chấn chỉnh kịp thời đối với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện việc đánh giá tình hình tham nhũng năm 2015.
Chưa có biện pháp thanh lọc cán bộ biến chất
Báo cáo thẩm tra đề cập những hạn chế trong công tác này, nhất là vấn đề phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Theo đó, UB Tư pháp chỉ rõ, năm nay, kết quả ở các khâu này đều giảm, trong khi tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Nhận định này ngược với đánh giá của Thanh tra Chính phủ là khả năng tự phát hiện tham nhũng của bộ máy thông qua hoạt động thanh, kiểm tra… đã tăng nhiều so với trước.
Theo UB Tư pháp thì cần nghiêm khắc đánh giá hiệu quả phòng chống tham nhũng của các cơ quan, nhất là cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng.
Cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng nhận xét, một số nội dung trong báo cáo còn chung, chưa đánh giá kết quả, tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm; hạn chế của các cơ quan có chức năng, nhất là các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng.
Hạn chế khác được chỉ ra là về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng. Báo cáo thẩm tra nêu: “Đặc biệt, chưa có văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn, trong khi đó việc kê khai tài sản vẫn rất hình thức và hiệu quả phòng chống tham nhũng thấp”.
Nguyên nhân quan trọng được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là kỷ cương quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng cho rằng, số cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ hoặc trừng trị nghiêm khắc.
Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, bệnh quan liêu, thành tích vẫn nặng nề, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện phản ánh quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Bên cạnh các giải pháp có tính chất phòng ngừa, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cùng TAND tối cao, VKSND tối cao cần tập trung hơn nữa các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, xử lý thật nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, phúc đáp yêu cầu nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đã xác định.
Trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao, TAND Tối cao, ông Nguyễn Văn Hiện cho rằng Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao đã thực hiện nhiều giải pháp, nhiệm vụ trong công tác phòng chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động truy tố, xét xử và về cơ bản đạt, vượt mục tiêu của Quốc hội. Tuy nhiên kết quả đó vẫn chưa phản ánh được đầy đủ tình hình vi phạm pháp luật diễn ra trong đời sống kinh tế - xã hội.
Ngoài nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được Chính phủ báo cáo, qua công tác khảo sát, giám sát, Ủy ban Tư pháp nhận định, có sự tiếp tay, thông đồng không thực hiện nhiệm vụ đúng chức trách được giao của một bộ phận cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước địa phương.
“Nguyên nhân của một số vụ giết người dã man, tàn bạo, giết nhiều người là do ảnh hưởng của những mâu thuẫn xã hội, tác động tiêu cực của những ấn phẩm đồi trụy, trò chơi trên mạng, sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho giới trẻ còn hạn chế. Điều đó đã dẫn đến một bộ phận giới trẻ xuống cấp đạo đức lối sống, có xu hướng sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn tăng lên”- ông Hiện nói.
Mặc dù công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật, hoạt động tội phạm đã giảm mạnh, các vụ trọng án được khám phá ngay và được nhân dân đánh giá cao, nhưng ông Hiện khẳng định kết quả phát hiện tội phạm trên một số lĩnh vực chưa tương xứng với tình hình thực tế. Phát hiện tội phạm chức vụ tham nhũng giảm, số lượng người nghiện ma túy còn rất lớn.
“Số vụ đình chỉ điều tra do không có dấu hiệu phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm giảm; đã bắt được hơn 9.000 đối tượng truy nã; số chết ở nhà tạm giam, tạm giữ giảm hơn so với năm trước”- ông Hiện nói.
Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đưa ra thực tế tại một số cơ quan điều tra địa phương việc tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm chưa đúng quy định, vẫn còn lạm dụng biện pháp tạm giam nhất là với trường hợp ít nghiêm trọng. “Công tác quản lý tạm giữ tạm giam sơ hở, để xảy ra nhiều trường hợp người tạm giữ, tạm giam phạm tội mới. Một số trường hợp đối tượng tạm giữ, tạm giam đánh nhau trong trại gây chết người dẫn tới bức xúc dư luận”- ông Hiện cho biết.
Ông Hiện đánh giá báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao cho thấy công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động hình sự năm 2015 đã được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên một số VKSND chưa giải quyết kịp thời tin báo tố giác tội phạm, nhiều trường hợp truy tố chưa đủ căn cứ, bị trả hồ sơ, rút một phần truy tố.
Thế Kha
P.Thảo